(CMO) Lần đầu đi thăm Trường Sa. Đúng 8 giờ sáng ngày 25/4/2018, tàu xuất phát từ vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, con tàu KN 490 đưa đoàn công tác số 10 đến đảo Đá Lớn, cách vịnh Cam Ranh 286 hải lý. Sau đó, đoàn đến đảo Cô Lin, ở đây đoàn tổ chức trang trọng lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong sự kiện Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.
Mọi người trong đoàn đều bùi ngùi xúc động khi nghe về sự dũng cảm hy sinh của Trung tá Trần Đức Thông, Thiếu uý Trần Văn Phương và các đồng đội. Tiếp tục cuộc hải trình, đoàn chúng tôi đến các đảo Len Đao, Sinh Tồn, Tiên Nữ… và cập vào đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) đúng vào dịp lễ 30/4 để cùng các chiến sĩ trên đảo tổ chức lễ kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Như chúng ta được biết, 2 quần đảo xa bờ Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc.
Ngon Hải đăng ở đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Vi Hoà |
Đến với Trường Sa, kể cả đảo nổi, đảo chìm đều nhận thấy các chiến sĩ và người dân ngoài việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Nhưng việc trồng rau không hề dễ dàng, đặc biệt là một số đảo chìm muốn trồng phải dùng tol chắn gió. Một số đảo nổi còn trồng được cây che mát, nhưng tất cả vừa mới được trồng lại vì bị ảnh hưởng bởi cơn bão “dữ” số 12 tháng 11/2017.
Đến với Trường Sa, được gặp gỡ những con người ở đây cho tôi cảm nhận rằng, họ đều cùng chung ý chí rất lạc quan, tự tin, mạnh mẽ, bằng nghị lực phi thường để chống lại giặc ngoại xâm, chống lại sự hà khắc của thiên nhiên, vững vàng như cây phong ba trên đảo để bảo vệ và giữ gìn vùng biển đảo thân yêu. Ra tới Trường Sa, tôi thật sự nhận ra niềm thiêng liêng và giá trị vô bờ của từng đảo chìm, đảo nổi.
Nhà giàn DK18 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Vi Hoà |
Rời các đảo, đoàn đến thăm Nhà giàn DK1, đây là điểm cuối để về đất liền. Nhà giàn nằm ở bãi Ba Kè, nếu ai chưa một lần đến thì thật khó tin về sức chịu đựng của con người bám trụ ở nơi đây. Họ là những người có ý chí mãnh liệt để giữ gìn dải đất của Tổ quốc mình, biển đảo của dân tộc mình. Có ai đó trong đoàn thốt lên, khi đến Trường Sa mới thật sự nhận ra một tinh thần vững chắc, một nghị lực quả cảm của người Việt Nam, thật vĩ đại về một dân tộc anh hùng.
Thật vậy, để giữ được nhà giàn, những chiến sĩ ở đây đã thể hiện một tinh thần bản lĩnh kiên trung. Trong đó có nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh để giữ bằng được nhà giàn trên thềm lục địa và giữ được vùng biển đảo thiêng liêng mà ngàn đời tổ tiên để lại. Đúng như lời tổng kết, chuyến hành trình sau 10 ngày đêm trên biển đảo của đồng chí trưởng đoàn “khi đi mang đi tình cảm, khi về mang về niềm tin”.
Chiến sĩ trên đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Vi Hoà |
Trên đường trở lại đất liền, đoàn công tác của chúng tôi cứ hát vang mãi khúc quân ca Trường Sa của Nhạc sĩ Đoàn Bổng. "Ơi… Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa viết tiếp bài ca bằng những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…” hát để tôn vinh và tri ân những người con đất Việt ở nơi “đầu sóng ngọn gió”. Lòng tôi cứ dâng trào một niềm cảm xúc mạnh mẽ về Trường Sa. Thương lắm Trường Sa ơi và thầm mong mọi sự bình yên trên vùng biển đảo thân thương này./.
Nguyễn Khánh Hồng