ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:40:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bức xúc dân sinh nhưng phải chờ…

Báo Cà Mau (CMO) Những địa danh như Đồng Sậy, kinh Tám Thước, nỗng Bòng Bong, kinh Nhà Nước… một thời đi vào ký ức của người dân xã Thới Bình với sự hoang hoá, khó khăn. Và hiện nay, khi nhắc đến những cái tên ấy, người ta vẫn cứ lắc đầu mà than rằng: “Mấy chỗ này điện, đường còn thiếu dữ lắm”. Người ta hồ nghi rằng, “mấy ông ở xã chắc hổng giải quyết được gì”, còn “mấy ông trên huyện hứa quá trời quá đất, kêu phải đợi… nông thôn mới thì sẽ được đầu tư”.

Chưa biết thế nào, nhưng những bức xúc của người dân xã Thới Bình cần được xem xét một cách nghiêm túc, thoả đáng. Hạ tầng cơ sở để Nhân dân sinh kế, phát triển không thể kèm theo điều kiện phải có nông thôn mới (NTM).

Người dân phản ánh nhiều bức xúc...

Giữa tháng 12 vừa qua, Tổ HĐND tỉnh về tiếp xúc cử tri tại xã Thới Bình, người ta thấy nổi lên gay gắt vấn đề hạ tầng nông thôn nơi đây.

Chị Lê Thị Trang, nhà ở Ấp 6, cho biết: “Từ kinh Tám Thước về Đồng Sậy hơn 3 cây số, cả 2 bên đều không có lộ, nhiều nhà đang xài điện chia hơi. Chuyện này bà con phản ánh nhiều lần, nhiều chỗ, mà vẫn không thay đổi”. Theo chị Trang, không có lộ bà con làm ăn sản xuất ra sao, phát triển kinh tế thế nào, chưa kể việc học hành của con em. Rồi cứ xài điện chia hơi thiếu an toàn, giá cao ngất, có điện nấu cơm nhưng thường “ăn cơm sống” vì điện yếu.

Đối với hơn 100 hộ dân kinh Nhà Nước, Ấp 3, xã Thới Bình, chiếc xuồng vẫn là phương tiện đi lại chính vì thiếu đường giao thông.

Ý kiến về điện, về đường “rải đều” khắp xã Thới Bình, từ Ấp 3 qua các ấp: 4, 5, 6, 7, 11… khiến người ta giật mình rằng, hạ tầng nông thôn của xã Thới Bình đang thực sự có vấn đề.

Anh Trần Quốc Cường, ở Ấp 6, kể rằng: “Tui thấy mấy ông cán bộ cầm máy đi đo, đi ngắm gì hổng biết, cứ tưởng sẽ có điện, ai dè biết bao nhiêu năm rồi cứ ừ hử cho qua. Cứ đà này, người nông dân làm ăn kiểu gì”. Qua khảo sát thực tế, xã Thới Bình ngoài các trục chính như từ Láng Trâm vào trung tâm xã; lộ kinh Sáu Cang; lộ kinh Cống Xã, hầu như các tuyến, nhánh đều chưa có lộ. Chính ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã, cũng thừa nhận: “2 năm qua gần như không có vốn rót về xây dựng hạ tầng”.

Tình trạng thiếu điện, thiếu đường khiến bà con ở kinh Nhà Nước (Ấp 3) vô cùng bức xúc.

Ông Lê Minh Luân, Trưởng ấp, nói: “Năm 2013, thấy bà con cực khổ quá nên ấp vận động gom vốn đối ứng trong dân được 200 triệu đồng. Tính làm hơn 3 cây số để người dân nhờ, ai dè xã không có vốn đối ứng nên trả lại”.

Chuyện “ngược đời” này khiến nhiều người ngẫm nghĩ, nơi khác thì gom vốn trong dân khó nên chậm trễ trong việc làm lộ, đằng này dân xông xáo quá trời nhưng bị… chê. Hết cách, đầu năm 2017, bà con kinh Nhà Nước quyết tâm tự làm con lộ mấy tấc để đi lại, nhưng con lộ cũng có hơn cây số, trong khi đó tuyến kinh này phải trên 100 hộ sinh sống và dài trên 3 cây số.

