ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 12-7-25 04:52:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Báo Cà Mau “Dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu và nếu không có sự đột phá thì cuối năm các chủ đầu tư sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại nêu thực trạng tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau hợp nhất, chiều 11/7.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại yêu cầu mỗi ngành, mỗi đơn vị ở cả hai cấp và từng cán bộ, công chức phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, phát huy cao độ tinh thần làm việc và ý thức thực thi nhiệm vụ được giao. 

Đồng chủ trì có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Văn Bi, Nguyễn Minh Luân, Lê Văn Sử, Huỳnh Chí Nguyện, Ngô Vũ Thăng.

Thông tin tại Hội nghị, ông Trần Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Tài Chính, cho biết: Tính đến ngày 30/6, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 tỉnh Cà Mau (mới) đã giải ngân đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% kế hoạch vốn. Có 24 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức trung; 17 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh, trong đó có 6 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Phó Giám đốc Sở Tài Chính Trần Công Khanh thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Tính đến ngày 30/6, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng và gấp 1,35 lần so với kế hoạch năm 2024. Đây là nguồn lực quan trọng nhằm tập trung đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm còn thấp và nhiều mặt còn hạn chế so với các địa phương khác. Đồng thời, nguồn vốn này cũng giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, với chức năng dẫn dắt, kích hoạt nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Khối lượng thực hiện và kế hoạch vốn cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2025 là rất lớn, lên tới hơn 8,8 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, việc triển khai quyết liệt, khẩn trương các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là cấp thiết.

Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh cần có các biện pháp mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân tại 5 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh (ngoại trừ Ban Quản lý dự án Nông nghiệp) sau khi hợp nhất, do các đơn vị này đang quản lý trên 80 % tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh.

Một trong những khó khăn hiện nay là sau khi giải thể cấp huyện và thành lập các Ban Quản lý dự án khu vực, mặc dù khối lượng thi công vẫn được triển khai theo tiến độ, nhưng tỷ lệ giải ngân lại không có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Ông Tăng Vũ Em, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, nêu các giải pháp ổn định tình hình sau hợp nhất, đẩy nhanh thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chỉ đạo: Đối với các công trình, dự án mang tính liên phường, liên xã thì cần chuyển giao cho Ban Quản lý dự án khu vực hoặc Ban Quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh để thực hiện quản lý và điều hành. Riêng các công trình, dự án trước đây thuộc địa bàn xã, phường nào và sau khi sáp nhập vẫn nằm trong phạm vi xã, phường mới tương ứng thì sẽ do Ban Quản lý dự án của xã, phường đó tiếp tục quản lý.

Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa 1.200 giường bệnh chưa có nhiều tiến triển trong thi công, giải ngân vốn đầu tư công.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần tập trung tháo gỡ bài toán khan hiếm vật liệu xây dựng, yếu tố đang khiến giá cả bị đẩy lên, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập tổ giám sát, chỉ đạo tiến độ giải ngân; đẩy mạnh công tác công bố bảng giá đất tại cơ sở; đồng thời, phát huy vai trò Trung tâm Phát triển quỹ đất trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thúc đẩy triển khai dự án.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại nhấn mạnh: Các sở, ngành và đơn vị cấp tỉnh phải chủ động phân công cán bộ hỗ trợ cơ sở với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi khâu công việc, mỗi nhiệm vụ cần được thực hiện với tư duy đổi mới, hành động thực chất, bám sát thực tiễn và đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu. Mỗi cá nhân, bộ phận, cơ quan phải nâng cao ý thức trách nhiệm, kịp thời điều chỉnh cách làm phù hợp, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của cơ sở để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Trần Nguyên - Minh Luân

 

 

 

Bệ phóng cho Cà Mau phát triển

Sau khi hợp nhất, trên cơ sở tính toán tiềm năng và năng lực hiện có, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,5%.

Không để hợp nhất làm chậm đầu tư công

Cùng với việc nhanh chóng vận hành chính quyền hai cấp hiệu quả, các địa phương trong tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dù hợp nhất đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, điều hành, nhưng các địa phương quyết tâm không để quá trình này cản trở việc triển khai dự án.

Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi khẳng định: “Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng chủ đầu tư và sẽ xem xét kỷ luật những chủ đầu tư nào có tỷ lệ giải ngân trong năm 2025 đạt dưới 80 %”.

Nhân đôi thế mạnh

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của Bạc Liêu có sự tương đồng với Cà Mau về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế, việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mở ra nhiều kỳ vọng phát triển bứt phá cho vùng đất cuối trời Tổ quốc, khi nguồn lực được tập trung, khai thác và phát huy.

Quyết tâm đạt tăng trưởng GRDP sau hợp nhất tỉnh

“Đây là một nhiệm vụ rất khó, phải tập trung hết sức lực để tạo khí thế mới, niềm tin mới sau hợp nhất tỉnh. Việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng là tiêu chí đánh giá cán bộ năm 2025, đặc biệt là người đứng đầu”. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải đã nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Phấn đấu tăng trưởng GRDP tỉnh Cà Mau năm 2025 đạt 8% trở lên”, diễn ra vào sáng 27/6.

Tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế tỉnh Cà Mau đã chuyển biến tích cực, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh vượt qua được những khó khăn, thách thức trước những biến động chưa từng có của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh được triển khai trong bối cảnh cả nước bước vào cuộc cách mạng mạnh mẽ với 2 mục tiêu lớn, đó là thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm này, kết quả giải ngân của tỉnh còn khá chậm, cần giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ.

Dáng dấp tỉnh Cà Mau mới với những bước đột phá

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (ÐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang chuyển động mạnh mẽ khắp cả nước. Trong bối cảnh đó, việc hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau được quyết liệt triển khai, với nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất. Phấn đấu tỉnh Cà Mau mới đi vào hoạt động trước ngày 15/8/2025.

Hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo

Với mục tiêu hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII xác định phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) phục vụ sản xuất điện, đạt khoảng 28-36% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74-75%.

Ðẩy mạnh thu hút đầu tư vào kinh tế biển

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau không chỉ mang trong mình vị trí địa lý đặc biệt mà còn sở hữu tiềm năng vượt trội trong phát triển kinh tế biển. Những năm gần đây, với định hướng đúng đắn từ lãnh đạo tỉnh và quyết tâm thu hút đầu tư bền vững, Cà Mau đang từng bước chuyển mình trở thành điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.