ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:27:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Cà Mau Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Báo Cà Mau Online trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Minh Hải, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau, trò chuyện cùng cán bộ chủ chốt Báo Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Đã 44 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi xách chiếc giỏ đựng hai bộ đồ, rồi thập thò bàn chân nạm phèn, về làm phóng viên cho Báo Minh Hải. Lúc đó là tháng 7/1980, mưa chớm mùa, hàng me ở đường Trần Phú, ngang Bưu điện Bạc Liêu bây giờ, đang khoác lên mình màu mạ non mướt rượt. Chợ nhà lồng Bạc Liêu bé tí, thị xã Bạc Liêu cũng bé tí, những con đường gồ ghề trải đá 4x6 cũng bé tí. Trên lộ đầy xe vua, chúng chạy phát ra tiếng rầm rầm. Thời bao cấp, người quê, kẻ chợ, hối hả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo, khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh 40 năm đã phải đối diện cùng lúc 2 cuộc chiến tranh, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tỉnh Minh Hải lúc này đang vận động phát triển một cách ì ạch, vừa tăng gia sản xuất để cứu đói, chi viện cho chiến trường, vừa cải tạo xã hội để cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Báo Minh Hải vận động, phát triển trong lòng thời cuộc ấy. Và tôi được nuôi dạy, lớn lên trong lòng Báo Minh Hải. Năm 1976, măng sét tờ báo Minh Hải ra đời, cho đến năm 1997 chia tách tỉnh, trở thành Báo Cà Mau, Bạc Liêu thì kết thúc một giai đoạn. Hơn 20 năm vui buồn có đủ và cả niềm tự hào nữa, đó là nơi dung dưỡng, chở che cho tôi khi chấp chới vào đời, rồi đủ lông, đủ cánh. Hôm nay tôi viết về Báo Minh Hải như một ân tình chưa trả. Tôi nghĩ về nó bằng niềm thương, nỗi nhớ về mái nhà thời tấm mẳn của mình. Tôi tự hào về nó bằng những nỗi niềm chưa có dịp cùng ai cạn tỏ.

Báo Minh Hải là tờ báo của Ðảng bộ tỉnh, một tỉnh rộng lớn của cả vùng Bạc Liêu - Cà Mau ngày nay. Nói như thế cũng chưa đủ, năm 1973, tỉnh Bạc Liêu tái lập thì một bộ phận nhỏ cán bộ, phóng viên của Báo Sóc Trăng được phân công về Bạc Liêu để làm báo cho tỉnh mới. Những cán bộ tiêu biểu lúc đó là chú Ba Chiến, anh Ðoàn Hùng... Cho nên có thể nói, về mặt lực lượng, cơ quan Báo Minh Hải là nơi quy tụ cán bộ báo chí của 3 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Họ là  những nhà báo được rèn luyện trong gian khổ, hy sinh, từ cuộc chiến tranh đánh Mỹ đi ra. Những khuôn mặt đó bây giờ ngồi nhớ lại tôi bỗng bồi hồi xúc động, như nhớ về những người anh, người thầy của mình. Họ là cán bộ cách mạng, nhân cách được hình thành từ văn hoá kháng chiến, nên họ dễ gần và giản dị. Một anh Bảy Minh (Phạm Văn Tri, quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo Minh Hải), anh rất cẩn ngôn khi phát biểu trong các cuộc họp. Tôi rất thích anh, bởi anh làm chính trị bằng cái tình đời, tình người, nói những câu chữ đầy văn chương, hồn phách. Anh Bảy viết báo hay, mà còn có thế mạnh viết văn, đặc biệt là thể ký. Cuộc đời làm nghề của tôi, đi đâu, lúc nào tôi cũng tự nhận anh Bảy là ông thầy đầu tiên của mình. Thoạt nhìn anh Bảy nho nhã, hiền lành, thế nhưng đó là một nhà báo, một lãnh đạo báo chí gan góc, dám hy sinh, biết cách vượt qua áp lực, đe doạ, để Báo Minh Hải nói được tiếng nói của Nhân dân về chống tiêu cực. Anh là người đi đầu để Báo Minh Hải đòi công lý cho Trung uý Lữ Anh Dồi.

Kế đến là chú Chín Tửng (Tạ Việt Hoa), nguyên Phó tổng biên tập Báo Minh Hải. Chú Chín viết báo không hay nhưng nói chuyện thì rất hay, là báo cáo viên của tỉnh thời đó. Kế đến nữa là các anh: Phan Anh Tuấn (Tổng Biên tập Báo Cà Mau), anh Hà Phương Dũng. Lúc tôi về báo anh Dũng là Trưởng phòng Kinh tế, thủ trưởng trực tiếp của tôi. Anh Dũng viết báo hay, người đa tình, đa cảm.

Kế nữa là anh Tô Ðoàn Hùng, chữ rất đẹp, ngay ngắn. Anh là người kỹ tính, kỹ đến thái quá. Ðến bột ngọt, đường, nước mắm ăn hằng ngày anh cũng cho vào lọ để trên kệ, trong phòng ngủ, như những vật trang trí. Kế nữa là chị Bích Liên, lúc tôi về chị làm Phó phòng Văn hoá - Xã hội; rồi anh Tám Phượng (Phạm Minh Phượng, đã mất), Chánh văn phòng; anh Tấn Sĩ (đã mất), Phó chánh văn phòng; anh Mười Ðại, Thư ký toà soạn. Tám Phượng và Tấn Sĩ thì chỉ thuần công tác hành chính; còn anh Mười Ðại là một cây nhiếp ảnh có tiếng lúc bấy giờ. Người tôi muốn kể nữa là anh Nguyễn Thanh Sơn (đã mất). Chức vụ cuối cùng của anh là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Ðây là người gắn bó suốt đời với báo chí, người từ trong kháng chiến đi ra.

Ðội ngũ những người từ chiến khu ra thành làm báo lần lượt được bổ sung. Như anh Sáu Thi, anh từ Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được điều về làm Tổng Biên tập Báo Minh Hải. Ðây là một ông già nghiêm cẩn, đức hạnh, có đời sống thanh bạch, sạch sẽ vô cùng. Chính vì thế mà ở Báo Minh Hải thời đó xảy ra một hiện tượng, Tổng Biên tập báo ít nói, không la rầy, nổi nóng, mà ai cũng... sợ. Các anh sợ cái nghiêm cẩn, cái đức độ của ông.

