ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-10-24 08:14:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bến tập kết, bến lòng dân - Bài cuối: Tri ân lịch sử, hướng đến tương lai

Báo Cà Mau “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người”, cách nay hơn 2 ngàn năm, Marcus Tullius Cicero, một trong những triết gia trứ danh thời La Mã cổ đại, từng khẳng định.

Ðiểm nhấn con tàu

Xây dựng tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau là mong ước từ nhiều năm qua của nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương và cũng là mong muốn của lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Vào cuối tháng 8/2022, một sự kiện mang tính bước ngoặt là đồng chí Trương Hoà Bình đã đến thăm và làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau, bàn việc hiện thực hoá ước mơ này.

Cụm công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, được khởi công xây dựng vào ngày 2/1/2024, tại cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời), thuộc khu vực bờ Nam.

Cụm công trình có tổng diện tích 10,8 ha, với các hạng mục: tượng đài (hình tượng cách điệu con tàu dài 25 m, cao 10,5 m, rộng 8,5 m, được trang trí bởi nhiều hoạ tiết, các bức phù điêu hai bên thân tàu); khu vực tổ chức sự kiện; cầu cạn; đường đấu nối vào tượng đài; bãi đậu xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật có liên quan. Cụm công trình còn kết hợp với các dự án kè bảo vệ bờ biển, cảng thuỷ nội địa để phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá. Tổng mức đầu tư hơn 176 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và  xã hội hoá.

Tại lễ khởi công công trình, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (nay là Phó bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu), hân hoan bày tỏ, việc đầu tư cụm công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng hào hùng của Nhân dân Nam Bộ nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Công trình sẽ là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho mọi tầng lớp Nhân dân.

Những ngày đầu tháng 8, đến Sông Ðốc thăm lại chốn xưa từng đi tập kết, nhìn con tàu đã nên dạng nên hình, gấp rút hoàn thiện kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 vào cuối tháng 11 này, bà Ðàm Thị Ngọc Thơ, cựu học sinh miền Nam, xúc động: "Những bến tiễn đưa, nơi đón nhận và những con tàu đưa tiễn đã là những điểm nhấn của câu chuyện tập kết một thời đất nước ta chia 2 miền Nam - Bắc, khởi đầu năm 1954. Cửa Sông Ðốc là một trong những bến tiễn  bộ đội, cán bộ, học sinh một số tỉnh Tây Nam Bộ. Nơi đó đã hằn sâu trong ký ức không chỉ của những người ra đi mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Nay Cà Mau xây dựng tượng đài hình tượng con tàu tập kết để lưu dấu là điều vô cùng cần thiết. Nó là biểu tượng tạc vào lịch sử dân tộc, ghi dấu ấn một thời và mãi mãi, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu sâu sắc đối với đất nước mình. Tượng đài đó, mỗi người ra đi ngày ấy đã tạc vào chính lòng mình”.

Tri ân và giáo dục truyền thống

Trong kế hoạch kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954, Cà Mau tổ chức rất nhiều hoạt động, đặc biệt, điểm nhấn là tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) với chủ đề: “Hẹn ngày thống nhất”; được truyền hình trực tiếp tại các điểm cầu: Cà Mau, Thanh Hoá và Hải Phòng vào ngày 23/11/2024. Ðiểm cầu Cà Mau sẽ diễn ra tại Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời.

Hiện nay, mọi công việc đang được thực hiện khẩn trương, hứa hẹn buổi lễ thật trọng đại và đầy ý nghĩa.

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, khi đến thu thập tư liệu cho bài viết tại các gia đình có công giúp đỡ người tập kết trên địa bàn xã Trí Phải, tình cờ tôi gặp bạn Nguyễn Trọng Hiếu, phụ trách công tác phong trào Tỉnh đoàn Cà Mau. Hiếu phấn khởi cho biết, mới tuần trước Tỉnh đoàn đã phối hợp với Xã đoàn Trí Phải tổ chức trồng gần 200 cây vú sữa trên phần đất gia đình má Sảnh. Giờ bạn đi khảo sát thực tế địa bàn phục vụ cho kế hoạch tái hiện sự kiện tập kết, trong đó có việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân.

Khi nghe bạn trình bày dự kiến sắp tới sẽ tổ chức cho các bạn đoàn viên về sinh hoạt cùng gia đình, thì người dân rất vui, đồng tình ủng hộ. Ông Lê Thanh Hùng (cháu má Sảnh) bảo: “Sẵn sàng đón tiếp”. Ông Phan Văn Hoài (Ấp 10, gia đình cho cán bộ, bộ đội ở nhờ nhà trước khi đi tập kết, đã nói ở bài 1) cũng bảo: “Nhà cửa rộng mênh mông, cứ ở thoải mái...”.

