(CMO) Đến nay, đã 48 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975-30/4/2023), nhưng trong tâm tư, tình cảm tôi không bao giờ quên những kỷ niệm của khoảng thời gian dài tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.
Tôi được sự may mắn và vinh dự là những ngày đầu thời tấm bé được sống, tập tành làm việc gần gũi với các đồng chí (cha, chú) là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cà Mau (Tỉnh uỷ), cùng với các bộ phận phục vụ, bảo vệ trực tiếp cho Tỉnh uỷ.
Nhớ lại, những ngày đầu tháng 5/1965, kết thúc năm học, từ Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình (khoá I), tôi được các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ nhận về công tác tại Văn phòng Tỉnh uỷ, với nhiệm vụ học đánh máy chữ (máy cơ). Lúc bấy giờ, cơ quan đóng tại ấp Công Ðiền (cặp sông Ông Ðốc), xã Phong Lạc, huyện Mười Tế (nay là huyện Trần Văn Thời). Tôi được biết, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Tỉnh uỷ làm việc trong khu vườn lớn gần đập kênh Chống Mỹ (hướng ra sông Ông Ðốc).
Các bộ phận khác như: Văn phòng Tỉnh uỷ, bộ phận bảo vệ sức khoẻ, mã thám, cơ yếu, điện đài, giao liên, đại đội phòng thủ bảo vệ Tỉnh uỷ... đều ở nhà dân. Tuỳ theo công việc phục vụ cụ thể, mỗi bộ phận có căn nhà nhỏ làm việc ở sau vườn.
Nhân dân Ấp 6, xã Khánh Lâm làm ra nhiều gạo phục vụ cho chiến trường. (Ảnh tư liệu: 30/6/1970). |
Với lực lượng khá đông, lại ở cặp bờ sông Ông Ðốc, tuyến sông này thỉnh thoảng có tàu sắt của địch chạy từ đồn cửa sông Ông Ðốc về tiểu khu Cà Mau và ngược lại.
Ðến giữa năm 1965, toàn bộ lực lượng từ Tỉnh uỷ và các cơ quan, đơn vị phục vụ đều dời về căn cứ Tỉnh uỷ ở Xóm Mới, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Năm Cứng (nay là huyện Cái Nước và Phú Tân). Tôi nghe các đồng chí Tỉnh uỷ lớn tuổi kể là sau những năm 1960, căn cứ Tỉnh uỷ có từ lúc ở ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Mười Tế, sau đó dời qua Xóm Mới, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Năm Cứng. Từ địa điểm Tỉnh uỷ chọn làm căn cứ cách đồn Thị Kẹo dưới 5 km, cả một tuyến dài các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ bố trí “Ðại đội phòng thủ Tỉnh uỷ” chốt bảo vệ 24/24 từ hướng đồn Thị Kẹo lên. Từ nơi căn cứ này, mỗi ngày đều có người ra, vào chợ Cà Mau (tiểu khu An Xuyên).
Toàn bộ lực lượng phục vụ, bảo vệ đều ở nhà dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với từng gia đình. Riêng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Tỉnh uỷ (có cả đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ) sống và làm việc ở những căn nhà trong rừng chồi, sau vườn nhà dân. Ðịa điểm mỗi lần họp Ban Chấp hành Tỉnh uỷ ở hội trường được xây dựng trong khu vườn ông Ba Nhãn, ấp Cây Me, xã Phú Mỹ, huyện Năm Cứng, nơi này cách đồn kinh xáng Thọ Mai khoảng 5 km.
Sau một thời gian, từ căn cứ Tỉnh uỷ ở Xẻo Ðước, Tỉnh uỷ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc lại dời về làm việc ở xã Phong Lạc, huyện Mười Tế. Lúc bấy giờ, Ban Chấp hành Tỉnh uỷ họp ở hội trường trong cụm rừng đước ở gần đầu kênh Lung Trường, giáp với kênh xáng Thị Kẹo.
Những địa danh Tỉnh uỷ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trực tiếp ở như: Lung Trường, Rạch Bần, Ðất Cháy, Vịnh Dừa, xã Phong Lạc, huyện Mười Tế. Mũi Ông Lục, Cái Chim, lô rừng 388 thuộc huyện Năm Cứng. Rạch Cây Thơ, rạch Bù Mắc, rạch Ông Kiểng, rạch Nước Lên, rạch Cái Ðuốc, vườn kiểng Ông Ðơn thuộc huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Hiển). Kinh Năm, Thanh Tùng thuộc huyện Tư Kháng (nay là huyện Ðầm Dơi). Ðến những ngày chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công tết Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, có lúc đóng ở xóm Công Nghiệp, Rạch Lăng, kênh Ông Tự, Cái Rắn, Nhà Phấn... Ðến nay, có đầy đủ những cơ sở để chúng ta khẳng định rằng: Nơi các đồng chí Tỉnh uỷ Cà Mau sống và chiến đấu, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thời chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, lâu nhất là tại Căn cứ Tỉnh uỷ ở Xẻo Ðước, huyện Năm Cứng.
Vì quê hương ngày đêm không mỏi. (Ảnh tư liệu: đầm Bà Tường 1968). |
Vào thời điểm lịch sử, khi Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt chế độ cũ nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và quân giải phóng miền Nam Việt Nam, từ căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Ðước này, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Tỉnh uỷ Cà Mau cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tốc hành quân ra tiếp thu tiểu khu An Xuyên tại chợ Cà Mau.
Nhìn lại quá khứ trước năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc của Nhân dân ta diễn ra vô cùng ác liệt. Mật độ bom đạn, hệ thống đồn bót dày đặc, vùng giải phóng có lúc bị thu hẹp, gây không ít khó khăn cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ Cà Mau.
Trước tình hình khó khăn như vậy, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh uỷ Cà Mau và các cơ quan, đơn vị trực thuộc vẫn lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt cuộc cách mạng ở tỉnh, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Một minh chứng được đúc kết, rút ra từ thực tiễn, cho phép ta khẳng định rằng: Tỉnh uỷ Cà Mau tồn tại đảm bảo bí mật tuyệt đối an toàn, ngoài trách nhiệm phục vụ tích cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, còn có một bí quyết chủ yếu là nhờ “dựa vào căn cứ lòng dân”, luôn được Nhân dân bảo bọc, che chở. Nếu không có “Căn cứ lòng dân”, mọi thông tin, bí mật được rò rỉ ra ngoài thì kẻ thù bằng nhiều thủ đoạn như: bom, đạn biệt kích, đổ quân càn quét bất cứ lúc nào.
Những địa điểm, vùng căn cứ của Tỉnh uỷ Cà Mau như tôi vừa nêu trong bài viết này, ắt không tránh khỏi những nơi còn sót, sẽ tiếp tục bổ sung, mong sự chia sẻ và thông cảm.
Qua bài viết này, tôi tin chắc rằng, từ đáy lòng mình, ở thế hệ hiện tại và các thế hệ mai sau, sẽ mãi mãi lưu truyền và trân trọng, ghi ơn công lao vô cùng to lớn, quý giá của “Căn cứ lòng dân” ở quê hương Cà Mau, nơi mảnh đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.
Cà Mau, tháng 4 năm 2023
Phạm Thạnh Trị
(Nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải - tỉnh Cà Mau)