 Người về cùng lúc với anh Sáu Thi là anh Bảy Chánh (Nguyễn Minh Chánh), anh nguyên là Phó bí thư Tỉnh đoàn, Phó ban Dân vận Tỉnh uỷ, về Báo Minh Hải làm Phó tổng biên tập, rồi Tổng Biên tập và sau này là Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu khi chia tách tỉnh, cuối cùng là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu.

So với các thủ trưởng khác, tôi có mối quan hệ gần gũi, thâm tình với anh Bảy Chánh hơn cả. Bởi trong anh cuộc đời rất nhiều. Nhớ hồi trụ sở Báo Minh Hải ở số 66, Nguyễn Hữu Lễ (Cà Mau), cơ quan có phong trào đánh tiến lên, cũng chỉ là ăn thua gói thuốc hút, hay nồi cháo gà... Anh Bảy tham gia rất nhiệt tình, kéo cả anh em về nhà đánh bài suốt đêm, lại nấu cháo gà cho ăn. Thế nhưng, đến lúc phóng viên đánh bài cả trong giờ làm việc, anh phải bấm bụng ban hành quy chế cơ quan “không được đánh bài trong giờ hành chính”. Thế là ghiền quá, bọn tôi xuống phòng ngủ ở khu tập thể cơ quan mà đánh. Sòng bài hôm đó, tôi nhớ mang máng có tôi, anh Ðoàn Hùng, Ngô Hải, anh Nguyễn Bé... Anh Bảy Chánh đột nhiên mở cửa vào rồi quở: “Trời ơi, vừa phải thôi. Giờ này mà mấy ông đánh bài là sao?". Rồi chợt thấy anh Ðoàn Hùng đi con hai cơ, lại thấy bài trên tay tôi có tứ quý, anh Bảy bỗng quên mình là ai, máu mê nổi lên, anh Bảy hét toáng: “Chụp tứ quý nó, chụp nó...”, làm cả sòng bài cười sùng sục.

Với tôi, anh Bảy là người rất đặc biệt. Anh trưởng thành từ các cơ quan "ăn nói" nên anh nói rất hay, thế nhưng viết báo thì không hay. Mà ông trời cũng công bằng, khi ổng cho anh cái đầu và tư chất của một người có tầm nhìn xa, cực kỳ nhạy cảm chính trị. Anh phát hiện ngay được những vấn đề mà báo chí cần. Những năm anh "cầm quân" ở Báo Minh Hải, rồi Báo Bạc Liêu, 2 tờ báo trở nên đầy sức sống. Còn nhớ vụ án Lữ Anh Dồi và những sự kiện xảy ra thời thập niên 80-90 thế kỷ 20, thời kỳ này Báo Minh Hải phát hành đến hơn trăm ngàn bản. Ðó là thời kỳ Báo Minh Hải vận động theo quỹ đạo đổi mới đất nước của Ðảng, mà anh Bảy là Phó tổng biên tập, rồi Tổng Biên tập.

Anh Bảy Chánh còn một điều đặc biệt nữa, nếu không nói rõ sẽ không công bằng với anh. Anh quý trọng và có trách nhiệm với văn hoá. Thời kỳ Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển văn hoá, mà ta hay gọi là “Bạc Liêu đi lên từ văn hoá”, anh Bảy là người ủng hộ hết mình. Nhớ những năm Báo Minh Hải còn ở Cà Mau, tranh thủ vị thế của báo chí, anh đã đề xuất, rồi tổ chức giải cấp tỉnh những trò chơi dân gian đặc sắc... Khi về Bạc Liêu thì anh đề xuất “Ngày Hội báo Xuân”; "Tết quê giữa lòng thành phố"... để khôi phục, giữ gìn phong tục Tết. Những vấn đề này bây giờ trở thành hoạt động truyền thống hằng năm ở Bạc Liêu, nhưng chắc là ít ai còn nhớ đến người phát kiến ra nó.

Do khuôn khổ bài báo nên tôi chỉ xin kể vài khuôn mặt tiêu biểu như thế. Họ là lực lượng từ trong chiến khu ra, được Ðảng giao nhiệm vụ xây dựng tờ báo Minh Hải đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới. Ðó là vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền và xây dựng cơ sở vật chất, vừa đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 1980 tôi về báo, đời sống xã hội lúc ấy cực kỳ khó khăn. Trai ruộng thì không có việc làm, đi ra thị xã mướn xe vua chạy, thế là xe vua trở thành phương tiện giao thông chủ đạo, chạy đầy thị xã. Từ xưa, Bạc Liêu là tỉnh được mệnh danh là tỉnh lúa, tỉnh muối mà nông dân nhiều nơi ăn cơm độn khoai, cán bộ thì độn bột mì.

Hồi đó, chỉ đạo ưu tiên hàng đầu của Ðảng là tất cả cho cây lúa. Thế là đẩy mạnh các phong trào “khai hoang phục hoá”, “thâm canh tăng vụ” đi đôi với đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp. Hồi đó tôi phụ trách viết mảng tiểu thủ công nghiệp nên hay la cà vào khu vực sản xuất, những xí nghiệp, hợp tác xã sản xuất đinh, dây chì, xà bông cục bằng cơm dừa... Còn công nghiệp thì sản xuất bánh mì, bánh bội của máy cày, sản phẩm hồi đó rất kém chất lượng, đinh đóng một cái là quẹo, xà bông thì ăn da tay đến chảy máu...

Báo Minh Hải lúc đó xuất bản mỗi tuần một số, từ 4 trang lên 8 trang, cũng có chuyên trang, chuyên mục, nội dung rất sát với nhiệm vụ chính trị, đời sống Nhân dân.

Những ấn phẩm Báo Minh Hải, Báo Cà Mau. Ảnh: MỸ LINH

Năm 1980, khi tôi vào làm việc thì tình hình “đánh tư sản”, “cải tạo tư bản tư doanh” đã lắng dịu, tỉnh đang tập trung vào cải tạo nông nghiệp, đi lên chủ nghĩa xã hội. Thế là xoá tư hữu ruộng đất và thành lập tập đoàn, hợp tác xã, nông trường để làm chủ tập thể. Dĩ nhiên, nếu bây giờ nhìn lại thì ta thấy đó là đường lối ấu trĩ, nhưng nếu nhìn ở góc độ tuyên truyền thời đó thì Báo Minh Hải góp phần tạo ra một khí thế hừng hực. Giá Rai và xã Long Ðiền Ðông C là điểm chỉ đạo của tỉnh, của Trung ương. Cánh phóng viên chúng tôi túc trực, ăn nằm dưới xã để đưa tin, viết bài ủng hộ phong trào.

