(CMO) Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là trụ cột kinh tế của Phú Tân. Trong đó, ngành hàng tôm giữ vai trò trụ cột với gần 37.000 ha ở các loại hình nuôi. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng tôm nuôi của địa phương đạt trên 17.500 tấn, cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, điều lo lắng của nông dân hiện tại không phải là sản lượng nuôi, mà chính là giá cả đầu ra cho con tôm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Nhận diện khó khăn
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Tô Hoàng Nhàn cho biết: “2 năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng trong hoàn cảnh này, thế mạnh kinh tế nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là con tôm lại có những đóng góp to lớn, trở thành trụ cột kinh tế của huyện nhà”. Xét trong bối cảnh chung, dù bị ảnh hưởng nhưng nuôi trồng thuỷ sản vẫn tiếp đà tăng trưởng, không bị gián đoạn và ảnh hưởng trực tiếp như các lĩnh vực kinh tế khác.
Cũng theo ông Nhàn, 2 năm dịch bệnh cũng là thời gian diện tích và sản lượng ngành tôm của Phú Tân đều tăng với tốc độ ấn tượng. Mối bận tâm còn lại của ngành tôm chính là sự ổn định và thông thoáng đầu ra của con tôm. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi, thị trường khó khăn, con tôm vì thế cũng lao đao. “Diện tích tăng, sản lượng tăng, chất lượng tôm cũng được cải thiện tích cực, tuy nhiên, biến động từ dịch bệnh khiến giá thu mua thấp, nông dân hết sức lo lắng”, ông Nhàn chia sẻ thêm về tình hình sản xuất năm 2020.
Cũng vì chưa có kinh nghiệm ứng phó, nông dân Phú Tân khi thấy bất lợi về thị trường, giá cả đã ồ ạt thu hoạch, khiến sản lượng tăng đột biến, trong khi đó giá trị thu về không đáng kể. Rất nhanh chóng, khi chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế thông suốt trở lại, nông dân Phú Tân lại không còn tôm để bán. Ông Nhàn phân tích: “Do tâm lý hoang mang, người dân đang thả nuôi hầu như thu hoạch chạy dịch, bất chấp kích cỡ. Thêm vào đó, bà con cắt luôn vụ nuôi kế tiếp, vậy nên khi giá con tôm tăng trở lại, hầu như không còn nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Ai cũng tiếc, nhưng chuyện đã rồi”.
Ở thời điểm hiện tại, giá tôm nguyên liệu đã có dấu hiệu sụt giảm. Theo đánh giá của Phó chủ tịch Hội Thuỷ sản huyện Phú Tân Lê Minh Thường: “Giá tôm giảm do nhiều nguyên nhân, trong số đó là việc vận chuyển mặt hàng tôm hiện đang khó khăn vì một số địa phương thiết lập biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Các thị trường tiêu thụ lớn như TP Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng nặng nề”. Thêm vào đó, giá cả vật tư ngành nuôi tôm đang có chiều hướng tăng, gây thêm gánh nặng đầu tư cho người nuôi.
Ðại dịch Covid-19 đã xuất hiện rộng ở khu vực phía Nam, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản cũng đang trong giai đoạn hết sức khó khăn. Bởi chỉ cần xuất hiện các ca F0, F1 thì nguy cơ đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động hiển hiện trước mắt. Với tâm lý ấy, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn ngành thuỷ sản hết sức thận trọng khi không bung hết sức để thu mua nguyên liệu, cắt giảm quy mô sản xuất để đảm bảo mục tiêu kép.
Bình tĩnh đón thị trường
Là người nuôi tôm siêu thâm canh dạn dày kinh nghiệm, ông Trần Văn Tuấn, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, chia sẻ: “2 năm nay, tôm siêu thâm canh nuôi rất thuận lợi, năng suất tốt. Người nuôi tôm như tôi chỉ mong giá cả đầu ra ổn định là có lợi nhuận”. Năm 2020, khi hầu hết người nuôi tôm thu hoạch rộ bán chạy dịch, ông Tuấn kiên nhẫn chờ đợi thị trường ấm lên và thắng lớn. Chia sẻ về các vụ tôm năm nay, ông Tuấn cho biết: “Tôi nuôi thưa, nhưng không cắt vụ, chủ yếu là để kích size tôm lớn lên và chờ đợi đầu ra khả quan trở lại”.
Mô hình tôm siêu thâm canh của ông Trần Văn Tuấn thắng lợi lớn cả sản lượng, lợi nhuận vì bình tĩnh, chủ động trong sản xuất và chờ đợi cơ hội từ thị trường. |
Kịch bản ngành nông nghiệp huyện Phú Tân xây dựng cho ngành hàng tôm ứng phó với bối cảnh dịch bệnh được ông Nhàn thông tin: “Năm 2021, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, khuyến cáo sâu rộng trong Nhân dân về những thuận lợi, khó khăn, từ đó khuyến nghị các giải pháp để giúp người nuôi tôm bình tĩnh, chủ động trong sản xuất”. Yếu tố mùa vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nuôi tôm tuân thủ. Việc thu hoạch ồ ạt khi có biến động giá cả cũng cần phải chấm dứt. Mật độ nuôi tôm của người dân, đặc biệt là với loại hình công nghiệp, siêu thâm canh cần giãn ra để chủ động trong khâu thu hoạch. Người dân cần liên tục cập nhật thông tin về thị trường, bình tĩnh chờ đợi các điều kiện thuận lợi để đảm bảo đạt năng suất và lợi nhuận.
Với Phú Tân nói riêng và các địa phương khác của tỉnh Cà Mau, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thay đổi thói quen, tư duy sản xuất ở ngành hàng tôm. Có thể thấy, những loại hình nuôi tôm áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đang dần là lựa chọn phù hợp và là xu hướng chung cho nông dân trong bối cảnh mới. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Phú Tân, loại hình nuôi siêu thâm canh 2 năm qua thắng lợi khá trọn vẹn, tỷ lệ lợi nhuận dành cho trên 90% người nuôi là con số quá thuyết phục.
Ông Nhàn cho biết thêm: “Sản lượng tôm nuôi siêu thâm canh của người nuôi tôm Phú Tân đạt mức 20-40 tấn/ha. Vướng mắc lớn nhất ở loại hình này là vốn đầu tư ban đầu cao và tuỳ thuộc vào khả năng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật của nông dân. Quan trọng nhất là sản lượng, lợi nhuận thì loại hình này tỏ ra vô cùng vượt trội”. Cũng theo ông Nhàn, ngành tôm của Phú Tân nói riêng và các địa phương khác nói chung, cần phải lựa chọn đột phá, thay vì cầm cự và thụ động như hiện tại.
Nhìn rộng ra, trong chiến lược phát triển ngành hàng chiến lược - ngành hàng tôm của tỉnh Cà Mau, đại dịch Covid-19 chính là thử thách mà trong “nguy” có “cơ”. Nông dân cần sự đồng hành từ nhiều phía, nhưng cũng cần phải có lựa chọn của chính mình, để không chỉ vượt qua khó khăn nhất thời mà còn phải hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn, vững bền hơn./.
Phạm Quốc Rin