Sáng 21/2, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đoàn công tác đã đến khảo sát để triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.
Theo đó, đoàn đã đến khảo sát thực tế tại hộ ông Huỳnh Thái Nguyên. Đến thời điểm hiện nay, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên đã thực hiện đến vụ nuôi thứ 5 (bắt đầu thả giống vụ nuôi thứ nhất từ tháng 6/2023 đến nay). Mặc dù dự án chưa kết thúc (theo kế hoạch nghiệm thu vào tháng 4/2024), nhưng đến nay đã có 6 hộ ở xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước), xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) ứng dụng công nghệ này vào nuôi tôm siêu thâm canh.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (thứ 4 từ trái sang) cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 5 từ trái sang) khảo sát thực tế tại hộ ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại tỉnh Cà Mau” được thực hiện từ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, tài trợ của tồ chức Cirad và vốn đối ứng của chủ hộ. Theo đó, có 2 hộ/2 ha tại 2 huyện Cái Nước và Đầm Dơi tham gia dự án. Mô hình được triển khai thực hiện 3 vụ nuôi/hộ nhằm đánh giá tính ổn định của quy trình công nghệ nuôi.
Bí Thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng đại diện các sở, ngành tìm hiểu về chất lượng tôm nuôi từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học.
Dự án đã ứng dụng quy trình công nghệ tuần hoàn dinh dưỡng không xả thải, nuôi tôm 3 giai đoạn (mật độ nuôi giai đoạn 1: 3.000 con/m³, giai đoạn 2: 500 con/m³, giai đoạn 3: 250 con/m³); thời gian nuôi trung bình 90 ngày/vụ, kích cỡ đạt 40-26 con/kg, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha/vụ (diện tích ao nuôi); lợi nhuận trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định (100% hệ thống nuôi không xả thải ra môi trường bên ngoài hệ thống).
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tìm hiểu về quy trình vận hành của hệ thống cống lọc thải.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đánh giá, bước đầu mô hình đạt hiệu quả, thành công về quy trình nuôi, nhưng hạn chế về thiết kế ao nuôi, chi phí đầu tư cống lọc thải cao. Theo kế hoạch, chỉ thực hiện 3 vụ nuôi nhưng đến nay đã vượt thực hiện 5 vụ nuôi. Để sớm kết thúc dự án, có kết quả đánh giá xem xét tính khả thi của dự án để triển khai nhân rộng mô hình. Ông Lê Văn Sử đề nghị, Sở Khoa học và Công nghệ, với vai trò quản lý nhà nước, lấy ý kiến các sở ngành liên quan để xem xét tổng kết mô hình. Ngành nông nghiệp rút kinh nghiệm về xây dựng ao đầm, vấn đề cần lưu ý để phổ biến cho các địa phương và người dân hiểu thêm về quy trình nuôi.
Đến thời điểm hiện nay, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên đã thực hiện đến vụ nuôi thứ 5, vượt hơn 2 vụ nuôi so với kế hoạch dự án.
Qua khảo sát thực tế mô hình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lưu ý, để hướng đến tính hiệu quả, cần nghiêng cứu đầu tư, tính toán, hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng bằng các chính sách hỗ trợ để đạt chất lượng cao, giá thành thấp, hạn chế rủi ro, tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Ngành nông nghiệp, các cơ quan liên quan, địa phương cần tính toán lại, quy hoạch lại vùng nuôi, khu vực nuôi, quan tâm đầu tư điện sản xuất, hệ thống nguồn nước, hạ tầng giao thông thuận lợi để hỗ trợ người dân không nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh nhỏ lẻ. Riêng đối với những hộ đã nuôi tôm, ngành chức năng cần hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật, cách nuôi để đạt hiệu quả cao nhất. Dù nuôi tôm theo mô hình nào cũng phải hướng đến nuôi sạch, không gây ô nhiễm môi trường, không kháng sinh, hạn chế tối đa dịch bệnh”, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lưu ý.
Quỳnh Anh