ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 21-1-25 08:39:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau hướng đến nền kinh tế xanh - Bài cuối: Cơ hội mới cho vùng đất cực Nam

Báo Cà Mau (CMO) Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là ăn các món ăn đồng quê, càng đậm chất đồng ruộng, sinh thái thì càng tốt; đi du lịch họ cần không gian lý tưởng để xả stress, sự tôn trọng, đối đãi chân thành, với mức chi phí chấp nhận tại các khu du lịch… Những điều xem có vẻ đơn giản nhưng chứa cả nguyện vọng lớn lao của cộng đồng.

Bởi vấn đề sản xuất ra nguồn lương thực, thực phẩm xanh, sạch, truy xuất được nguồn gốc; địa chỉ du lịch xanh, thân thiện đã trở thành nhu cầu thực thụ trong thời điểm hiện nay, bởi nó không chỉ mang lại giá trị về sức khoẻ, tinh thần, mà còn liên quan đến lợi ích kinh tế, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, hướng phát triền bền vững, là điều mà ngành nông nghiệp cả nước cũng như tỉnh Cà Mau đang hướng đến.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có những cuộc trao đổi với một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh, chuyên gia kinh tế, đại diện tập thể, cá nhân hộ trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hộ làm du lịch xanh để nhận định về tiềm năng vùng đất Cà Mau. 

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau: “Cà Mau có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ" 

Phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ là phương thức canh tác mới mang lại giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và khắc phục được những hạn chế từ phương thức canh tác thâm canh. Sau chuyến thăm, làm việc và thực hiện khảo sát các vùng sản xuất hữu cơ của tỉnh tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã khẳng định: Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và dư địa khá lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, là vùng đất có nhiều đặc sản, trong đó lúa thơm, tôm sạch là thương hiệu nổi tiếng. Cà Mau cần tận dụng điều kiện, lợi thế mà nhiều nơi khác không có được, nhất là việc không phải mất các bước chuyển đổi đất nhiều năm từ sử dụng hóa học sang hữu cơ để tuyên truyền hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ và có cơ chế khuyến khích phát triển phương thức canh tác trên.

 Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội nghị công bố sản phẩm OCOP năm 2022.

Thời gian qua, nông nghiệp hữu cơ Cà Mau vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ đang dần được cụ thể hóa. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 -1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ... Nhằm triển khai hiệu quả Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 02/3/2020 về Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản theo tiêu chuẩn hữu cơ được hình thành từ khá sớm (bắt đầu từ những năm 2002 và phát triển đến thời điểm hiện nay) ở khu vực nuôi tôm – rừng trên địa bàn các Ban Quan quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, Kiến Vàng, Đất Mũi, Biển Tây và Công ty TNHH MTV LN Ngọc Hiển với tổng diện tích hơn 19.025 ha, chủ yếu là các chứng nhận hữu cơ quốc tế (Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…) do các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hỗ trợ chứng nhận cho người dân.

Đối với vùng sản xuất tôm – lúa, những năm gần đây, Công ty Minh Phú đã, đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (ASC, hữu cơ quốc tế …) trên địa bàn xã Trí Lực, huyện Thới Bình với diện tích trên 700 ha. Ngân sách tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng phát triển các vùng nuôi tôm lúa hữu cơ tại một số xã có tiềm năng của huyện Thới Bình gồm xây dựng 2 mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam với quy mô 105 ha, năng suất tôm nuôi đạt trung bình 250 kg/ha. 

Với những nhận định về xu hướng phát triển nông nghiệp của thế giới, nông nghiệp tỉnh xác định mục tiêu kế hoạch trong thời gian tới: Tiếp tục phát triển diện tích nông nghiệp xanh, sạch, áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, đặc biệt phát triển diện tích sản xuất hữu cơ. Theo Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 02/3/2020 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến năm 2025 đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng 2.000 ha lúa hữu cơ, 200 ha rau màu hữu cơ; 500 ha chuối Xiêm hữu cơ; 4.000 ha tôm sú hữu cơ; 700 ha cua hữu cơ; 2.000 ha sò huyết hữu cơ; 300 con heo thịt và 30.000 con gà nuôi theo hình thức hữu cơ.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cà Mau: "Tận dung lợi thế "Rừng vàng, biển bạc" phát triển du lịch"

