(CMO) Đầm Dơi có diện tích tự nhiên trên 82.000 ha, là huyện trọng điểm của tỉnh Cà Mau về phát triển kinh tế năng lượng điện gió, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển sản phẩm OCOP.
Một góc xứ Đầm Dơi. |
Toàn huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản hơn 65.000 ha, trong đó nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh hơn 2.200 ha, với trên 3.200 hộ, đạt năng suất cao trên 30 tấn/ha/vụ. Không những thế, Đầm Dơi còn có gần 40 km bờ biển nằm trên địa bàn 3 xã: Tân Thuận, Tân Tiến và Nguyễn Huân. Đây là những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển và nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là phát triển năng lượng điện gió cả trong bờ và ngoài khơi.
Huyện Đầm Dơi có hơn 65.000 ha nuôi thuỷ sản, trong đó tôm thâm canh và siêu thâm canh hơn 2.200 ha, năng suất trên 30 tấn/ha/vụ. |
Mô hình nuôi sò huyết ở Đầm Dơi mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thu hoạch sò huyết tại hộ ông Nguyễn Văn Hiếu, ấp Phú Hiệp, xã Thanh Tùng). |
Những năm qua, nhiều dự án điện gió đã và đang được đầu tư vào khu vực ven biển Đầm Dơi như: Khu điện gió Tân Thuận, công suất 75MW do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) làm chủ đầu tư, đến nay công trình lắp đặt thành công 18 trụ turbine điện gió theo tiêu chuẩn châu Âu, đã hoà mạng lưới điện quốc gia; Khu điện gió Nguyễn Huân đang thi công giai đoạn 1.
Khu điện gió Tân Thuận đã hoàn thành và đưa dòng điện hoà mạng vào hệ thống điện lưới quốc gia, làm bừng sáng bức tranh kinh tế xứ Đầm. |
Cùng với điện gió và nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, Đầm Dơi còn phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác xã và kinh tế nông hộ, với nhiều mô hình tổ hợp tác, hộ cá thể nuôi sò huyết, cua, cá kèo… mang lại hiệu quả. Địa phương này cũng có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận như: mắm cá mồng gà Nguyễn Huân; ba khía nuối, tôm khô, tôm rang, tôm chà bông Ngọc Giàu, Sông Đầm, Minh Đức…, là những điểm nhấn làm bừng sáng bức tranh kinh tế Đầm Dơi./.
Huỳnh Lâm thực hiện