Ðến năm 1985-1986, xuất hiện những bài viết của tác giả NVL trên báo Nhân Dân với những tư tưởng đổi mới. Thực chất, đó là bắt đầu phát pháo lệnh cho công cuộc đổi mới của Ðảng. Chủ điểm là lấy dân làm gốc, dân chủ hoá, tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Báo Minh Hải tiếp nhận chủ trương này chẳng những hồ hởi mà thông tin của nó giống như một dòng chảy của tức nước vỡ bờ, tâm nguyện đã được thực hiện. Cảm hứng từ lấy dân làm gốc, tự do ngôn luận theo chủ trương mới, báo Minh Hải tổ chức thông tin chống tiêu cực theo nguyện vọng bấy lâu bị đè nén của Nhân dân. Những vụ án báo chí công khai nổi đình nổi đám lúc bấy giờ là: Lữ Anh Dồi, vụ Giám đốc Công ty Lương thực Tám Khôi, vụ Bí thư xã Vĩnh Trạch Hai Nghé, vụ Giám đốc Ty Giao thông... Tôi còn nhớ, vụ nào mà báo Minh Hải khui ra, đối tượng bị báo nêu, không bị ở tù thì cũng bị khai trừ Ðảng. Tinh thần của các bài trên báo Minh Hải lúc bấy giờ “có gan có thép”, kẻ xấu thì sợ, Nhân dân thì hồ hởi, thoả lòng, tin tưởng báo chí. Tôi nhớ khoảng năm 1986, Trưởng ban Quản lý chợ thị xã Bạc Liêu dẫn lính vây đánh một thanh niên tên Món. Lúc này không khí dân chủ đã tiếp sức, hà hơi, nên nhiều tiểu thương vây quanh, bênh vực Món, một mặt họ cử người đến cho Báo Minh Hải biết. Buổi chiều, khi báo phát hành là kéo nhau đến toà soạn mấy trăm người để đọc. Báo đăng xong, tay trưởng ban quản lý chợ này đi tù.

Có lúc báo Minh Hải phát hành đến gần 100 ngàn tờ mỗi số, cao điểm là theo diễn tiến vụ án Lữ Anh Dồi. Nhìn lại chúng ta thấy rằng, trong giai đoạn khởi đầu công cuộc đổi mới của Ðảng, báo Minh Hải đã tiếp nhận, ủng hộ chủ trương một cách tuyệt vời, biến nó thành lợi thế, sức mạnh cho tờ báo, nhằm nâng cao không khí dân chủ, tạo niềm tin trong bạn đọc, góp phần thực hiện tốt công cuộc đổi mới của Ðảng ở vùng bán đảo xa xôi này.

Tôi xin trở lại nhiệm vụ thứ hai của Báo Minh Hải sau hoà bình là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho tờ báo ngày càng phát triển. Hồi tôi vào thì báo phải đi in ở Cần Thơ, rất bị động. Ðến năm 1982, hay 1983 gì đó, Báo Minh Hải xin với Tỉnh uỷ thành lập nhà in. Lúc này hoạt động của Báo Minh Hải sôi động lắm, nhân lực được tăng cường, nhà in có tới 2 trụ sở, một liền kề với trụ sở báo (khu mé sông, chợ cải TP Bạc Liêu bây giờ); một cách đó 500 m, cùng dãy phố. Hồi đó kỹ thuật in là sắp chữ chì, thế nhưng in tờ báo rất đẹp. Mỗi khi có bài đăng tôi hay chạy xuống nhà in, cầm tờ báo nóng hổi, màu sắc rực rỡ lên xem mà vui đến nức lòng.

Sau khoảng hơn một năm gì đó, Báo Minh Hải lại tiếp tục thành lập cơ sở sản xuất bột giấy, gọi là xí nghiệp bột giấy, đóng ở Trà Kha (Phường 8, TP Bạc Liêu bây giờ). Hồi đó là thời bao cấp, giấy in báo rất khó khăn, có khi phải mua chợ đen. Việc thành lập xí nghiệp bột giấy là Báo Minh Hải tạo ra thế chủ động cho mình. Hồi đó làm bột giấy bằng rơm rạ, mà ở Bạc Liêu thì rơm rạ mênh mông. Thế nên xí nghiệp giấy hoạt động rất tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tờ báo. Thế nhưng, đang trên đà làm ăn được thì Tỉnh uỷ Minh Hải lại lấy cả 2 xí nghiệp, in và giấy, ra khỏi Báo Minh Hải, để cho Ban Tài chính Tỉnh uỷ quản lý. Nhưng thôi, “rớt nia xuống sàng”, đằng nào cũng là phục vụ Ðảng, chỉ có điều những người quan tâm đến lịch sử báo chí cần nhớ là, cơ sở in ấn của tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay được phôi thai từ Báo Minh Hải.

Vấn đề cuối cùng tôi muốn đề cập, về nhiệm vụ xây dựng phát triển Báo Minh Hải sau chiến tranh, đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Tôi muốn sắp nó sau cùng không phải nó là thứ yếu, mà muốn có một tư duy trên cái nhìn tổng thể, xuyên suốt. Với tôi, nó là vấn đề hàng đầu, vấn đề con người, là nguồn lực của mọi nguồn lực.

Năm 1980 tôi về báo thì đã thấy có mặt các anh chị: Phan Thanh Lệ Hằng, Ðỗ Tuyết Mai, anh Dương Thanh Long, An Khương, Nguyễn Bé, Phạm Phi Thường, Lê Hiền, Phùng Quốc Toàn, Ung Ngọc Quân, Trần Chí Thành, Doãn Binh... Sau đó lần lượt bổ sung đội ngũ, gồm: Nguyễn Duy Hoàng, Ngô Hải, Ðặng Anh Rô, Lê Việt Quân, Võ Ðắc Danh, Trịnh Bích Ngân, Trần Ðại Dương, Ðào Thương Hồng Hạnh, Ðỗ Kiến Quốc, Lâm Hùng, Ðỗ Mỹ Phượng, Trần Thành Nên, Nguyễn Chiến, Trần Long Tuyền, Lữ Mỹ Nghi, Ðặng Huỳnh Lộc, Bằng Phong, Huỳnh Lãnh, Huỳnh Hải, Ðào Hùng Kiến... Hồi đó còn có những người ở phía Bắc tăng cường cho Minh Hải. Ðó là chú Bùi Sanh (sau này làm Trưởng phòng Kinh tế) và chú Ba Ðáng, Phó văn phòng. Một người mà tôi buộc phải kể tên trong đội quân này là Hàn Ái Tiến. Tiến về Báo Bạc Liêu sau năm 1997, năm tỉnh Minh Hải chia tách thành Bạc Liêu và Cà Mau. Thời tỉnh Minh Hải, Tiến là phóng viên của Ðài Truyền thanh huyện Vĩnh Lợi, là cộng tác viên thường xuyên của Báo Minh Hải. Tiến viết tin, bài theo yêu cầu của toà soạn, lân la chơi bời thân thiết với anh em Báo Minh Hải nhiều năm. Thế nên anh em Báo Minh Hải nhìn Tiến như người nhà, ít nhiều gì Báo Minh Hải cũng đã “truyền thụ nội công” cho Tiến.

