Sáng ngày 17/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ nuôi biển và hạ tầng cần thiết để phát triển nuôi biển tỉnh Cà Mau”, nhằm đánh giá hiện trạng nghề nuôi biển và định hướng nghề nuôi biển ở tỉnh; rà soát công tác quy hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển ở Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng; đề xuất giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh.
Ban Tổ chức hội thảo nhận được 17 bài tham luận.
Vùng biển tỉnh Cà Mau có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và ven biển (gọi tắt là “nuôi biển”) trong tương lai khi có chiều dài bờ biển trên 254 km với trên 80 cửa biển lớn. Khu vực ven biển có các bãi triều thích hợp để nuôi các loài nhuyển thể; khu vực trên biển có nhiều đảo (cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc) phù hợp cho phát triển nuôi hải sản bằng lồng bè. Điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên rất phù hợp cho việc phát triển nghề nuôi hải sản trên biển của tỉnh, tạo thêm công ăn việc làm cho ngư dân và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tuy nhiên, hiện tại nghề nuôi biển tỉnh Cà Mau còn những hạn chế, yếu kém. Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: “Nghề nuôi biển của địa phương còn nhiều khó khăn; công nghệ nuôi lạc hậu (chủ yếu nuôi quy mô nhỏ lẻ, chưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất); cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi chưa được đầu tư đồng bộ (chủ yếu phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ). Nghề nuôi biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, một phần là do thị trường nghề nuôi biển còn gặp nhiều khó khăn, trình độ ngư dân nuôi biển còn hạn chế, ít được tiếp xúc với các hình thức nuôi hiện đại; ngân sách nhà nước hỗ trợ cho ngư dân phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi biển còn hạn chế”.
Tại hội thảo, đại biểu có nhiều tham luận, chỉ ra những tồn tại thời gian qua. Mặc dù nghề nuôi biển tại Cà Mau đã hình thành gần 10 năm, tuy nhiên trình độ kỹ thuật nuôi còn thấp, đầu tư xây dựng lồng bè bằng gỗ chưa chắc chắn, dễ gặp rủi ro khi có giông bão xuất hiện. Đối với hình thức nuôi bằng lồng nhựa HDPE thì vốn đầu tư khá cao, nguồn vốn của ngư dân không đáp ứng. Tình trạng thiếu con giống đạt kích cỡ để thả nuôi vẫn còn phổ biến.
Trong thời gian qua, lĩnh vực nuôi biển ở Cà Mau chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển theo hướng tập trung, công nghiệp và hiện đại.
Riêng mô hình nuôi lồng bè ven đảo Hòn Chuối cách bờ trên 17 hải lý, người nuôi sẽ không thuận lợi khi đi lại đất liền để vận chuyển vật tư và vận chuyển sản phẩm khi thu hoạch, càng khó khăn hơn khi thời tiết những ngày sóng to gió lớn; các thương lái thu mua với số lượng ít, giá bán sản phẩm thay đổi, không ổn định. Hiện tại, các hộ nuôi nhỏ lẻ, theo thời vụ, tự phát, khó kiểm soát...
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, nghề nuôi biển tỉnh Cà Mau còn những hạn chế, yếu kém.
Hội thảo đồng thời ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp phát triển nghề nuôi biển ở Cà Mau sát với tình hình thực tế.
Theo đó, Chi cục Thuỷ sản đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Khảo sát điều kiện tự nhiên, các loài thủy sản bản địa phù hợp để đề xuất quy hoạch vùng nuôi; cần nghiên cứu các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển, đặc biệt là nuôi theo quy mô công nghiệp, hiện đại để hỗ trợ cho các hoạt động phát triển nuôi hải sản trên biển của tỉnh.
Tổ chức sản xuất theo mô hình quản lý cộng đồng, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm cho đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ nuôi biển mới, áp dụng có hiệu quả vào thực tế tại địa phương. Tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan để thúc đẩy xây dựng các liên kết với các nhà đầu tư, cộng đồng tài trợ để giải quyết tốt sản phẩm thu hoạch của hộ nuôi. Ngân sách tỉnh sẽ chi hàng năm để thực hiện thí điểm các mô hình có hiệu quả để khuyến nghị người dân nhân rộng...
Nghề nuôi cá lồng bè trên đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: KIM CƯƠNG
Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thông tin, nuôi trồng thủy sản trên biển đang là xu hướng phát triển mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh cần phải đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho dân số thế giới đang tăng lên. Nuôi biển đã trở thành một ngành công nghiệp, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế biển một cách bền vững và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên biển vốn đang bị khai thác quá mức.
“Ban Tổ chức hội thảo nhận được 17 bài tham luận, nội dung hết sức phong phú, sâu sắc. Tổ Thư ký và Thường trực Ban Tổ chức hội thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chắc lọc, xây dựng báo cáo cụ thể những vấn đề đặt ra và sẽ báo cáo cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp xem xét, quyết định; đồng thời đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi để phát triển nghề nuôi biển bền vững ở tỉnh Cà Mau trong thời gian tới”, ông Mai Hữu Chinh cho biết./.
Phú Hữu