Đại lễ Vu lan, hay Vu lan thắng hội, bắt nguồn từ câu chuyện Bồ tát Mục Kiền Liên, sau khi tu đạt được chính quả đã cứu mẹ mình là bà Thanh Ðề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Ca ngợi sự hiếu hạnh của Bồ tát, dân gian gọi Ðại lễ Vu lan là mùa báo hiếu và không chỉ gói gọn trong sinh hoạt Phật giáo mà còn lan toả trong cộng đồng xã hội. Nhắc nhở mọi người về cội nguồn dân tộc, lòng hiếu kính với đấng sinh thành, tôn kính tổ tiên, truyền thống hiếu đạo và tinh thần đền ơn đáp nghĩa. Càng sâu sắc ý nghĩa hơn khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề xuất thực hiện nghi thức Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu lan, nâng tầm lễ hội Phật giáo thành nét văn hoá truyền thống của dân tộc.
Lễ Vu lan trở thành nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Ảnh: Trầm Nghĩ
Câu chuyện khởi nguồn từ một chuyến công tác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Nhật Bản. Trong một lần Thiền sư đi cùng bạn là người bản địa đến nhà sách ở thủ đô Tokyo thì gặp vài sinh viên người Nhật. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ người trong đoàn điều gì đó, rồi lấy một bông cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của Thiền sư. Tuy ngỡ ngàng nhưng Thiền sư vẫn giữ vẻ tự nhiên vì nghĩ rằng có thể đó là tục lệ đón khách phương xa của dân người địa phương. Song, sau đó người này cho biết hôm nay là Ngày của Mẹ. Theo tục Tây phương, nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, ai mất mẹ được cài trên áo một bông hoa màu trắng.
Cảm hứng từ tập tục hoa cài lên áo của phương Tây trong Ngày của Mẹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết đoản văn “Bông hồng cài áo”. Ðoản văn này được chép tay, lưu truyền nhiều nhất trong số nhiều đoản văn được Thiền sư viết gửi cho đoàn sinh viên trong nước khi Thiền sư đi nghỉ hè cùng với các sinh viên tại Hoa Kỳ vào năm 1962.
Bông hồng cài áo nhanh chóng được lan toả trong cộng đồng xã hội và vượt qua khỏi khuôn khổ văn học khi được phổ thành bài hát bất hủ về tình mẫu tử. 4 năm bị chính quyền chế độ cũ giam cầm (1963-1966), cố Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không ngừng nghĩ về mẹ và vô tình đọc được đoản văn Bông hồng cài áo. Ðồng cảm với ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương, mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu. Và, cảm xúc bơ vơ, lạc lõng với thân phận mồ côi, năm 1967, sau khi được tự do, cố nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc "Bông hồng cài áo" dựa trên các tứ đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ca khúc này được nhiều người yêu thích, nhất là trong mùa Vu lan báo hiếu.
Nghi thức Bông hồng cài áo. Ảnh: Trầm Nghĩ
Sau đó tập tục cài hoa hồng lên áo trong ngày Rằm tháng Bảy được phổ biến, trở thành nét văn hoá đẹp của người Việt, loài hoa biểu hiện cho tình yêu biểu trưng trong ngày Vu lan báo hiếu với sự thiêng liêng, chan hoà cho lòng hiếu thảo, tưởng nhớ đấng sinh thành.
Nếu ai còn đủ song thân sẽ được cài lên ngực áo một đoá hoa hồng đỏ thắm, như lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, phải cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ bản thân thực hành truyền thống hiếu đạo. Ai mất cha còn mẹ và ngược lại thì trên ngực áo được cài bông hồng đỏ nhạt, như muốn nói về sự phai nhạt tình cảm khi đã mất đi một nửa yêu thương. Còn ai cha mẹ đều đã qua đời thì cài lên ngực mình hoa trắng buồn thương, nuối tiếc khi không còn ai để mình trả hiếu, đồng thời nhắc nhở mình phải sống thật tốt, giúp ích cho đời để đáp trả ân tình của song thân.
Nhân mùa Vu lan báo hiếu năm nay (Giáp Thìn - 2024), tận đáy lòng xin chúc phúc cho những ai được trao bông hồng đỏ thắm. Chia sẻ một phần mất mát đối với những người được trao bông hồng đỏ nhạt. Và, cùng chung nỗi niềm tưởng nhớ với những người được trao bông hồng trắng xoá. Tất cả hãy cảm nhận sự thiêng liêng, gần gũi, đón nhận bông hồng và cẩn trọng nâng niu cài lên ngực áo./.
Mỹ Pha