Dĩ nhiên đội quân này còn nhiều nữa nhưng vì tôi chỉ điểm tên những người viết báo nên các anh em khác thông cảm.

Ðây là thế hệ thứ nhất sau hoà bình của Báo Minh Hải, là đội ngũ được rèn luyện bởi các anh, các chú từ chiến tranh đi ra. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là, đội ngũ này đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới của Báo Minh Hải hay không?

Hôm nay tôi ngồi đây, cố nhớ từng khuôn mặt thân quen cũ, rồi thả tầm nhìn bao quát ở đồng bằng Nam Bộ. Và tôi bỗng ngạc nhiên, bỗng tự hào, bỗng muốn bật khóc vì phát hiện sự trưởng thành lạ lùng, khó hiểu của đội quân thế hệ thứ nhất được ra lò từ Báo Minh Hải.

Người đầu tiên thiết nghĩ nên nhắc là anh Nguyễn Bé, là Tổng Biên tập Báo Cà Mau, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, rồi làm Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; và lần lượt đến các anh chị khác như: Trần Chí Thành, Phó tổng biên tập Báo Bạc Liêu, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu; Nguyễn Duy Hoàng, Tổng biên tập Báo Bạc Liêu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh; Hà Ái Tiến, Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu; Ðỗ Kiến Quốc, Giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau, Phó tổng biên tập Báo Cà Mau; Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau; Phạm Phi Thường, Giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau, Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh; Ðào Thương Hồng Hạnh, Thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên; Ngô Hải, Phó tổng biên tập Báo Cà Mau; Ðặng Anh Rô, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu; Phan Trung Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; Ðỗ Mỹ Phượng, Vụ trưởng Tạp chí Cộng sản; Lê Hiền, Phó tổng biên tập Báo Cà Mau...

Có lẽ phải dùng chữ đặc biệt, cái lò Báo Minh Hải còn đào luyện ra 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đó là: Trịnh Bích Ngân, Phan Trung Nghĩa và Võ Ðắc Danh. Tôi không dám nhận xét về mình, chỉ có thể nói rằng Võ Ðắc Danh và Trịnh Bích Ngân là những tài danh văn chương của đất Nam Bộ.

Rồi nhiều nhà báo có tiếng tăm ở làng báo chí Sài Gòn.

Như vậy, đội quân thế hệ thứ nhất ra lò từ Báo Minh Hải có đến 80-90% đã thành danh, thành tài, nhiều người giữ chức vụ quan trọng ở các cơ quan báo chí và văn học - nghệ thuật. Chúng ta không tự lên dây lên cót cho mình, nhưng hãy nhìn đi, trừ TP Hồ Chí Minh, thì ở đồng bằng Nam Bộ có chiếc nôi nào được như thế? Có lạ lùng không, có đáng tự hào không? Tôi nghĩ cần xem đây là một hiện tượng của báo chí. Trong lúc chúng ta đang tiến hành viết Lịch sử báo chí Bạc Liêu, trong lúc đất nước ta, ngành báo chí ta đang huy động văn hoá làm nền tảng để phát triển bền vững, thì chiếc nôi Báo Minh Hải là một hiện tượng đã kết tinh thành văn hoá, cần phải được mổ xẻ, nhìn nhận thấu đáo, như cách huy động văn hoá làm nền tảng cho các thế hệ báo chí tiếp sau, đặc biệt là ở Bạc Liêu, Cà Mau.

Còn tôi, là người trong cuộc, nhiều tình cảm với mái nhà của mình nên nghĩ cũng phải làm việc gì đi chứ?

Hồi tôi về Báo Minh Hải là đã thấy có mặt những người được trang bị kiến thức đầy đủ cơ bản, là: chị Phan Thanh Lệ Hằng, chị Ðỗ Tuyết Mai, 2 chị này tốt nghiệp tú tài và dạy cấp 2, mà thời trước gọi là giáo sư. Còn anh Chí Thành cũng dạy học, sau nữa là anh Dương Thanh Long, học hành bài bản từ thời chế độ cũ. Thế nhưng, lạ là ngoài anh Chí Thành ra thì 3 vị kia thành công không nhiều, mà thành công chủ yếu lại là lớp người từ trong kháng chiến, từ ruộng đồng đi ra.

“Thế hệ vàng” của Báo Minh Hải chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp nhân buổi họp mặt các cơ quan báo Ðảng đồng bằng sông Cửu Long tại Cà Mau vào năm 2021. Ảnh: MINH TẤN

Tôi về báo lúc 20 tuổi, bước chân chạm đời từ cái làng nghèo rớt mồng tơi vì chiến tranh, đến tả tơi manh áo. Giải phóng miền Nam là năm tôi học lớp 4 trường làng, rồi đi học Trường Công Nông huyện Vĩnh Lợi, mỗi năm học 3 lớp, cho đến lớp 9 thì tôi đi làm báo. Hành trang, vốn liếng để tôi chuyển từ giai cấp nông dân sang tầng lớp trí thức chỉ vẹn như thế.

Quanh đi quẩn lại, tôi nhìn thấy những người thành công sau này hoàn cảnh cũng giống như thế. Anh Nguyễn Bé thì cha hy sinh khi còn nhỏ xíu, mẹ lại bận công tác thành nên từ nhỏ anh đã ở với các cô, các chú trong các cơ quan kháng chiến; Ðỗ Kiến Quốc thì cha mất sớm, ở với bà mẹ nghèo trong một làng quê xa xôi của huyện Trần Văn Thời; Nguyễn Duy Hoàng, Phạm Phi Thường, Trịnh Bích Ngân... cha đi kháng chiến, ở nhà với mẹ. Từ nhỏ đã tự kiếm miếng ăn bằng cách đi giăng câu, thả lưới... rồi theo mẹ bồng chống gia đình từ nơi này đến nơi khác để trốn bom đạn, chẳng được học hành bao nhiêu; Võ Ðắc Danh thì cha và 2 anh ruột hy sinh, sống trong một làng quê bom đạn đầy trời với mẹ; còn Hàn Ái Tiến cũng theo gia đình chạy giặc về Bạc Liêu mà sống... Tóm lại, đó là lớp người bị chiến tranh máu lệ đoạ đày, không được học hành bao nhiêu. Họ từ trong tăm tối, lạc hậu, đói nghèo mà đi ra cuộc đời, rồi đến với nghề báo, một nghề của những người trí thức, hành nghề bằng trí tuệ. Một nghề không phải của tầng lớp họ, thế thì làm sao họ bắt nhịp kịp với đời sống báo chí?