Ðược biết, ông Phan Văn Hoài là cháu ruột Liệt sĩ  Phan Văn Phải, hy sinh năm 1946 và tên ông được ghép với tên Liệt sĩ Lê Phước Trí, đặt thành tên xã Trí Phải từ năm 1950 đến nay.

Khi nghe các bạn đoàn viên nêu kế hoạch về tuyến kênh xáng Chắc Băng tổ chức các hoạt động tái hiện sự kiện tập kết, người dân trên địa bàn rất vui và đồng tình ủng hộ. (Trong ảnh: Ông Phan Văn Hoài (giữa) chia sẻ với các bạn trẻ chuyện gia đình ngày trước từng giúp đỡ người tập kết).

Bạn Lê Thuỳ Trang, phụ trách công tác văn hoá - xã hội xã Trí Phải, tự hào: “Bà con mình vậy đó, luôn sẵn lòng. Từ năm 2006-2010, 4 năm trời xã Trí Phải nhận sinh viên tình nguyện hè của Trường Ðại học Bình Dương về. Mỗi lần 50-70 bạn, ở rải rác trong các hộ dân. Ấp nào cũng có sinh viên ở. Mỗi lần về từ nửa tháng. Lúc ấy Trí Phải kết nghĩa với Bình Dương. Thời điểm đó tỉnh chưa nhận sinh viên tình nguyện hè ngoài tỉnh về, nhưng hoạt động này ở Trí Phải đã sôi nổi. Các bạn sinh viên ở cùng với dân, bà con thương lắm, lấy lưới ra vuông giăng cá cho ăn...”. Bạn Trang khi đó là Bí thư Xã đoàn Trí Phải, sâu sát phong trào nên tường tận việc này.

Chiến tranh đã lùi xa, đất đai đã trở mình, Trí Phải đang trên đường xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (Trí Phải giờ tách thành 2 xã, Trí Phải và Trí Lực). Bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc, bà con nỗ lực xây dựng cuộc sống mới ấm no.

Tuy vậy, vẫn có những hộ vì hoàn cảnh mà đời sống còn nhiều vất vả. Thấu hiểu điều này, trong kế hoạch kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, tỉnh có chỉ đạo: “Thăm, tặng quà nhân chứng lịch sử, đối tượng chính sách, khám chữa bệnh cho Nhân dân; xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; sửa chữa cầu, đường; tôn tạo di tích lịch sử...”.

Bà Nguyễn Thị Mang (Ấp 10, xã Trí Phải), con cụ Nguyễn Văn Mênh (Năm Mênh), người đã mua trâu về làm đãi bộ đội khi đi tập kết (đã nói trong bài 1), thuộc hộ khó khăn. Bà Mênh chia sẻ, sau này gia đình cụ Năm Mênh bị bom bỏ ngay nhà, tài sản không còn gì. Cụ Mênh chỉ có một mình bà là con, khi lập gia đình, bà sinh tới 8 người con nên đánh vật với cuộc sống rất vất vả. Không có đất sản xuất, hiện hằng ngày bà nhận đan giỏ gia công, chồng thì ai mướn gì làm nấy, tập trung lo cho con gái út học hành và em vừa tốt nghiệp THPT. Căn nhà xuống cấp nhưng không đủ khả năng sửa lại.

Trong đợt này, bà được xét hỗ trợ căn nhà (đã tiến hành khảo sát), bà hết sức mừng vui. “Mình cũng nỗ lực làm việc không ngày nào dám nghỉ ngơi, mà cuộc sống vẫn còn khó khăn quá. Nghe nói được hỗ trợ căn nhà tôi mừng lắm, trông đợi từng ngày”, bà Mang bày tỏ.

Hoạt động tri ân gia đình có công liên quan sự kiện tập kết 1954 của tuổi trẻ 2 đơn vị: Sở Y tế, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, dịp 27/7 vừa qua. (Trong ảnh: Các bạn đoàn viên trao quà cho bà Nguyễn Thị Mang, con cụ Nguyễn Văn Mênh, người mua trâu về đãi bộ đội trước khi đi tập kết. Bà Mang được xét hỗ trợ nhà trong đợt này).

Hôm ghé thăm cô Bảy (Ðỗ Thị Cư), người bứng cây vú sữa cho má Sảnh gửi tặng Bác Hồ (đã nói ở bài 2), khi từ giã ra về, mới hay cô đang ở nhờ nhà con gái (sống bên chồng). Cô Bảy nghẹn ngào: “Nhà cô ở Ấp 9, xã Trí Lực. Căn nhà bằng gỗ bạch đàn, cất 21 năm đã hư rồi, dỡ rồi; 5-6 tháng nay ở nhờ nhà con gái. Cô già rồi, đâu có tiền cất nổi nhà”. Vẫn trong nghẹn ngào, xúc động, cô Bảy bày tỏ: “Niềm mong ước cuối đời là có được căn nhà, đặng chết còn có chỗ để quan tài”.

