ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 19:36:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bánh tét ngày Tết

Báo Cà Mau Trong một lần trên đường về, trời bất chợt đổ mưa, tôi tạt vào hiên nhà trú, thấy người đàn ông đứng cách đó không xa với chiếc xe treo đầy bánh tét. Ðây là món ăn mà tôi rất thích, nên chẳng cần đắn đo, mua ngay. Và thật bất ngờ, bánh ngon hơn tôi nghĩ.

Tôi bước qua bắt chuyện làm quen và hỏi xin số điện thoại để khi nào thèm thì gọi mua. Anh nhìn tôi với nụ cười hiền khô: "Anh thông cảm, để tôi cho anh địa chỉ nhà, khi nào muốn ăn thì tới. Còn hằng ngày đi bán không thể chạy đi giao lung tung được. Mấy chục năm rồi tôi chỉ đi đúng những con đường quen thuộc, nên mấy mối ruột thuộc lòng giờ giấc, cứ đúng giờ đi ra đón là gặp". Thấy lạ, tôi hẹn hôm nào sẽ lên nhà mua làm quen. Ngoài trời mưa vẫn còn nặng hạt. Anh từ giã, rồi nói như phân trần: “Ði cho đúng giờ, để “mối” đợi kỳ lắm”.

Nghề gia truyền

Anh tên Trần Văn Lợi. Căn nhà của anh ở Khóm 6, Phường 6, TP Cà Mau, nằm chồm lên kinh xáng Bạc Liêu. Gió từ bến sông thổi thốc lên lành lạnh, báo hiệu mùa xuân đã về. Bước vào bên trong, không khí như ấm hẳn lên bởi những nguyên liệu gói bánh, rồi thau chậu, dây buộc, đậu, nếp được bày khắp nhà. Mấy người hàng xóm cũng sang chơi, nói cười rôm rả.

Nhưng một điều lạ là đồ đạc đã chuẩn bị xong, người thì không thiếu, nhưng không thấy ai động đậy gì cả. Như hiểu được ý tôi, vợ anh, chị Trần Hồng Chiếm, giải thích: "Chờ 11 giờ ổng đi bán về mới gói. Ổng khó tính lắm, tối ngày cứ sợ người ta buộc không chặt, bánh không ngon, mất uy tín". Ðồng hồ gõ 11 tiếng, anh bước vào nhà. Mồ hôi lấm tấm, anh chào tôi rồi đi thẳng ra sau nhà lua vội chén cơm.

Không ai bảo ai, chị ở ngoài bắt đầu gói. Khi đòn bánh đã thành hình thì anh cũng vừa ăn xong. Ngồi bẹp xuống, anh bắt đầu buộc bánh. Trong chốc lát, những đòn bánh tròn trịa được treo lên cây sào tre sát vách nhà, thẳng hàng.

Nghề này là của má anh truyền lại. Ngày trước bà bán ở Phú Lộc (Sóc Trăng), năm 1981 thì về Cà Mau lập nghiệp. Anh cho biết, lúc mới 8, 9 tuổi đã được má dạy gói bánh, rồi được má cho theo khi đi bán. Anh chạy phía trước rao bánh, còn má thì gánh 2 thúng bánh phía sau. Hôm nào bán đường sông thì má chèo, anh ngồi trước mũi xuồng rao: “Ai mua bánh tét nhưn mỡ, nhưn chuối hôn!”. Tính đến nay anh đã gắn bó với nghề này gần 30 năm.

Lấy chữ tín làm đầu

 Vợ anh khoe: "Mấy năm nay mối của tụi tôi nhiều lắm, tuốt ở Ðồng Nai, Bình Dương, gần Tết năm nào họ cũng gọi điện đặt, nên phải nấu 2, 3 lò mới có bánh kịp giao". Tôi hỏi mối nhiều vậy sao không mướn người gói phụ cho đỡ cực? Ðang ngậm cọng lác để xiết đòn bánh tét, anh liền ậm ự khoát tay rồi nói, thà hai vợ chồng chịu cực thức suốt đêm để gói, chớ người ta không chuyên làm đâu có được như mình. Thứ nhất là họ buộc không chặt, mà không chặt thì đâu có ngon, rồi nhìn đòn bánh không đẹp. Khách hàng bây giờ nhiều lựa chọn lắm, mình mà hời hợt là mất mối như chơi.

Chị xen vào: "Ðây, như tôi nè, từ ngày về làm dâu tới nay cũng mấy chục năm rồi, vậy mà ảnh còn chưa cho buộc nữa, chớ nói chi người lạ". Anh đùa: "Thà bà giận thì tui chịu, chớ buộc không đẹp, mất khách là mất tất cả. Tính tôi là vậy, chữ tín phải đi đầu mới được".

Theo anh, bánh ngon phải hội tụ đủ các thứ thì mới ngon được. Ngoài chuyện chọn nếp, đậu, rồi ướp gia vị thì việc chọn lá chuối, dây lác và cách buộc cũng không kém phần quan trọng. Nếu buộc không chặt bánh sẽ bị nhão, mau thiu; còn lá chuối cũ héo chuyển màu thì da bánh không đẹp.

Chừng ấy năm trong nghề, đến giờ thì anh có thể gói nhiều loại bánh nhưn khác nhau, thậm chí là nhưn có chữ. Anh cho biết, dù làm được nhiều món vậy nhưng anh vẫn gói theo kiểu truyền thống, cột bằng dây lác. Mỡ anh cũng tự tay đi mua.

Anh bảo, bây giờ thì có thể an tâm sống bằng nghề, vì xưa nay bánh tét là món ăn đậm đà hương vị quê hương, nó luôn làm ấm lòng những người đi xa, nhưng hổng biết thế hệ sau này có giữ được nghề không. "Thôi thì con cái chọn nghề nào cũng được. Bây giờ mình còn sức khoẻ ráng "cày" kiếm tiền lo cho nó học hành tới nơi tới chốn để sau này có công việc lo cho cuộc sống là tốt rồi", anh trần tình./.

Bánh tét là một trong những loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền của người Nam Bộ. Ngày xưa, Tết đến, người ta thay phiên nhau gói vần công hết nhà này tới nhà khác, nói cười rôm rả. Ðám con nít thì thức tới khuya, cứ ngồi xúm xít vui đùa quanh bếp lửa, chúng chờ đến khi nào vớt chiếc bánh đầu tiên ra cho ăn thử thì mới chịu đi ngủ. Ngày nay, bánh tét không chỉ hiện hữu trong mấy ngày Tết mà ngày thường vẫn có. Ngày Tết, nhiều gia đình không gói bánh nữa mà đặt tại các chủ lò. Chỉ cần cú điện thoại là chủ lò giao bánh tận nơi.

Khởi Huỳnh

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).