(CMO) Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Cà Mau phần lớn là chăn nuôi theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ, phân tán và tự phát với các loài vật nuôi phổ biến: heo, gia cầm, trâu, bò và dê. Vì vậy, năng suất, chất lượng và sản lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, dịch bệnh thường xuyên phát sinh, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đặc biệt lo lắng về chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ và theo hình thức phân tán này. Bởi theo ông, khi dịch bệnh bùng phát, rất khó kiểm soát. Chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, nông trại là mục tiêu lớn cần hướng đến trong thời gian tới.
Chăn nuôi công nghiệp chỉ mới hình thành
Hình thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp tập trung chỉ mới bước đầu được hình thành và phát triển trong những năm gần đây, chủ yếu là các cơ sở chăn nuôi heo gia công cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Tuy hình thức nuôi gia công đem lại nhiều hiệu quả: đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh, thực phẩm và bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng..., nhưng do kinh phí đầu tư xây dựng trang trại lớn, quỹ đất dành cho chăn nuôi tập trung còn hạn hẹp, hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chưa đủ đáp ứng cho sản xuất với quy mô lớn. Do đó, việc khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất độc lập.
UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 19/2015/QÐ-UBND ngày 5/8/2015 quy định hỗ trợ nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2015-2020, đồng thời phê duyệt Kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Trên cơ sở đó, giao Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau hàng năm, để triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của người chăn nuôi tại địa phương.
“Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai thực hiện hiệu quả thông qua báo, đài, mạng lưới thú y, khuyến nông viên cơ sở và các lớp tập huấn về khuyến nông, chăn nuôi - thú y… nên phần lớn người chăn nuôi nắm bắt được thông tin về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và đăng ký tham gia. Các văn bản, biểu mẫu, tài liệu hướng dẫn… được phát hành, triển khai kịp thời đến các địa phương để tổ chức phối hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả nông hộ đúng quy định”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng nhìn nhận.
Qua công tác tập huấn, tư vấn hướng dẫn, phần lớn người chăn nuôi nắm bắt cơ bản về kỹ thuật phối giống nhân tạo và cũng nhận thấy rõ hiệu quả của kỹ thuật này mang lại, nên việc đăng ký nhận hỗ trợ tinh heo đực giống ngày càng nhiều, từ đó công tác hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật phối giống nhân tạo trên heo được phổ biến áp dụng rộng rãi, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo giống của tỉnh.
Vẫn còn nhiều cái khó
Ðối với định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống heo, trâu, bò đực (không quá 5 triệu đồng/con đối với heo đực giống từ 6 tháng tuổi trở lên; không quá 20 triệu đồng/con đối với bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên; không quá 25 triệu đồng/con đối với trâu đực giống từ 24 tháng tuổi trở lên) theo Quyết định số 50/2014/QÐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, là quá thấp so với giá trị thực tế của con giống theo độ tuổi quy định.
Việc quy định hỗ trợ con giống heo, trâu, bò đực cho các hộ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn rất khó thực hiện, do hầu hết các hộ chăn nuôi ở các địa bàn này là hộ nghèo. Quy định gà, vịt, ngan giống bố mẹ hậu bị trên 8 tuần tuổi để hỗ trợ người chăn nuôi rất khó thực hiện, do hầu hết các cơ sở giống chỉ cung cấp giống gia cầm tối đa khoảng 1 tuần tuổi. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí sau khi đã mua con giống gây khó khăn về vốn đối ứng, nhất là đối với hộ nghèo.
Do địa bàn tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên lớn, rộng, giao thông nông thôn chưa được thuận tiện, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, đi lại rất khó khăn nên công tác vận chuyển tinh heo từ trung tâm giống nông nghiệp đến các điểm phân phối ở các huyện, thành phố để chuyển giao cho các hộ dân thường làm giảm chất lượng liều tinh, do việc vận chuyển xa, thời gian dài nên công tác bảo quản không đảm bảo, từ đó làm giảm tỷ lệ đậu thai.
Nguồn kinh phí địa phương phân bổ hàng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh còn thấp, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất chăn nuôi.
Từ thực tế đã qua, cần có sự sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cơ chế hỗ trợ cho phù hợp với thực tế chăn nuôi nông hộ. |
Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi chưa nắm bắt được kỹ thuật phối giống nhân tạo, còn phải thuê nhân viên kỹ thuật để thực hiện phối giống, nên thời gian chờ phối giống kéo dài, hiệu quả đậu thai trên heo nái chưa cao.
Ðể kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn tại địa phương, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ rà soát, sửa đổi mức hỗ trợ về con giống từ mức 50% lên 100% cho các đối tượng hộ nghèo, các hộ ở địa bàn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, xã hải đảo, địa bàn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, cơ chế hỗ trợ còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác triển khai và đối tượng thụ hưởng chính sách. Vì vậy, cần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cơ chế hỗ trợ phù hợp với thực tế tình hình chăn nuôi nông hộ tại địa phương, khi kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ./.
Phú Hữu