ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-10-24 05:48:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Báo ảnh Ðất Mũi - Những ký ức và niềm tự hào

Báo Cà Mau (CMO) Ngày 1/1/2021, báo ảnh Ðất Mũi đã hợp nhất với báo Cà Mau và mang tên báo Cà Mau. Măng-sét Ðất Mũi đã trở thành ấn phẩm cuối tuần của báo Cà Mau với diện mạo mới. Như vậy, sau hơn 40 năm hình thành tồn tại và phát triển, báo ảnh Ðất Mũi đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ chính trị của mình, để lại trong lòng người đọc và ai đã từng cống hiến cho báo ảnh Ðất Mũi những ký ức đẹp xen kẽ niềm tự hào.

Trong vòng xoay của nhân sinh, trong sự tiến hoá của xã hội thường ghi dấu những ký ức không thể nào quên trong tâm khảm con người. Vào những dịp cuối năm, khi những cơn gió chướng quay về thì những hoài niệm, những ký ức như gặp được chất xúc tác và cứ tuôn trào… Báo ảnh Ðất Mũi, tờ báo nơi tôi khởi nghiệp, tờ báo nơi tôi dành cả phần thanh xuân để cống hiến… đã là một ký ức đẹp trong tôi đến bây giờ và đến tận mai sau.

Báo ảnh Ðất Mũi (tiền thân là tờ tin ảnh) phục vụ Nhân dân Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Ðây là tỉnh cuối cùng cực Nam Tổ quốc, một tỉnh vùng sâu, xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Trung ương, tỷ lệ nông dân chiếm hơn 90% dân số, nên việc cho ra đời tờ báo ảnh là phù hợp với trình độ phát triển của mặt bằng dân cư, đồng thời báo ảnh cũng là một loại hình báo chí hiện đại sẽ được phát triển trong tình hình mới. Trong thời kỳ đầu hình thành và phát triển, những gương mặt quen thuộc của làng báo, làng nhiếp ảnh như Nghệ sĩ Nguyễn Hải Tùng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kiên Hùng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Thanh Ðạm, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Xuân Dũng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Dũng, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn… thế hệ tiếp sau có Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Dũng, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðỗ Thuỳ Mai, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Ðông, Nhà báo Phan Trường Giang, Nhà báo - Nhà văn Võ Ðắc Danh, Nhà báo Ðào Minh Tuấn… Và thế hệ tiếp sau nữa có Lê Chí Bắc, Tiến Trình, Ðào Văn, Hồng Ðiệp, Huỳnh Lâm, Thanh Minh, Loan Phương, Mộng Thường..., đây là thế hệ đưa tờ báo ảnh Ðất Mũi tiếp cận với bạn đọc không những trong tỉnh mà còn lan rộng ra cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Có những lúc chỉ số phát hành của báo chính vượt mốc 5.000 tờ và tờ báo chuyên đề tiếp cận con số hơn 100.000 tờ mỗi kỳ, đây là con số mà thời đó các tờ báo khác đều mơ ước.

Ðúng vậy! Mọi thành viên báo ảnh Ðất Mũi cùng chung sức tạo nên vóc dáng và hình hài của báo ảnh Ðất Mũi - một tờ báo ảnh mang đậm bản sắc văn hoá phương Nam. Trải qua 40 năm hình thành, tồn tại và phát triển, báo ảnh Ðất Mũi đã có nhiều đóng góp cho báo chí, cho phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà, đặc biệt là trên lĩnh vực báo ảnh và nhiếp ảnh. Bám sát tôn chỉ mục đích của mình, báo ảnh Ðất Mũi đã làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng thẩm mỹ cho Nhân dân. Những sự kiện lớn, trọng đại của tỉnh - báo ảnh Ðất Mũi đã tuyên truyền một cách xuất sắc, trở thành chiếc cầu nối giữa ý Ðảng và lòng dân.