Nói về lợi thế du lịch xanh, du lịch cộng đồng ở Cà Mau, chúng ta rất đổi tự hào khi hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế: Vị trí địa lý độc đáo, vùng cực Nam Tổ quốc; rừng vàng – biển bạc; thế mạnh kinh tế ngư nghiệp - nông nghiệp, với nhiều đặc sản ngon, phong phú chủng loại; cùng với đặc trưng văn hoá vùng sông nước tạo môi trường, không gian lý tưởng để du khách trải nghiệm, như: Bơi xuồng giăng lưới, đặt lú bắt tôm, cua, cá, soi ba khía...; xổ vuông ở vùng ngập mặn; đặt lợp bắt cá, hái rau rừng, ăn ong ở vùng ngọt rừng tràm U Minh Hạ...Cùng với đó, thời gian gần đây, từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh đã đầu tư xây dựng, kết nối các tuyến đường giao thông huyết mạch, kết cấu hạ tầng kinh tế vùng nông thôn kết nối, phát triển tour du lịch, đặc biệt là trải nghiệm du lịch xanh; các dịch vụ thương mại; sản phẩm đặc trưng OCOP làm quà tặng; phát huy giá trị các làng nghề truyền thống...vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu từ dịch vụ du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội tỉnh.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn Hoá Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, ngành du lịch đang đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch. Công tác quy hoạch, đề án thu hút đầu tư phát triển du lịch được quan tâm triển khai thực hiện, việc xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án, hình thành và phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh, xác định loại hình du lịch mũi nhọn phù hợp với tiềm năng để tập trung phát triển. Công tác xúc tiến quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch được tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực, các thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài nước. Qua đó, tạo điều kiện kết nối các tuyến du lịch, mở rộng thị trường thu hút khách du lịch. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước tạo được sự cạnh tranh với các tỉnh, thành trong khu vực. Hướng đến phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Du khách trải nghiệm giăng lưới bắt cá, vọp dưới tán rừng đước Mũi Cà Mau.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại và tiếp tục khắc phục trong thời gian tới: Sản phẩm du lịch có phát triển nhưng còn đơn điệu, chưa tạo nên chuỗi sản phẩm đặc trưng, sự kết hợp chưa đồng bộ giữa sản phẩm tham quan, sản phẩm ẩm thực và sản phẩm lưu niệm để tạo nên những chuổi giá trị hấp dẫn du khách. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch Cà Mau còn thấp, còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, thể hiện qua trình độ và cấp đào tạo (khoảng 30% – 40%), chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Một số địa phương còn thiếu chủ động trong việc xác định tiềm năng để xây dựng sản phẩm, phát triển du lịch. Công tác phối hợp chưa chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cũng như chưa có kế hoạch cụ thể để quản lý và phát huy lợi thế tiềm năng du lịch của từng địa phương trong tỉnh.

Ông Olivier Bernard R. LANGLET, Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retall tại Việt Nam: "Điều kiện thiên nhiên Cà Mau rất tuyệt vời"

Trong chuyến khảo sát thực tế một số địa điểm để đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm tại Tp.Cà Mau, huyện Năm Căn; đặc biệt là trải nghiệm thực tế vùng nuôi tôm sinh thái tại xã Tam Giang, huyện Năm Căn, chúng tôi thật sự rất bất ngờ, cho rằng Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi, ban cho tiềm năng, lợi thế tuyệt vời để phát triển du lịch; gắn với xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc sắc của tỉnh, theo hướng sinh thái, sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, Ogranic…Trên cơ sở đó, có điều kiện góp mặt trong các siêu thị lớn; vươn ra xa hơn thị trường trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (bìa trái) cùng ông Olivier Bernard R. LANGLET (thứ 2, từ phải sang), Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retall tại Việt Nam (Big C) có chuyến khảo sát thực tế vùng nuôi tôm sinh thái tại xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển.