Luận giải cho rõ nguồn cơn không phải là điều dễ dàng. Tôi là người trực tiếp sống cùng, có thể nói được những điều đã từng xảy ra nhưng rất dễ chủ quan. Có một câu hỏi rằng, năng lượng từ đâu và các nhà báo của lớp người sau chiến tranh đã thu nạp nó như thế nào để vận động, phát triển thành công, thành danh?

Trước tiên tôi nói về nguồn năng lượng tối thượng, đó là nguồn năng lượng của trời đất và cuộc đời. Nghe dường như không dính tới báo chí phải không? Không, nó là nền tảng của mọi nghề nghiệp, mà người ta hay gọi là trường đời. Các nhà báo của Báo Minh Hải ngày xưa đã thừa hưởng một di sản, mà không phải thời nào, ở đâu cũng có. Do đặc điểm lịch sử chia tách, sáp nhập của 3 tỉnh vùng bán đảo Cà Mau, có lúc Cà Mau là của Bạc Liêu, có khi Bạc Liêu là của Sóc Trăng. Và ngay thời điểm các nhà báo sau chiến tranh học việc là tỉnh Minh Hải rộng lớn của 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay, địa bàn rất rộng, không gian rất xa xôi. Ðó chính là lúc “cuộc đời báo chí” thực hiện quá trình trao đổi chất, kinh nghiệm trao truyền để nó kết tinh thành văn hoá báo chí, trong cuộc đời song hành với văn hoá chung cho mảnh đất này một tầng sâu văn hoá, mà không phải ở đâu cũng có.

Hồi đó chúng tôi đọc tác phẩm báo chí của Nhà văn Nguyễn Mai, người Cà Mau (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân) một cách ngấu nghiến. Truyện ngắn “Mối tình năm cũ” của ông trong chúng tôi ai cũng thuộc, bởi tính đằm thắm, thuỷ chung của trai gái thời loạn. Chúng tôi đọc tác phẩm “Người tị nạn” của Nhà văn Lê Vĩnh Hoà, một con người mà sau này được nhận định là cây đa cây đề của văn chương miền Nam, thấy được không khí hừng hực của chiến tranh. Chúng tôi đọc tác phẩm báo chí của thầy giáo Phan Ngọc Hiển (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân), một người vừa dạy học vừa viết văn, viết báo, người lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940.

Không chỉ có thế, đất Bạc Liêu còn có Nhà báo Cao Triều Phát. Ông qua Pháp, viết báo cũng thời với Bác Hồ. Khi chưa có Ðảng, năm 1922 -1924, ông đã thành lập 2 tờ báo để phản kháng thực dân, bênh vực thợ thuyền. Nếu tôi không lầm, Cao Triều Phát là nhà báo đầu tiên của Bạc Liêu. Bạc Liêu còn có Nhà báo Phi Vân, đầu thế kỷ 20 đã có những bài ký về đồng quê, làm nhiều người ray rứt. Bạc Liêu còn có Nhà báo Lê Trung Nghĩa, với tấm lòng chân chính, ông đã đi đến tận cùng vụ án Ðồng Nọc Nạng. Vừa viết mấy chục bài báo đăng ở các báo lớn ở miền Nam Kỳ thời đó, vừa vận động luật sư cãi không lấy tiền cho gia đình Mười Chức. Ðể rồi hôm nay chúng ta đều biết đến một sự kiện lịch sử, một sự kiện thể hiện sự phản kháng dữ dội của nông dân Nam Bộ trước cường quyền.

Tất cả những vấn đề trên cho ta thấy, Minh Hải xưa có truyền thống báo chí nằm trong truyền thống văn hoá của vùng đất giàu văn hoá. Là địa linh của báo chí văn chương với rất nhiều nhân kiệt của báo chí, của văn chương và chúng tôi, những người học việc báo chí, đã sống, thừa hưởng, lớn lên từ vùng đất này

Nói như thế nghe có vẻ chưa đủ? Trường đời thì mở rộng cánh cửa cho mọi người, ai cũng muốn vào học thì cứ học, song lĩnh hội được bao nhiêu để biến thành nguồn năng lượng cá nhân thì ngôi trường ấy cũng đặt ra những điều kiện.

Thế hệ được Ðảng giao phó nhiệm vụ trực tiếp rèn luyện nghề báo cho chúng tôi là lớp người từ trong cuộc chiến tranh đánh Mỹ đi ra, hôm nay ngồi đây với những hoài nhớ rưng rức từng khuôn mặt thân quen 40 năm trước. Họ là cán bộ cách mạng nhưng khi họ dạy dỗ mình thì như anh, như chú, bởi văn hoá Việt Nam của chúng ta là như thế. Ðảng huy động văn hoá thành nguồn lực, rồi dạy dỗ các anh, các chú và các anh, các chú “truyền thụ võ công” cho thế hệ chúng tôi.

Ðoạn này xin được dài dòng một tí, bây giờ có vài nhà báo, nhà văn thành danh rồi thì rất vắng vẻ, lạnh giá cái thời gian, cái tình đời để suy nghĩ về nguồn cội nghề nghiệp của mình. Rất vắng vẻ những bài viết, những áng văn chứa cái tình nguồn cội. Họ cứ nghĩ tài năng của họ là trời sinh, về điều này thì tôi đồng tình mức độ, bởi khả năng thiên phú là có thật nhưng phải nghĩ thêm cho có ngọn có ngành.

Sau ngày thống nhất đất nước, tôi từ trong một làng quê tăm tối, máu lệ, ra đời, ngơ ngơ ngác ngác vì hành trang của người viết báo không có. Hồi đó đời sống các nhà báo chúng tôi rất khó khăn, ăn bữa cơm chỉ có vài con cá phi kho nho nhỏ; đất nước mình thời đó đang quằn quại vật vã với di chứng của mấy chục năm chiến tranh đầy máu và nước mắt. Chúng ta còn phải đối diện với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Nhân dân chúng ta thì ăn cơm độn khoai độn bột mì. Trong lòng tôi bao giờ cũng có sự ray rứt triền miên rằng, thời đó các nhà báo chúng tôi được nuôi nấng bởi một bà mẹ nghèo, bầu sữa cạn kiệt nhưng không thiếu lòng nhân hậu. Vậy có ân nghĩa không?