Tiết mục văn nghệ dịp kỷ niệm 30 năm thành lập báo ảnh Ðất Mũi và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, do biên tập viên, phóng viên, nhân viên đơn vị biểu diễn. Ảnh: HUỲNH LÂM

Tờ báo ảnh Ðất Mũi một thời gian luôn chiếm được nhiều cảm tình của độc giả trong và ngoài tỉnh. Người ta khen báo ảnh Ðất Mũi khá hay về nội dung và đẹp về hình thức, có bản sắc riêng, mà từ ngày giải phóng đến nay các đồng chí lãnh đạo  tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) cho xuất bản một tờ báo ảnh chưa địa phương nào trong nước có được bằng phong cách, bản sắc riêng của mình: sử dụng ngôn ngữ viết kết hợp với ngôn ngữ nhiếp ảnh nên bài viết  luôn ngắn gọn, súc tích, được minh hoạ bằng những bức ảnh vừa mang tính thời sự báo chí, vừa mang tính nghệ thuật - đó là người thật, việc thật, hay nói một cách khác, bài viết luôn có hình ảnh minh hoạ - mà hình ảnh đẹp nên làm cho người đọc thích thú và không thể nghi ngờ về tính chân thật của nó.

Trong đời sống chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh ở chặng đường 40 năm qua, phóng viên báo ảnh Ðất Mũi đều có mặt ghi lại những hình ảnh quan trọng đó (như các kỳ Ðại hội Ðảng, làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia, các thế mạnh của tỉnh, các vị lãnh đạo của Trung ương và khách quốc tế đến Cà Mau, chuyển đổi cơ cấu kinh tế - đột phá của địa phương để từ bỏ nghèo nàn lạc hậu phát triển đi lên…) trên các số báo, đồng thời lưu trữ lại nhiều hình ảnh tư liệu quý cho các thế hệ mai sau của Cà Mau.

Phải nói rằng báo ảnh Ðất Mũi đã vượt khỏi biên giới tỉnh nhà. Nhiều bạn bè ở xa biết đến Cà Mau có một phần lớn thông qua tờ báo ảnh Ðất Mũi. Nói đến Báo ảnh Ðất Mũi là người ta nghĩ đến Cà Mau. Rất nhiều bạn đọc ở khắp nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và các tỉnh ở phía Bắc xa xôi gửi thư về khen ngợi tờ báo hoặc gởi bài, ảnh cộng tác. Có thể lấy số báo và bộ ảnh đặc biệt về cơn bão số 5 - 1997 làm điển hình mà ngay tại thời điểm đó Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận định như sau: "Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam hết sức hoan nghênh Chi hội báo ảnh Ðất Mũi, Ban biên tập báo ảnh Ðất Mũi. Ngay trong và sau cơn bão, các phóng viên ảnh đã có mặt tại các địa bàn trọng yếu ghi lại hàng ngàn bức ảnh về những tang tóc đau thương do cơn bão số 5 gây ra. Ðồng thời cũng ghi nhận kịp thời sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và sự đùm bọc chia sẻ của đồng bào ruột thịt và bè bạn nước ngoài đối với Cà Mau trong cơn hoạn nạn. Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các đồng nghiệp đánh giá cao về sự mẫn cán chính trị và tay nghề cao của các phóng viên báo ảnh Ðất Mũi" (Trích thư khen của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho số báo ảnh Ðất Mũi đặc biệt về cơn bão số 5 năm 1997). Cũng qua số báo này, Hội Việt kiều ở Mỹ đã quyên góp hàng tỷ đồng (quy đổi ra tiền Việt Nam) gởi về cho tỉnh để giúp đỡ những gia đình gặp nạn trong cơn bão. Và một Việt kiều ở Canada đã gửi thư về nhờ toà soạn làm cầu nối để ông nuôi dưỡng cháu Tạ Diễm Tuyền, người còn sống sót trong một gia đình ở Tân Ân, Ngọc Hiển do cơn bão số 5 gây ra. Và hẳn trong ký ức nhiều người còn nhớ và xúc động với tác phẩm ảnh “Biển ơi, sao chưa thấy Ba về” của tác giả Ngọc Mai khắc hoạ hình ảnh những đứa trẻ với gương mặt lấm lem ngây thơ hướng ra biển ngóng tìm người thân trong vô vọng. Ðây là 1 trong 100 tác phẩm về cơn bão số 5 do phóng viên báo ảnh Ðất Mũi ghi lại đã được triển lãm nhiều lần trong tỉnh và sau đó lưu trữ ở bảo tàng...

