(CMO) Năm nay đã bước sang tuổi 69, nhưng thoạt nhìn lão nông Huỳnh Văn Ngoan (ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) còn khá rắn rỏi. Sự rắn rỏi được tạo nên ở một người đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời và của những năm tháng dãi dầu mưu sinh nơi sông nước. Ông đã sống với nhiều nghề, trong đó nghề bắt cua biển bằng lờ là lâu nhất, 20 năm tròn.
Lão nông Huỳnh Văn Ngoan cần mẫn đan từng cái lờ cua để mưu sinh. |
Người thật tình học hỏi, kẻ quý sự cần cù của người bạn mới quen nơi đất lạ, vậy rồi, lão nông Huỳnh Văn Ngoan được những người làm nghề bắt cua bằng lờ ở xứ Tiền Giang truyền lại nhiều năm trước.
Vẫn là những thanh tre xanh nơi làng quê, kết hợp trí sáng tạo, đôi bàn tay cần mẫn của nông dân, những chiếc lờ cua xinh xắn được ông Ngoan kết thành. Ông bảo: “Tự làm thì cực, vì phải đi mua tre, rồi về chẻ, phơi, đan từng cái, nhưng sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Chớ mua một cái trăm ngoài ngàn đồng, đâu ít”. Nông dân là thế, họ không sợ cực ít hay nhiều, miễn làm sao giảm được chi phí, dù có cực hơn chút mà tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Cứ thế, hàng ngày, khi mặt trời vừa lặn, ông Ngoan gom góp mấy chục cái lờ, rồi cùng với chiếc xuồng máy - tài sản lớn nhất của mình, bắt đầu hành trình mưu sinh. Từ những con sông trên địa phận huyện Trần Văn Thời, rồi đến Cái Nước, có khi đến cả Năm Căn, Ngọc Hiển, đều có bóng dáng của ông.
Ông bảo: “Nghề nào cũng có kinh nghiệm riêng. Như tôi trong nghề, nhìn cái là có thể biết được chỗ nào có cua mà đặt. Nghề bắt cua trên sông này, đa phần vào những ngày người ta xổ vuông là đánh bắt được nhiều nhất. Ðặt xong, rồi vài tiếng đồng hồ lại thăm, xong sửa chữa lại, rồi đặt tiếp”.
Một đêm hầu như thức trắng để kiếm từng con cua, để canh giữ từng cái lờ, có khi thành quả là vài con cua ít ỏi, có bữa hên cũng được kha khá. Nhờ cua thường có giá nên người làm nghề như ông Ngoan cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi bữa mưu sinh.
Nghề sống được, hơn nữa, vốn thích tự do tự tại, chẳng lệ thuộc ai, vậy nên, dù nhiều đêm phải cắn răng chịu đựng gió lạnh, nhưng ông vẫn chấp nhận. Thế mới thấy, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, dù con đường để đổi lấy miếng cơm manh áo có nhiều sự lựa chọn, nhưng với không ít nông dân, nghề hạ bạc vẫn là con đường tìm đến. Với họ, không cần suy nghĩ nghề cao hay thấp, miễn là đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, công sức, trong lòng thoải mái, hạnh phúc giản đơn nhiều khi chỉ thế./.
Ngọc Minh