(CMO) “Những ngày qua, do ảnh hưởng bởi rãnh thấp xích đạo có trục ở phía Nam mũi Cà Mau kết hợp với nhiễu động khí quyển trên các tầng cao, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa trái mùa trên diện rộng, một số nơi có mưa vừa, mưa to”, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thông tin.
Cụ thể, lượng mưa đã ghi nhận tại trạm thuỷ văn TP Cà Mau là 73.5 mm; trạm khí tượng Cà Mau là 56.7 mm; trạm Rạch Chèo (huyện Phú Tân) là 49.6 mm; trạm UBND xã Phú Tân (huyện Phú Tân) là 64.2 mm; trạm UBND thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) là 67 mm,...
Ông Nguyễn Long Hoai nhận định, việc xảy ra mưa trái mùa trên diện rộng có khả năng gây ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, diêm nghiệp của người dân. Không những vậy, theo thông tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn Cà Mau, từ ngày 28/3 đến những ngày đầu tháng 4/2022, do ảnh hưởng bởi rãnh thấp xích đạo nâng trục nhẹ lên phía Bắc và hoạt động mạnh dần lên nên có khả năng xuất hiện thêm một đợt mưa trái mùa; riêng ngày 31/3-1/4 có nơi có mưa vừa, mưa to kèm theo dông, lốc xoáy và gió giật mạnh.
Người dân, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất diêm nghiệp, theo dõi sát dự báo tình hình thời tiết để chủ động phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ sản xuất. |
Ông Nguyễn Long Hoai cho biết, trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương theo dõi sát tình hình mưa trái mùa, dông, lốc xoáy và gió giật mạnh, thông tin kịp thời cho người dân, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thuỷ sản, các hộ sản xuất diêm nghiệp biết để chủ động phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ sản xuất.
Đối với Sở NN&PTNT, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở khẩn trương hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, đặc biệt lưu ý các biện pháp bảo vệ sản xuất diêm nghiệp, sốc nhiệt đối với thuỷ sản nuôi.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan thông tin, hướng dẫn người dân, nhất là các chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình ven biển, trên đảo (lưu ý các công trình điện năng lượng tái tạo, các công trình khẩn cấp ven biển) chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dông, lốc xoáy và gió giật mạnh, tránh để xảy ra thiệt hại; chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê biển, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra./.
Hồng Nhung