Khi ấy, các anh, các chú không có xe ô tô như các giáo sư bây giờ, họ cùng hẩm hiu sống, cùng hẩm hiu ăn... để dạy dỗ chúng tôi. Như thế có nghĩa ân không?

Các nhà văn, nhà báo có tài, khả năng thiên phú là cao. Trời cho anh ta một tâm hồn, một khả năng tư duy nhạy cảm... nhưng nếu không có ai nuôi dạy, chắp cánh cho những khả năng thiên phú thì anh ta cũng chỉ là đứa trẻ khóc oa oa lúc chào đời, như mọi đứa trẻ khác trên trái đất này. Cuộc đời hôm nay của chúng ta là sản phẩm của nhiều bàn tay nhân hậu chăm chút. Ðó là cơ quan, tổ chức, là cha mẹ, ông bà, là quê hương đất nước... Tổng lại đó là cuộc đời. Ân nghĩa này cao dày như núi. Sống, hành nghề không bằng tấm lòng hàm ơn cuộc đời thì sẽ trở thành những kẻ phản trắc. Ðã có lòng hàm ơn rồi thì nó là một ưu thế tuyệt đối của nhà báo, nhà văn, là nội lực của họ.

Xin trở lại những ông thầy trực tiếp dạy dỗ lớp nhà báo sau chiến tranh ở Báo Minh Hải. Tôi đã nhắc tên họ rồi nên xin không nhắc nữa. Trong mắt của tôi, trong lòng của tôi, đây là những người ưu tú của đất nước, của dân tộc mình. Họ đã gạt bỏ tình nhà, đi đền nợ nước. Nói thế là nói theo ngôn ngữ cổ, nó nhàm, thiếu xúc cảm của một vấn đề đầy xúc động. Họ vốn là những người trẻ tuổi, cũng có cha mẹ, vợ con, là nông dân hiền lành, chung thuỷ và nhân từ, sống trong những làng quê tuy nghèo nhưng thơ mộng và êm đềm. Thế rồi, kẻ cướp nước đến, chiến tranh đến với lửa cháy rần rật, bom cày đạn xới và máu loang mặt đất. Xóm làng của các anh, các chú tan tác, người thân của các anh, các chú đã ngã xuống giữa ruộng cày, trong hầm bí mật. Cha anh Nguyễn Bé hy sinh khi còn trẻ, cha Ðỗ Kiến Quốc chết vì đạn bom... Khi Ðảng kêu gọi đánh ngoại xâm, giành độc lập dân tộc để tái thiết, xây dựng quê hương, làng xóm, lập tức chủ trương này đã khơi dậy đúng khát vọng lớn của thế hệ các anh, các chú. Ðây không phải là phong trào như nghĩa vụ quân sự bây giờ, mà người ta tham gia kháng chiến hoàn toàn tự giác. Ði vì khát vọng, vì hoài bão của cá nhân. Thế nên họ chấp nhận hy sinh. Phải nói tường tận rằng, thế hệ này có sự hy sinh, mất mát rất to lớn. Họ băng mình vào lửa đạn, nằm hầm, ngủ bụi, ăn uống gian khổ, bỏ lại nơi quê nhà cha mẹ già chống chọi với nghèo đói, bỏ lại vợ trẻ, con thơ cù bơ cù bất.

Tóm lại, những người trực tiếp dạy dỗ chúng tôi làm báo là những người có ý chí, tinh thần, hoài bão trong ý chí, tinh thần, hoài bão lớn của Ðảng, của dân tộc. Hơn thế nữa, nó được trui rèn trong nguy hiểm, gian khổ, nên những thứ ấy nó cứng như sắt và bền vững như đá. Những người như thế, trong tâm hồn họ có kháng sinh tự nhiên, ít virus có hại nào xâm nhập được. Những người như họ có đủ điều kiện để thu nạp các nguồn năng lượng đặc biệt, là nguồn năng lượng văn hoá. Thế nên, chúng ta không lấy làm lạ rằng, đa số các anh, các chú thời đó chỉ học lớp 3-4, cao nhất là lớp 6-7, thế mà họ viết báo, lãnh đạo báo chí từ thời chiến tranh ra hoà bình một cách đầy bản lĩnh.

Ðó là sức mạnh năng lượng văn hoá trong họ.

Tôi nhớ như in, năm 1980 tôi vào làm phóng viên, suốt 2 năm đầu tôi chẳng viết được một cái tin cho ra hồn. Nguyên nhân là tôi không có kiến thức nền và kinh nghiệm viết báo. Năm 1983, chú Bảy Khanh, Phó ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ về làm Tổng Biên tập. Ông đề nghị Ban Biên tập chuyển tôi xuống làm công nhân xí nghiệp bột giấy, vì tôi không có khả năng viết cũng như kiến thức. Hơn thế nữa, tôi còn mắc cái tật nói lắp (cà lăm), rất hạn chế trong giao tiếp, mà nghề phóng viên cần có. Chú Bảy Khanh nói có sai đâu, tôi cũng chưa bao giờ trách chú. Hồi đó tôi chỉ tự buồn tủi, khóc ngày khóc đêm vì phải xa nghề báo mà tôi yêu quý. Thế rồi anh Bảy Minh đã đề xuất với Ban Biên tập xin tôi lại 1 năm và anh xung phong kèm cặp tôi.

Một bữa anh kêu tôi vào phòng, rồi cười rất tươi mào đầu: “Giờ vậy nghe". Anh bảo, trước tiên là đọc, đọc thật nhiều vô. Ðọc để nắm tình hình trong tỉnh, trong nước, đọc để nâng cao kiến thức nền. Ðọc để xem vấn đề như vậy người ta viết nó, miêu tả nó ra sao mà hay. Bắt đầu là đọc báo Minh Hải trước, để mà học tập các anh, các chú. Sau nữa thì đọc các nhà văn, nhà báo nổi tiếng của vùng đất này như: Nguyễn Mai, Lê Vĩnh Hoà, Trần Ngọc Hy... Sau nữa thì đọc các tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới để nâng tầm kiến thức và mài giũa, đánh thức tâm hồn, tư duy cho nó nhạy cảm. Cái này thì hồi đó anh Bảy nói tôi nghe như vịt nghe sấm, chẳng biết tròn, méo thế nào. Chỉ có điều là tôi làm theo, các phóng viên khác cũng làm theo. Có bao nhiêu tiền dư là bọn tôi mua sách đọc hết, chúng tôi đọc nhiều quyển sách nổi tiếng là vào thời gian này.