Gặp ông Nguyễn Văn Thống, dân cố cựu Ấp 3, ông chép miệng: “Mấy chú thấy trời mưa tụi nhỏ đi học cực khổ lắm. Giờ có khúc lộ này cũng đỡ, nhưng mùa mưa té hoài vì 2 xe đâu qua mặt nhau được. Kiểu này Nhà nước có vận động làm lộ nữa chắc tụi tui không đóng vốn đối ứng đâu”.

Lý lẽ của ông Thống là tiền đã đóng rồi thì trả lại, giờ dân tự làm lộ rồi, mai mốt có làm thì Nhà nước phải lo hết. Cũng thông tin từ Trưởng Ấp 3 Lê Minh Luân, một tuyến hơn cây số từ rạch Ông Đội nối sang kinh Nhà Nước mấy chục năm nay người dân xài điện chia hơi. Theo ông Luân: “Dân ở đó nói chắc suốt đời xài như vậy luôn rồi”.

Địa phương nói... phải chờ

Thông tin từ ông Toàn, Phó chủ tịch UBND xã, cung cấp, xã Thới Bình đã đạt 11/18 tiêu chí NTM. Các số liệu báo cáo đều thể hiện lộ trình xây dựng NTM đúng hướng mà đích đến là năm 2019. Theo ông Toàn thì “khó khăn là khó khăn chung bà con cần chia sẻ, chờ”. Ông Toàn cũng khẳng định, các tuyến lộ chưa có hoặc xài điện chia hơi đều đã có lộ trình ghi vốn, tới giai đoạn thì sẽ xây dựng ngay. Lý giải nguyên nhân về điện, đường còn khó khăn, ông Toàn giải thích rằng, do có nhiều tuyến dân cư thưa thớt, việc huy động vốn đối ứng trong dân gặp khó.

Chính ông Toàn cũng thừa nhận: “Nói năm 2019 vậy thôi chớ khó lắm, giờ vốn cần nhiều mà mấy năm qua đâu có được rót về vì đây là chủ trương chung của huyện”. Khi trao đổi với ông, những đề đạt của bà con nếu bức bách quá thì đâu thể đợi, ông nói rằng: “Nguồn lực địa phương không có, không thể giải quyết cùng lúc được”.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, nhấn mạnh chủ trương của huyện là: “Tập trung nguồn lực để xây dựng các xã có lộ trình về đích NTM, không đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả”. Khi được cử tri xã Thới Bình chất vấn “nhưng nhu cầu bà con bức thiết quá, chẳng lẽ cứ chờ, mà chờ làm sao được?”, ông Dũng vẫn bảo vệ quan điểm của mình.

Theo tính toán mới nhất của xã Thới Bình, muốn về đích NTM, địa phương cần đầu tư tối thiểu khoảng 112 tỷ đồng để xây dựng, nâng chất các tiêu chí. Báo cáo xây dựng NTM của xã ghi vốn rót về năm 2017 là con số 0 tròn trĩnh. Liệu rằng chỉ trong một vài năm, tất cả những hạn chế, yếu kém về hạ tầng cơ sở chỉ cần rót đủ vốn là khắc phục được ngay? Trong khi đó, sinh hoạt và sản xuất của người dân nhiều tuyến ở xã Thới Bình đang hết sức khó khăn, dẫn đến mức thu nhập bình quân hiện tại chỉ 29 triệu đồng/người/năm. Chủ trương của huyện Thới Bình là đúng, tuy nhiên, không thể cứng nhắc và làm ngơ những bức xúc về an sinh của bà con xã Thới Bình. Phải nói cho rõ ràng rằng, trước khi xã Thới Bình được công nhận NTM, người dân ở đây mong muốn có được những điều kiện sống, sản xuất cơ bản như nơi khác. Riêng đòi hỏi chính đáng này, chẳng có lý lẽ gì để huyện phải kèm theo điều kiện là chờ vốn NTM.

NTM, như đã nhiều lần đề cập, là làm cho cuộc sống của người dân tốt lên, hưởng được những điều kiện tối ưu mà chế độ ta xây dựng. Người dân có thể chờ, có thể chung sức, chung lòng với Nhà nước để cùng nhau vượt qua hành trình gian khó và có được danh hiệu NTM. Thế nhưng, đừng để người dân mất niềm tin, bắt họ phải đánh đổi những điều kiện sống cơ bản, tạo ra dư luận không hay. Điều này cần sự hài hoà, sự sâu sát của các cấp chính quyền huyện Thới Bình trong nhìn nhận và xử lý./.

Phạm Quốc Rin

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).