Chị Lê Bé Tư, con gái cô Bảy, trần tình: “Má bị bệnh tim, hổm rày đang chích thuốc, mà cứ đòi kêu xe ôm đưa về nhà hoài. Nhà đâu mà về?! Tôi thuyết phục má ở đây với vợ chồng tôi nhưng má không chịu. Tôi hoàn cảnh khó khăn, làm con không lo được nhà cửa cho mẹ, tôi cũng buồn, xót xa lắm!”.

Khi nghe tôi nói, đợt này tỉnh có chỉ đạo hỗ trợ nhà cho người có công liên quan tới sự kiện tập kết, đang gặp khó khăn về nhà ở, trong đôi mắt còn ngấn lệ của cô Bảy, ánh lên niềm tin và tràn đầy hy vọng.

Trong chiến tranh, người dân không tiếc của cải, kể cả xương máu hy sinh vì cách mạng, đó cũng chính là cội nguồn cho mọi thắng lợi. Và những hoạt động tri ân kịp thời luôn mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, để cùng nhau tiến về phía trước./.

 

Trang Thăm

 

Tự hào “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định số 1962/QÐ-UBND, ngày 8/10/2024, xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”. Di tích toạ lạc tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Tại nơi đây, trong những ngày tập kết năm 1954, đã diễn ra sự kiện lịch sử xúc động, thể hiện tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ.

Khảo sát chuẩn bị chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (13/10), Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng ekip trực tiếp Đài Truyền hình Việt Nam có chuyến khảo sát công tác chuẩn bị chương trình truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Ngày sinh tập thể

Có những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thực ra nó không hề nhỏ chút nào. Nó luôn còn đâu đó trong cuộc đời của rất nhiều người, là một dấu ấn nằm trong một lát cắt lịch sử không những của cá nhân một người mà còn trong lịch sử nước nhà, không thể nào quên.

70 năm sâu nặng nghĩa tình

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hoá với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dự và phát biểu chỉ đạo.

Sâu nặng tấm lòng với Bác Hồ, với miền Bắc

Ở Minh Hải, nay là Cà Mau - Bạc Liêu, ông Nguyễn Hoe, bí danh Bảy Hoe, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Minh Hải, thuộc lớp chứng nhân hiếm hoi còn lại gắn với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của quê hương, Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Tôi được đôi lần nghe ông nói chuyện ở các cuộc họp mặt cán bộ hưu trí, thích thú với những “giai thoại” đầy tính truyền kỳ về ông qua những người thân biết, nhưng rất tiếc là không có duyên may để có một cuộc gặp gỡ riêng tư.

Biểu tượng của tình đoàn kết, thuỷ chung

Ðã 70 năm trôi qua, kể từ ngày chuyến tàu tập kết cuối cùng rời cửa Ông Ðốc. Có thể nói, đây là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ, góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi đây cũng chính là 1 trong 3 điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ.

Ðoàn Phương Ðông - Vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu

Trước tình hình Mỹ - Diệm ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam với nhiều thủ đoạn dã man, tàn bạo, gây bao đau thương tang tóc cho quê nhà, nhiều cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc lòng sôi sục căm thù, quyết tâm tham gia cùng các đoàn trở về quê hương chiến đấu, trong đó có Ðoàn Phương Ðông với quân số lên đến gần 600 người.

Sông Ðốc mong chờ sự kiện trọng đại

Còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra Lễ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là nơi được chọn để tái hiện 200 ngày tập kết. Với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại, hơn ai hết, người dân Sông Ðốc đang háo hức mong chờ sự kiện đặc biệt quan trọng này.

Thêm tư liệu quý về sự kiện tập kết

Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong số cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc, có khá nhiều gia đình cả nhà cùng đi tập kết, trong đó có gia đình ông Lê Khắc Xương, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay gồm Cà Mau, Bạc Liêu), Uỷ viên Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Tập kết Quân dân chính Ðảng tỉnh Bạc Liêu.

Chuẩn bị tái hiện Sự kiện tập kết ra Bắc

"Sông Ðốc là cửa biển lớn nhất và sầm uất nhất tỉnh Cà Mau. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cửa Sông Ðốc được chọn làm bến tập kết để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc. Ðây cũng là 1 trong 3 điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ để các chuyến tàu tập kết chuyên chở hàng trăm ngàn cán bộ, bộ đội, Nhân dân, thiếu nhi của miền Nam ra miền Bắc", Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Phó trưởng ban Chỉ đạo (BCÐ) các hoạt động kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, nhắc nhớ lịch sử.