(CMO) Giã từ Cố đô Huế trầm mặc, cổ kính, tôi xuôi Nam ròng rã đúng bốn mươi năm chẵn. Chân ướt, chân ráo đến Minh Hải với một tờ quyết định điều động của tổ chức chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên, tôi, một giáo viên miền núi A Lưới, tỉnh Bình Trị Thiên về nhận nhiệm sở tại Sở Giáo dục Minh Hải…
MH: Minh Tấn
Giờ đây, khi mái tóc đã bạc phơ theo màu thời gian trong những ngày hồi cố hương sống với tuổi hưu trí… đêm đêm ký ức về miền Tây sông nước lại hiện về trong tôi mồn một. Nơi mà gót chân của tôi đã đi khắp hang cùng ngõ cụt để chắt chiu con chữ, gạn lọc sự kiện cho nghiệp “trường văn trận bút” của một anh nhà báo miệt rừng ngập mặn Cà Mau.
Cũng nên nhắc lại đôi điều, khi vào Minh Hải tôi được phân công dạy học tại một trường vùng ngoại ô, nhưng rồi hình như nghiệp giáo không tương thích với tạng người thích xê dịch như tôi. Nếu nói về nơi ươm mầm cho những con chữ đầu tiên của tôi trên báo thì phải nói đến báo Minh Hải (tiền thân của báo Cà Mau hôm nay). Ngày đó, sau những tiết dạy thì tôi thường thử sức mình bằng những truyện ngắn viết cho thiếu nhi gửi cộng tác cho báo Minh Hải, và ơn trời, những truyện ngắn của tôi được chọn đăng. Như một cơ duyên! Một hôm, nghe người bạn làm ở báo Minh Hải rủ rê chuyển qua làm báo vì có tờ báo lúc này đang cần phóng viên. Tôi nghiễm nhiên trở thành anh phóng viên của tờ Báo ảnh Ðất Mũi, tờ báo ảnh duy nhất của cấp địa phương sau tờ Báo ảnh Việt Nam của cấp Trung ương.
Và rồi những chuyến xê dịch với nghề đã cho tôi cảm nhận đậm nét hơn về quê hương sông rạch miền đất cuối trời Tổ quốc.
Thương lắm những cánh rừng đước bạt ngàn, thẳm sâu, với cơ man là nguồn lợi thuỷ sản dưới tán rừng. Nhớ lắm những đêm hội ba khía cùng ngư dân miệt biển muối ba khía làm mắm cho mùa giáp hạt còn có cái ăn, cái bán cho cuộc sống hàng ngày. Mũi Cà Mau ơi! Rạch Gốc ơi! Những cánh rừng đước nguyên sinh ơi! Nơi tôi sống thật nhất, phóng khoáng nhất giữa tiếng vang của nhịp song lang trong một buổi đờn ca tài tử. Tình yêu của những bà má Cà Mau không bao giờ phai nhạt trong tim.
Thương lắm những cánh rừng ngào ngạt hương thơm của miệt rừng U Minh Hạ. Bạt ngàn bông tràm lung linh trong nắng như điểm duyên hơn cho những cô thôn nữ dưới tán rừng với áo bà ba thân thuộc cùng chiếc khăn rằn duyên dáng đó thôi! Nhớ lắm những lần theo một nhóm thợ rừng để ăn ong, thu về từng dòng mật ong sóng sánh thơm mùi bông tràm U Minh (theo đánh giá của các nhà khoa học thì mật rừng U Minh Hạ là loại tốt nhất trong những loại mật ong được khai thác). Cũng cần nói thêm, tại rừng U Minh Hạ đã tồn tại lâu đời những tập đoàn phong ngạn của nghề gác kèo ong. Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong được gọi là đoàn. Các đoàn này tập họp nhau lại thành tập đoàn phong ngạn. Những người trong tập đoàn sống rất đoàn kết. Mỗi phong ngạn chia nhau một khu vực rừng; trong khu vực này, anh ta có được trọn quyền gác kèo và cũng chịu luôn trách nhiệm bảo vệ rừng. Rừng luôn được bảo vệ và những người ăn ong rất đoàn kết với nhau, tạo nên nghề ăn ong đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được.
