Sáng ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc trực tuyến của Thành viên Chính phủ với UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu của địa phương. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương đã báo cáo kết quả thực hiện trong 9 tháng năm 2023.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử báo cáo kết quả đạt được của Cà Mau, đồng thời nêu khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ cho tỉnh.
Đối với Cà Mau, trong 9 tháng, kinh tế tỉnh tăng trưởng khá, GRDP tăng 7,72%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,52%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,13%.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 900 triệu USD, bằng 69,2% kế hoạch, giảm 14,6% so với cùng kỳ. Đến ngày 20/9, thu ngân sách nhà nước đạt 4.097,4 tỷ đồng, bằng 84,8% dự toán; chi ngân sách địa phương đạt 7.921,1 tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán.
Về thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đến ngày 30/9 đã giải ngân 2.731,9 tỷ đồng, đạt 56,8% so kế hoạch vốn được giao.
Thực hiện ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Thông báo số 3997/TB-BNN-VP ngày 20/6/2023 về xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch Cua Cà Mau, tiến độ tính đến hiện nay, Viettel Post đã ký triển khai kế hoạch kinh doanh, lựa chọn được đối tác đồng hành phát triển bán lẻ và bán buôn cua Cà Mau tại thị trường miền Bắc. Viettel Post cũng đã gặp gỡ, tổ chức cho đối tác tham quan tại vựa để tìm hiểu sản phẩm và lên kế hoạch thương mại; đã ký MOU hợp tác chiến lược với đối tác Trung Quốc, nghiên cứu phương án đưa cua Cà Mau vào chuỗi phân phối của họ.
Hiện nay, sản phẩm truy xuất nguồn gốc của Viettel chưa kết nối vào Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia nên UBND tỉnh và Viettel Cà Mau sẽ rà soát, có công văn đề nghị việc cho phép Viettel kết nối vào Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cũng nêu những khó khăn, vướng mắc của Cà Mau và kiến nghị tháo gỡ.
Theo đó, đối với phát triển kinh tế tập thể, hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có năng lực yếu, hạ tầng còn hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu máy móc thiết bị nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao; chưa kết nối doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân... Do đó, việc hỗ trợ kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX là rất cần thiết.
Vì vậy, Cà Mau kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn một số cơ chế tài chính sử dụng kinh phí của Chương trình hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ (ngoài các nội dung đã quy định tại Thông tư số 124/2021/TT-BTC ngày 30/12/2021); Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thống nhất tiêu chí để đánh giá, phân loại HTX cho phù hợp.
Về tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, có chỉ tiêu 17.1 quy định về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tối thiểu đối với xã NTM là 30%..., UBND tỉnh được quy định cụ thể mô hình cấp nước tập trung phù hợp với thực tế địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nước sạch sau khi xử lý đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, do điều kiện của tỉnh Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư các mô hình cấp nước tập trung còn nhiều hạn chế nên rất khó để đạt được tiêu chí này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, trong thời gian chờ quyết định sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện NTM (cấp độ đạt chuẩn, nâng cao) giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có kiến nghị về Bộ NN&PTNT tại Công văn số 6064/UBND-NNTN ngày 2/8/2023, trong đó đề xuất biện pháp tính tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh, nhưng đến nay tỉnh chưa nhận được ý kiến phản hồi. Kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét sớm có ý kiến phản hồi để địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cà Mau là tỉnh được ưu tiên lớn nhất trong việc phòng, chống sạt lở đê biển Đông và biển Tây. Ảnh: Gia cố để phòng, chống sạt lở tuyến đê biển Tây, đoạn qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Buổi làm việc tập trung bàn giải pháp để giải quyết các khó khăn hiện nay của các địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 500 tỷ đồng và giải ngân trong năm 2024 để tỉnh Cà Mau triển khai các dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, Cà Mau là tỉnh được ưu tiên lớn nhất trong việc phòng, chống sạt lở đê biển Đông và biển Tây; với hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mối quan tâm là về vấn đề khai thác cát và nâng cao giá trị của con cá da trơn (cá tra).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông báo là Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành với Cà Mau trong việc tổ chức Festival Tôm Cà Mau năm 2023.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Lê Minh Hoan đề nghị, sau buổi làm việc này, các địa phương gởi văn bản ý kiến về các vướng mắc, đề xuất tháo gỡ, gửi về Bộ NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Đặng Duẩn