(CMO) Cá bống tượng được xem là 1 trong 2 loại “vua cá nước ngọt” ở Cà Mau, vì giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Ðây vốn là mặt hàng chủ yếu được xuất bán sang thị trường nước ngoài: Trung Quốc, Ðài Loan và được cung ứng cho các điểm chợ đầu mối, quán ăn, nhà hàng, chế biến thành những món ăn cao cấp.
Tuy nhiên, gần đây sức tiêu thụ cá bống tượng giảm mạnh, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, thương lái hạn chế thu mua vì khó xuất; chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhưng sức tiêu thụ thấp, khiến giá cá giảm mạnh.
Cùng thời điểm này năm 2019, giá cá bống tượng loại 1 được thương lái thu mua ở mức khoảng 450.000-500.000 đồng/kg; đến năm 2020, giá cá giảm một nửa, chỉ còn khoảng 250.000 đồng/kg; đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 200.000 đồng, nhưng cũng rất khó bán vì thương lái ít thu mua.
Giá cá bống tượng loại 1 được thương lái thu mua chỉ còn 200.000 đồng/kg. |
Gia đình ông Trịnh Văn Hùng (ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) có 2 ao nuôi cá bống tượng đã quá lứa thu hoạch gần 5 tháng nay. Với số lượng 200 con/ao, cá có trọng lượng hơn 1 kg đã chiếm khoảng 50%. Do từ khi dịch bệnh bùng phát, giá cá bống tượng liên tục giảm, gia đình chỉ có thể cho ăn cầm chừng, 4 ngày mới cho ăn 1 lần để chờ giá cá lên.
Ông Hùng cho biết: “Giá cá phi mồi 12.000 đồng/kg, mỗi lần cho ăn từ 3-4 kg cá mồi. Hiện thương lái mua cá loại 1 kg trở lên chỉ còn 160.000 đồng/kg, cá từ 0,5-1 kg thì có giá 200.000 đồng/kg. Thu hoạch gần 160 kg cá mà bán được có 27 triệu đồng. Trong khi, nếu giá cá như thời điểm này năm trước thì sẽ được hơn 50 triệu đồng. Giá cá giảm nhưng tìm được thương lái thu mua cũng rất khó. Còn lại 1 hầm cá cũng đến lứa thu hoạch nhưng vẫn nằm chờ trong ao, do thương lái không chịu mua nhiều, vì khó tiêu thụ”.
Còn tại xã Tân Thành (TP Cà Mau), hiện có hơn 500 hộ nuôi cá chình, cá bống tượng với diện tích hơn 240 ha, cũng đang đứng ngồi không yên vì giá cả tuột dốc trong thời gian dài và vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Ðể có 1 kg cá thương phẩm, người nuôi bỏ ra công sức, thời gian từ 8 tháng đến hơn 1 năm. Cái khó ở đây là đầu ra, nông dân chỉ có thể bán cho thương lái nhỏ lẻ, không tập trung.
Gia đình ông Tăng Hồng Quân (Ấp 6, xã Tân Thành) có 10 ao nuôi cá bống tượng và cá chình với diện tích gần 1 ha. Trừ đi số cá giống mới thả cách đây vài tháng khoảng 400 con, số còn lại khoảng 100 con đang trong giai đoạn xuất bán nhưng vẫn còn nằm chờ giá trong ao, chưa tiêu thụ được.
Ông Quân lo lắng: “Nếu tiếp tục trữ lại nuôi kéo dài từ nay đến Tết mà giá không tăng lên được ít nhất 300.000 đồng thì sẽ lỗ. Vì chi phí mua cá mồi, thuốc men lên giá. Còn thương lái phải đợi thị trường, có đầu ra mới mua cá của mình giá cao, mà cá lớn quá kích cỡ thì ép giá. Trước khi kết thúc mùa mưa, tôi phải tát ao bán để trả tiền cá mồi, cá giống, thuốc men và cải tạo hầm để lấy nước cho vụ nuôi khi mùa hạn tới”.
Giá cá bống tượng xuống thấp, ảnh hưởng đến việc duy trì diện tích nuôi của người dân trong thời gian tới. Hiện tại, người dân muốn bán cũng không có lãi, còn trữ lại nuôi tiếp thì cũng chưa biết được giá cá có lên hay không và phải đối mặt với thua lỗ.
Giá cá bống tượng giảm mạnh như hiện nay là thời điểm để người dân có thể mua loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng này về thưởng thức, góp phần tạo thị trường tiêu thụ, đầu ra cho loài thuỷ sản này./.
Thảo Mơ