Các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tiếp tục lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” như một “vũ khí” để vu khống, xuyên tạc, tạo lý do can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của đất nước ta. Vì vậy việc nhận diện từ xa và đề ra giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời là góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.
Chúng thực hiện âm mưu chống phá song song trên hai mặt trận trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, chúng xây dựng lực lượng chống đối, thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở ngoài nước, chúng sử dụng các phần tử lưu vong, cơ hội chính trị, những phần tử xấu để chống phá Ðảng, chế độ; lợi dụng các diễn đàn quốc tế để rêu rao, vu khống Việt Nam không dân chủ, vi phạm quyền con người, quyền tự do tôn giáo... Ngoài ra, chúng còn chống phá Ðảng, Nhà nước ta trên không gian mạng.
Ðồng chí Ðỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tặng quà, chúc Tết Chôl Chnăm Thmây 2023 tại Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau. (Ảnh chụp tháng 4/2023). Ảnh: MỘNG THƯỜNG
Âm mưu của thế lực thù địch
Theo đó, các chiêu bài chúng thường sử dụng là, kết hợp giữa vấn đề “tôn giáo” với vấn đề “dân tộc” để kích động tâm lý mặc cảm, sự xa rời giữa đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo; giữa đồng bào có đạo với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chúng tuyên truyền xuyên tạc, vu khống Ðảng, Nhà nước ta vi phạm quyền tự do tôn giáo. Ðặc biệt, chúng đơn phương đưa ra một số “báo cáo”, “phúc trình”, “đệ trình” thường niên về tình hình tôn giáo của Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung sai sự thật, bịa đặt, vu cáo tại một số diễn đàn quốc tế để gây áp lực, đòi Ðảng và Nhà nước ta thay đổi chính sách, pháp luật về tôn giáo.
Chúng ra sức hỗ trợ về nguồn lực kinh tế, lôi kéo các phần tử bất mãn, cực đoan, cơ hội, quá khích để chống đối Ðảng, Nhà nước. Ðặc biệt, lợi dụng các vấn đề tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, quy chụp mọi hạn chế đều do khả năng lãnh đạo yếu kém của Ðảng, sự quản lý lỏng lẻo của Nhà nước để thực hiện mưu đồ đen tối.
Chúng tiến hành các hoạt động “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền kích động mâu thuẫn, xung đột về hệ tư tưởng “hữu thần” và “vô thần”; chúng vu cáo Ðảng và Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, làm cho một bộ phận người dân thiếu hiểu biết ngộ nhận tin theo, để người dân “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và trở thành “con rối”, mặc sức bọn phản động lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”.
Một số tổ chức người Việt lưu vong lợi dụng hoạt động tài trợ, từ thiện để “tuồn” tài liệu tôn giáo có nội dung phản động; bôi nhọ lãnh tụ, vu khống Ðảng, chế độ và lãnh đạo cấp cao của ta; tài liệu phân tích, đánh giá sai bản chất một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm... vào trong nước, hòng hạ thấp uy tín của Ðảng, gây mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng.
Các thế lực thù địch sử dụng nhiều hình thức, biện pháp, kể cả công nghệ cao, phương tiện truyền thông, mạng xã hội... để đánh cắp thông tin, tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và dân tộc. Ðồng thời, chúng thành lập một số tổ chức và đưa người vào Việt Nam tìm hiểu, theo dõi, thu thập thông tin về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo... để truyền bá tư tưởng sai trái, xuyên tạc tình hình thực tế của Việt Nam.
Kiên định, kiên trì mục tiêu của Ðảng
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và chủ trương nhất quán của Ðảng ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình mới, chúng ta kiên định, kiên trì thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Ðảng; sự quản lý, điều hành hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát và tham gia của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong hoạt động tôn giáo. Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo. Ðồng thời, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá Ðảng, Nhà nước để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo nâng cao cảnh giác. Ðổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền với phương pháp, nội dung, đối tượng, thời điểm phù hợp và phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đi vào đời sống của Nhân dân. Duy trì công tác đối thoại giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp với các tôn giáo.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện về hệ thống tư tưởng, quan điểm, cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo. Ðặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tôn giáo hài hoà, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, bỏ sót, mâu thuẫn... với các lĩnh vực khác.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tôn giáo của Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở vừa có tâm, vừa có tầm để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Theo đó, chọn cử, phân công cán bộ gương mẫu, trách nhiệm, uy tín, am hiểu tôn giáo để tham mưu và thực hiện công tác vận động quần chúng. Hệ thống chính trị các cấp cần xây dựng mối quan hệ cởi mở, gần gũi với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu các tôn giáo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cùng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa bàn dân cư.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động tôn giáo. Theo đó, kiểm tra, giám sát công tác tôn giáo của Ðảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội để kịp thời phát huy thành tích, khắc phục hạn chế, khó khăn. Ðồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tôn giáo theo đúng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016. Ðặc biệt, kiểm tra, thanh tra, giám sát các vụ việc tranh chấp liên quan đến tôn giáo và xử lý dứt điểm để tránh tạo thành điểm nóng.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng mô hình hay, điển hình tốt phong trào “Dân vận khéo” trong đồng bào tôn giáo nói riêng và các tầng lớp Nhân dân nói chung. Phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, thu hút, tập hợp đông đảo người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; nhất là phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, đạo lý “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Nhường cơm sẻ áo”, “Thương người như thể thương thân”... góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Thứ sáu, quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Ðầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ giữa các vùng, miền, rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Thứ bảy, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo. Ðây là nhiệm vụ hệ trọng không chỉ của lực lượng quốc phòng - an ninh, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động các ngành, các cấp, các lực lượng cùng tham gia.
Thứ tám, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để chống phá Ðảng và Nhà nước ta. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, gắn với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðào tạo đội ngũ cán bộ làm chủ khoa học công nghệ song song với đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại để chống tội phạm công nghệ cao. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Thứ chín, phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo, làm phong phú, đa dạng thêm những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Ðồng thời, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Ðặc biệt, kết hợp, lồng ghép những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc với phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để vừa phát triển kinh tế, vừa quảng bá ra thế giới về một Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, thân thiện, phát triển./.
Trúc Hương