Cà Mau ơi! Nghề báo ơi! Những con đường, những kênh rạch, những cánh rừng, những cửa biển mà nghề báo đã tạo điều kiện cho dấu chân tôi ghé lại sống hết lòng với đất phù sa, sống trong veo với tình người Cà Mau, Bạc Liêu phóng khoáng, đôn hậu, chân chất. Những mùa giáp hạt cùng người dân chụp đìa bắt cá để rồi ngồi bên bìa rừng nướng trui con cá lóc đồng, uống một ngụm rượu đế trong veo như mắt mèo của xứ Tân Lộc. Nhớ lắm những đêm trăng mùa gió chướng xuôi thuyền trên dòng sông Chắc Băng của Thới Bình thôn cùng cô thôn nữ mà sưu tầm những tư liệu về thời chúa Nguyễn Ánh lưu lạc vào xứ Thới Bình này, trong hành trình mở cõi để mưu cầu cuộc thống nhất giang san.
Nhớ lắm những xóm nghèo lao động trong TP Cà Mau, với những ngày thâm nhập vào dân để tìm cho ra những chân lý, những sự thật mà nghề báo phải làm. Ðể rồi những phóng sự, ký sự kịp thời được phản ánh chân thật nhất có thể. Nhớ lắm những thôn xóm ngày một đổi mới theo hướng tích cực, đã làm cho bộ mặt vùng cực Nam Tổ quốc ngày một sáng lên, ngày một văn minh, hiện đại. Vùng đất lành cho những nhà đầu tư khắp nơi, từ trong và ngoài nước, về cùng chung tay với người dân Cà Mau làm giàu ngay trên chính mảnh đất mà ngày xưa cha ông đã tiên phong mở cõi.
Cà Mau ơi! Trong một lần về thăm lại nơi mà mình đã từng sống, từng ăn hạt cơm đồng nội, con cá kênh rạch và nơi mình đã có những mối tình tuyệt vời. Ðược nghe câu vọng cổ:
" Hòòòòo... ooơơơi!
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu,
tìm cô không gặp, hòòòòo... ooơơơi, tôi gối đầu mỗi đêm.
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy.
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào".
Câu ca như lát dao cứa vào con tim. Mà cũng đúng thôi, tròn vành bốn mươi năm sống tại mảnh đất yêu thương này làm sao không được yêu, làm sao không được thương và chắc hẳn một điều là mình đã quá yêu, quá thương, quá nhớ ơn con người và mảnh đất đã dung dưỡng mình, mảnh đất đã cho mình những cánh đồng để con chữ được gieo lên.
Vậy đó, những kỷ niệm đã qua thường làm cho con người ta nhớ một cách da diết, quay quắt... Càng đi xa càng muốn quay về.
Trong vòng tay của đồng nghiệp, trong tình thương của những bà má Cà Mau tôi đã sống, đã đi, đã hành động và rồi tôi cũng phải rời xa khi tuổi đã xế chiều. Vòng đời cứ quay, cứ tiếc nuối, cứ nhớ nhung. Ai không nhớ về quê hương cho dù đó là quê hương thứ hai. Nay tôi đã về Huế, nơi tôi sinh ra để sống những tháng ngày hưu trí, tôi lại nhớ về Cà Mau và gọi vang lên: Cà Mau ơi!
Hình như Cà Mau không xa ngái, Cà Mau vẫn trong tôi hàng ngày đó thôi. Cà Mau vẫn hiển hiện trong những con chữ của mình đó thôi!
“... Cà Mau miền đất nhung nhớ
Mở lòng dâng trọn yêu thương..."./.
(Huế, những ngày tháng 6/2023)
Ðào Minh Tuấn