Chúng tôi thật sự rất phấn khởi trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tạo điều kiện để Tập đoàn khảo sát, tiếp cận thực tế, đơn vị sẽ xem xét chọn vị trí phù hợp để thực hiện các dự án Go, Mini Go đồng song hành và có thể nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới. Đặc biệt, thông qua chuyến khảo sát quy trình sản xuất tôm, cua sinh thái tự nhiên (hữu cơ) và được thưởng thức tại chỗ cho thấy về chất lượng rất tuyệt vời, hy vọng trong tương lai gần đơn vị sẽ có cơ hội hợp tác, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sắp tới, đơn vị sẽ sẵn lòng hỗ trợ hết mình cho hoạt động Lễ hội cua Năm Căn; cũng như việc kết nối sản phẩm đặc trưng Cà Mau đến với thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, đơn vị cần tỉnh hỗ trợ đơn vị kết nối, nhập sản phẩm trực tiếp, không qua trung gian để giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho cả người nông dân và doanh nghiệp, việc này dự kiến đơn vị triển khai trong tháng 11 tới đây./.

Loan Phương

 

 


 

Liên kết hữu ích

Bánh phồng tôm Năm Căn vào mùa Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề. Những ngày qua, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của vùng ngập mặn Năm Căn tăng năng suất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác phục vụ thị trường Tết, trong đó có sản phẩm bánh phồng tôm.

Hợp tác xã nỗ lực ứng dụng công nghệ

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 299 hợp tác xã (HTX), trong đó có 179 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đều đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, canh tác cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Gắn mã QR cho dưa hấu Lý Văn Lâm

Dưa hấu Lý Văn Lâm từ lâu đã khẳng định được thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm, cũng chính vì vậy mà một số người kinh doanh đã lợi dụng điều này để quảng bá giả mạo dưa hấu Lý Văn Lâm, ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu dưa hấu của địa phương. Ðể bảo vệ thương hiệu, năm nay, Ðảng uỷ, UBND xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Viettel Cà Mau thí điểm vận động người dân đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR.

Chăm chút vụ màu xuống ruộng

Khi những cánh đồng lúa chín vàng rực tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời được thu hoạch xong cũng là lúc nông dân đưa màu xuống ruộng, những dây bí, bầu xanh mướt. Thời tiết cuối năm khá thuận lợi nên nhiều nông dân tranh thủ xuống giống sớm, hạn chế tình trạng thiếu nước tưới.

Ðiển hình nông dân làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, thời gian qua, một trong những cách làm thiết thực của nông dân trong huyện là lấy việc nâng cao hiệu quả sản xuất để làm mô hình cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cách làm này góp phần khích lệ nông dân khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, đổi mới tư duy, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nông dân Ðinh Văn Khởi, 48 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, là một điển hình.

Dưỡng cua bán Tết

Thời gian này, thương lái ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời đang tất bật thu mua cua, cải tạo vuông hay hầm tôm bỏ trống để về thả nuôi lại, chuẩn bị bán vào dịp Tết. Vì khi đó nhu cầu tiêu thụ tăng cao hơn ngày thường nên bán sẽ có giá hơn, mang về lợi nhuận cao.

Quyết tâm làm giàu trên đất rừng

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện U Minh được đẩy mạnh. Qua đó, tác động tích cực đến ý thức của hội viên, nông dân, hăng hái lao động, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu. Cũng từ phong trào này xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Nguyễn Văn Bí, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, là một điển hình.

Các hợp tác xã tăng tốc sản xuất

Nắm bắt nhu cầu thị trường tăng cao dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cùng với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX) đang tăng cường sản xuất hàng phục vụ người tiêu dùng.

Doanh số cho vay vốn chính sách năm 2024 hơn 1.000 tỷ đồng

Chiều 14/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, chủ trì cuộc họp Ban Đại diện để đánh giá, tổng kết tình hình hoạt động năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Hứa hẹn bội thu vụ màu Tết

Thời gian qua, nông dân huyện U Minh tích cực cải tạo đất, xuống giống vụ hoa màu phục vụ thị trường Tết. Ðến nay, các diện tích hoa màu phát triển tốt, hứa hẹn bội thu.