Trước đây, mặc dù báo ảnh Ðất Mũi chỉ xuất bản mỗi tháng 4 số, trong đó có 2 số chuyên đề, dành riêng cho bạn đọc trẻ, nhưng bao giờ cũng chiếm ưu thế về hình thức. Năm 1995, báo ảnh Ðất Mũi cùng một lúc đoạt 2 giải thưởng: bìa báo đẹp nhất và tờ báo được bạn đọc yêu thích nhất tại hội thi báo xuân toàn quốc ở Hà Nội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Và cũng tại cuộc thi này, năm 2000, báo ảnh Ðất Mũi là 1 trong 16 tờ báo trên toàn quốc đạt giải A (trên tổng số hơn 400 tờ báo, tạp chí dự thi )… Và cũng trong Hội thi Báo Xuân 2005, báo ảnh Ðất Mũi đoạt giải B trong hơn 400 tờ báo dự thi. Từ năm 2005-2020, báo ảnh Ðất Mũi có bước nhảy vọt về kênh thông tin đa phương tiện. Những ấn phẩm theo sát đà phát triển của kinh tế - xã hội kịp thời ra đời như tăng kỳ phát hành mỗi tháng 8 kỳ, trong đó có 4 kỳ chuyên đề, đồng thời cho ra đời thêm tờ nguyệt san Cơ hội vàng, bán nguyệt san song ngữ Việt - Khmer và đặc biệt là báo Ðất Mũi điện tử với hàng triệu lượt truy cập, vượt ra biên giới quốc gia đến với bạn bè 5 châu.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm, lực lượng phóng viên báo ảnh Ðất Mũi đạt được nhiều giải thưởng báo chí Nguyễn Mai và chiếm hầu hết các giải thưởng nhiếp ảnh hàng năm do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức - cũng như đoạt nhiều giải thưởng lớn đồng bằng sông Cửu Long, toàn quốc và quốc tế. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh Cà Mau hầu hết đều trưởng thành từ báo ảnh Ðất Mũi hoặc do báo ảnh Ðất Mũi phát hiện, dìu dắt và trở thành lực lượng mạnh và chất lượng của cả nước.

Có thể nói, các thế hệ những người làm báo ở báo ảnh Ðất Mũi đã có những đóng góp về nhân sự quan trọng cho các tổ chức hội chính trị - nghề nghiệp ở Trung ương và địa phương như có 4 uỷ viên ban chấp hành qua các thời kỳ, trong đó có 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đương nhiệm (nhiệm kỳ 2020-2025), Chủ tịch Hội Nhà báo, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau và nhiều phóng viên trẻ có tên tuổi của báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Người Lao Ðộng, báo Công an TP Hồ Chí Minh... từng trưởng thành từ báo ảnh Ðất Mũi. 

Chặng đường hơn 40 năm (1979-2020), báo ảnh Ðất Mũi đã xuất bản hàng triệu tờ báo để phục vụ Nhân dân trong và ngoài tỉnh… Và chặng đường đi lên ấy, báo ảnh Ðất Mũi luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Hơn 40 năm qua, báo ảnh Ðất Mũi luôn tự hào với những gì mình đã làm được, tự hào với một bản sắc riêng - bản sắc văn hoá đậm chất phương Nam và mang hơi thở của vùng đất cuối trời Tổ quốc.