Hai là, viết nhiều vào, ngoài các tin, bài phân công thì phải xem mình có bổn phận rèn giũa kỹ năng viết lách cho mình. Không phải gặp gì viết nấy, hãy viết những thứ mình yêu quý, sâu nặng, có sức huy động tất cả sự rung cảm của mình. Và phải viết vào một không gian, thời gian thích hợp, cần sự tĩnh lặng tối đa, khi đó ta mới huy động được tâm hồn và trí tuệ.

Bữa đó anh Bảy dặn dò: "Trước khi giao nộp bài, tin cho toà soạn theo kế hoạch, em mang đến để anh sửa nhé".

Tôi làm đúng như những lời anh Bảy dạy, tôi bất ngờ khi học được những ý tứ, câu cú trong bài viết của mình qua bàn tay của anh Bảy. Trong năm đó tin, bài của tôi đăng trên báo Minh Hải nhích dần lên. Báo Xuân năm 1983 tôi được đăng một bài rất hoành tráng, có tựa đề là “Anh Tư Sành với đất Bào Năng”, anh em Báo Minh Hải thời đó rất bất ngờ, rồi hết lời khen ngợi. Anh em hè nhau đặt tên tôi trùng tên bài viết, mỗi lần tôi, thay cho tên Nghĩa thì họ gọi "anh Tư Sành với đất Bào Năng". Sau này, anh Bảy Minh hay nói với anh em cơ quan rằng, nguyên nhân anh giữ tôi lại Báo Minh Hải là “thấy nó yêu nghề nên tội nghiệp”.

Tôi không tin điều đó, tôi tin vào chuyện anh phát hiện ra tôi bởi con “mắt phụng”, có được từ nội lực văn hoá trong con người anh. Bởi, thế hệ dạy dỗ lớp nhà báo sau chiến tranh chúng tôi là lớp người có nhiều nội lực văn hoá. Chính vì thế họ mới dạy dỗ được lớp người nghèo đói, dốt nát đến trưởng thành như bọn tôi.

Cuối cùng, tôi muốn nói đến điều kiện thứ ba để Báo Minh Hải trở thành chiếc nôi rèn luyện ra lớp người thành công, nổi tiếng. Ðó là điều kiện của người học việc.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một sòng nhậu, có đờn ca tài tử. Một sòng nhậu sẽ thật vui, dài đến nửa khuya và để lại nhiều dấu ấn là một sòng nhậu không chỉ có nhạc sĩ đánh đàn hay, ca sĩ ca mùi, mà nó cần thái độ và trình độ thưởng thức văn nghệ. Như thế, văn nghệ mới đủ sức đẩy cuộc vui lên đỉnh. Nếu người đờn cứ đờn, người ca cứ ca, còn bàn nhậu ai cũng vô hồn nói chuyện riêng tư, lời ca tiếng đàn không làm thổn thức họ thì là một sòng nhậu đàn ca hỏng, nhạt lắm. Người đời hay bảo “đồng thanh tương ứng..." thì nó mới ra câu chuyện. Tương tự như thế, cái lò Báo Minh Hải chỉ có lớp người đi dạy hay, mà lớp học không có học trò “đồng thanh tương ứng”, thì sẽ không có kết quả như hôm nay.

“Ðồng thanh tương ứng” mới chỉ là thái độ hiếu học, ở đâu cũng có, làm ra cái đặc biệt, cái khác thường phải là những điều kiện đặc biệt, khác thường.

Người nghe đờn ca tài tử, mê nghe chưa chắc đã đạt mà phải có trình độ đủ để cảm thụ thì cuộc vui mới hồn nhiên, hết mình, người ca mới thăng hoa vì gặp khán giả hiểu văn nghệ.

Tương tự như thế, lớp học việc làm báo sau chiến tranh chúng tôi gặp các ông thầy từ trong rừng đi ra thì xảy ra một hiện tượng là, chẳng những “đồng thanh tương ứng” mà nó còn có một sợi dây vô hình, huyền diệu liên kết chúng tôi. Ở các ông thầy này thì không có lý luận chuyên ngành gì đâu, chủ yếu chúng tôi lĩnh hội thực tiễn, lĩnh hội cái tinh thần, ý chí, hoài bão của các ông.

Nếu các anh, các chú trải nhiều bom đạn, hy sinh mất mát thì bọn tôi cũng là lứa tuổi trải hết tuổi thơ trong bom đạn, nhiều đau thương, mất mát. Cha anh Nguyễn Bé hy sinh khi còn rất trẻ, cha Ðỗ Kiến Quốc cũng chết vì đạn bom, Ðặng Huỳnh Lộc cũng có cha hy sinh, Huỳnh Hảo cũng thế. Còn tôi, chị Hai tôi lãnh nguyên một trái pháo của con đầm già, chị chết mà đầu tóc cháy xém, tay chân gãy hết khi mới 17 tuổi. Anh Ba tôi hy sinh khi mới 22 tuổi. Nước mắt má tôi chảy suốt trong những năm chiến tranh cho tới khi hoà bình vẫn không dứt.

Thế nên chúng tôi sợ chiến tranh, mơ một ngày tự do độc lập để được sống yên bình trong đất nước phồn vinh. Khát vọng của chúng tôi kiếm lại nó cũng chính là mục tiêu của chế độ, là hoài bão của mấy ông thầy. Sự trùng khớp ngẫu nhiên mà trên cả tuyệt vời. Thế nên, thực hiện nhiệm vụ nhà báo, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cơ quan giao cho, nó giống như thực hiện ý nguyện của mình, thế là hăng say, hết mình, máu lửa. Học trò mà tâm thế như vậy thì mấy ông thầy dạy nhanh lắm và cũng hăng say, hết mình.