Trước xu thế hội nhập cùng cả nước tiếp cận và phát triển đa dạng kênh thông tin nhằm từng bước hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá nền báo chí nhằm phục vụ ngày càng hiệu quả hơn sự nghiệp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước…, báo ảnh Ðất Mũi cũng không nằm ngoài dòng chảy tất yếu này. Một kim chỉ nam đã ra đời kịp thời đó là Quyết định số 362/QÐ-TTg ngày 3/4/2019 của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án sắp xếp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Hợp nhất 2 cơ quan báo Cà Mau và báo ảnh Ðất Mũi thành báo Cà Mau, cơ quan chủ quản là Tỉnh uỷ Cà Mau. Một trang sử mới cho những người làm báo tại báo ảnh Ðất Mũi nói riêng và làng báo Cà Mau nói chung. Nhìn lại qua một năm hợp nhất, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết những thế mạnh của báo ảnh Ðất Mũi trước đây đã phát huy hiệu quả trên những trang báo Cà Mau hôm nay… Là người đã từng lãnh đạo báo ảnh Ðất Mũi và nay với cương vị là Chủ tịch Hội Nhà báo, tôi rất vui mừng nhận thấy sự hợp nhất 2 tờ báo là phù hợp với xu thế báo chí hiện nay. Tờ báo ảnh Ðất Mũi không mất đi mà còn hiện đại và chuyên nghiệp. Những phóng viên của báo ảnh Ðất Mũi trước đây, nay được nâng cao vị thế, phát huy được năng lực, sở trường của mình và hoà nhập rất tốt vào mái nhà chung là báo Cà Mau.

Hơn 40 năm hình thành, tồn tại và phát triển, báo ảnh Ðất Mũi đã nhận được những phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước, đó là Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì với những cống hiến xuất sắc của mình và để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp. Chúng ta không quên công lao đóng góp của các thế hệ làm báo ở báo ảnh Ðất Mũi, trong đó có những người đã khuất. Xin thắp một nén nhang để tưởng niệm cố Nhà báo - Nghệ sĩ Nguyễn Hải Tùng, người chủ nhiệm đầu tiên của báo ảnh Ðất Mũi, cố Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kiên Hùng, nguyên Tổng biên tập báo ảnh Ðất Mũi, cố Nhà báo Lê Chí Bắc, nguyên Thư ký Toà soạn báo ảnh Ðất Mũi đã mãi mãi đi xa về cõi vĩnh hằng.


Nhân dịp kỷ niệm tròn 1 năm hợp nhất báo Cà Mau và báo ảnh Ðất Mũi, cũng là ngày đầu năm mới, xin chúc toàn thể những người làm báo ở báo Cà Mau sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc báo Cà Mau ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình trước xã hội, đất nước và Nhân dân.


 

​Nguyễn Thanh Dũng

 

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào?

Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) để thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là chủ trương, chính sách ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước, được triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài cuối: Ðúng quy định, sát thực tiễn

Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Ðảng ta, nhưng cũng là khâu khó, cần phải được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc; trong tổ chức thực hiện đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định: “Ðối tượng, chức danh bố trí trong điều động, luân chuyển tại Cà Mau đảm bảo đúng Quy định số 65-QÐ/TW”.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài 2: Khoá đào tạo đặc biệt

Quy định của Ðảng về thời gian luân chuyển, điều động cán bộ từ 3 năm trở lên. Ðây được coi là khoá đào tạo cán bộ đặc biệt, là môi trường “luyện vàng, giũa ngọc”, để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, ngang tầm với nhiệm vụ được giao phó. Bởi khi tiếp cận thực tiễn, sâu sát với đời sống Nhân dân, mỗi cán bộ sẽ tích luỹ, bồi tụ cho bản thân rất nhiều điều bổ ích; những bài học kinh nghiệm thiết thân, quý giá. Từ đó mang lại những giá trị cống hiến thực chất, thực sự cho Ðảng, cho Nhân dân.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc”

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu, thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng Ðảng về tổ chức, đặc biệt là công tác cán bộ, được Ðảng ta xác định là vấn đề “then chốt của then chốt”.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.