Mới đây, vào đầu tháng  6/2024, tôi và anh Hai Bé có chuyến đi Hà Nội chung. Anh đi chấm giải Báo chí Quốc gia, còn tôi đi theo lời mời của mấy ông bạn. Ðã rất lâu, dễ chừng cũng mấy chục năm, tôi với anh mới có dịp ngủ chung phòng. Trí nhớ anh tuyệt vời lắm, tôi thì hay quên, anh rủ rỉ rù rì những kỷ niệm của chúng tôi thời làm báo sau hoà bình. Lập tức trí nhớ của tôi được khơi dòng, thấy không khí làm báo xưa nó hừng hực như lửa. Anh bảo: "Mày nhớ mỗi lần thông qua báo xuân không?". Tôi nhớ chớ, tác giả bài báo ngồi đọc bài của mình trước hội đồng, gồm Ban Biên tập, các trưởng, phó phòng. Mặt ông nào ông nấy bặm trợn như  “thằng cha Tư Hậu”. Bài báo được thông qua “ngọt”, được khen ngợi thì vui đến nức trời. Còn bài bị chê, bị loại thì anh phóng viên ấy tan tác cuộc đời đến suốt năm, mặt mày ủ ê suốt năm. Những phóng viên không được dự thì ở ngoài nghe ngóng, cũng buồn lây. Những anh may mắn được chọn thì đi trên mây trên gió, anh em bạn bè nói đến suốt năm. Hồi đó chúng tôi hay được gọi cái tên thứ hai như: Phan Trung Nghĩa thì gọi là “Anh Tư Sành với đất Bào Năng”, hay “Vĩnh Lộc bây giờ với điệu múa Lâm Thôn”; anh Hà Phương Dũng thì gọi “Từ ngôi nhà ấy em bay lên”; anh Phạm Phi Thường thì gọi là “Làng rừng”, anh Nguyễn Bé thì được gọi à “Cánh đồng tăng vụ”...

Thời ấy, sáng sớm chúng tôi túm tụm ra Cửa hàng số 12 uống cà phê, câu chuyện rôm rả nhất là bàn về những bài báo của nhau. Hồi đó ăn đói ăn khát lắm nhưng những câu chuyện về cơm áo gạo tiền ít ai nhắc đến. Làm báo thời ấy rất khác với bây giờ, hồi đó nóng và chân phương, chân thành, bây giờ lạnh và xen vào nhiều câu chuyện quá.

Một vấn đề làm nên cái đặc biệt của chiếc nôi báo chí Minh Hải là, thế hệ sau chiến tranh là những người viết báo có lòng và giàu ký ức, là những người nhạy cảm. Bọn tôi từ trong tăm tối lạc hậu, từ cuộc chiến tàn khốc đi ra, mang trong lòng nhiều niềm đau rỏ máu, nên đôi lúc bưng chén cơm lên ăn, ray rứt nhớ đời mẹ cha, nghèo như thân cò lặn lội đồng sâu. Trong cái vị hạt cơm không chỉ là phảng phất mùi phù sa của đất đai xứ sở mà còn có cả mùi máu của cha, anh, mùi nước mắt của mẹ. Thế là “đất bỗng hoá tâm hồn” như một nhà thơ nổi tiếng đã viết. Ðất khi nó ở trạng thái tâm hồn của ta thì ta máu thịt và ta yêu đương, ta tình tự, ta đi viết báo về đất, về đời, bằng một tình yêu đằm thắm, chan chứa. Ta nâng niu, chăm chút tất cả, ta không dám xúc phạm đến một bụi cây, ngọn cỏ của làng nước quê mình.

Kính thưa bạn đọc, đối với nghề viết văn, làm báo, khi đã hội đủ 2 điều kiện: có hoài bão, có tình yêu quê hương làng nước cháy bỏng, thì sẽ đạt được một cảnh giới thượng thừa. Phim kiếm hiệp Hồng Kông mà chúng ta thường bắt gặp, một người luyện võ đến một trình độ nào đó, vào một đêm đầy linh khí, anh ta ra đứng giữa trời, chỉ cần vận nội công để thu nạp linh khí trời đất là võ công anh ta trở nên thượng thừa. Theo cách tôi hiểu, đây là một cách thu nạp nguồn lực văn hoá. Ðã có hoài bão đẹp đẽ, lòng yêu quê hương chân thành là lúc ta đủ điều kiện và ta hãy ra đứng giữa trời, giữa đời mà học, mà vận nội công, lập tức các nguồn năng lượng văn hoá sẽ được quy tụ trong ta.

Phàm sống trên đời, con người ta hơn nhau chưa chắc trong túi nhiều tiền hay ít. Tiền nhiều có khi bại hoại gia phong, hạnh phúc đổ nát vì ăn chơi sa đoạ. Còn hàm lượng văn hoá nhiều thì được người đời kính trọng, bởi cách ta sống, việc ta làm đều thông tuệ, lễ nghĩa. Con mắt người nhiều văn hoá nhìn xuyên đất đai, xuyên thấu cuộc đời. Anh ta viết báo, viết văn sẽ thâm sâu trí tuệ hơn người khác, bởi anh ta biết đời sống cần gì để mà viết, để mà thực hiện sứ mệnh nhà báo, nhà văn trong con người mình.

Ngược lại, một người thiếu văn hoá sẽ chạy theo thị hiếu bạn đọc, lao vào những vấn đề nhạy cảm “thằng cha này lấy con mẹ kia” thì mới sống được. Anh ta ở trạng thái như thế là vì anh ta bí đề tài, con mắt anh ta không thể thấy được những điều cao quý, vẻ đẹp lung linh của đất đai, con người, đang nằm trong lòng đất, lòng đời.

Hơn thế nữa, một nhà báo thiếu hàm lượng văn hoá, thiếu tình cảm chân thành với cuộc đời, bài viết anh ta rất thô, rất khô. Anh ta ném cho bạn đọc một sự kiện rất thô, rất khô, thiếu xúc cảm vì vô hồn. Ngược lại, khi nắm được sự kiện rồi thì nhà báo có văn hoá sẽ ngồi bóc chữ, bỏ vào bài viết mình bằng một tình yêu chan chứa, nên chữ nghĩa anh ta đầy hồn phách, đầy xúc cảm. Như thế thì trách nhiệm nhà báo mới chu toàn.

Ðây là một hồi ức quá dài, mong bạn đọc lượng thứ vì người viết nó ra là một nhà báo già có nhiều tâm tư. Bài báo này được in, nếu có ai bảo tôi tô son vẽ phấn cho tờ báo khai sinh ra tôi thì cũng có lý, bởi ai chẳng có tình với nơi nuôi dạy mình lớn lên. Thế nhưng, trong bài báo này, mục đích của tôi là muốn nói lại đôi điều chưa cạn tỏ về Báo Minh Hải - Chiếc nôi báo chí vùng bán đảo Cà Mau. Và thật ra, tôi mượn Lịch sử Báo Minh Hải để nói về nhiều thứ của hôm nay. Luật đời cả đó mà!

 

Hồi ký của Nhà báo - Nhà văn Phan Trung Nghĩa

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.