Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, chưa có nguồn nước ngọt cung cấp bổ sung vào mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Vì thế, những hộ dân ở nông thôn đua nhau khoan giếng, bơm hút nước ngầm lên phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Do khoan giếng tràn lan, chưa được kiểm soát chặt chẽ nên mạch nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm.
Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, chưa có nguồn nước ngọt cung cấp bổ sung vào mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Vì thế, những hộ dân ở nông thôn đua nhau khoan giếng, bơm hút nước ngầm lên phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Do khoan giếng tràn lan, chưa được kiểm soát chặt chẽ nên mạch nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm.
Theo số liệu điều tra mới nhất của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 83,89%, tăng 0,89% so kế hoạch. Toàn tỉnh có 218 công trình cấp nước nông thôn tập trung đã bàn giao cho các địa phương, nhưng trong số này có 1/3 đã ngưng hoạt động do hư hỏng. Từ đó, người dân tự khoan giếng nước để sử dụng theo từng hộ gia đình.
Ngành chức năng cần có biện pháp quản lý khai thác nước ngầm hợp lý. |
Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có khoảng 14.000 giếng khoan nước ngầm, mật độ trung bình gần 30 giếng khoan/km2, lưu lượng nước khai thác trung bình 373.332 m3/ngày, đêm. Ðiều đáng lo nhất là, toàn tỉnh có hơn 2.145 giếng khoan nước ngầm bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm không sử dụng được do khai thác quá mức hoặc bị nhiễm phèn, mặn.
Hiện nay, tầng nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nặng nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Ông Ðặng Quốc Nam, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: “Những lỗ khoan giếng khai thác nước dưới lòng đất bị hỏng, bỏ hoang lâu ngày nếu không trám lấp trả lại hiện trạng ban đầu sẽ là những “đường dẫn” để đưa các nguồn nước bẩn từ trên mặt đất xuống làm ô nhiễm tầng nước ngầm. Có nhiều biện pháp khắc phục nhưng biện pháp trám lấp trả lại hiện trạng ban đầu là rất hữu hiệu, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chung là trả lại trạng thái như trước khi khoan, tức là lấp đầy khoảng trống bằng vật liệu tương tự như đất, đá ở chiều sâu tương ứng”.
Ông Nam cho biết thêm, trước thực trạng nguồn nước ngầm có nguy cơ giảm sút và ô nhiễm, ngành tài nguyên - môi trường tỉnh đang thực hiện đề án xử lý giếng khoan bị hư hỏng, bỏ hoang. Ðã xử lý được 700 giếng, tập trung ở TP Cà Mau và huyện Trần Văn Thời. Theo đề án, năm 2015 sẽ tiếp tục lấp 1.000 giếng tại 4 huyện: Cái Nước, Năm Căn, Thới Bình và U Minh, số còn lại sẽ tiếp tục lấp trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác khắc phục trám lấp giếng khoan gặp nhiều khó khăn do một phần giếng nước này bị hư hỏng, bỏ hoang lâu ngày, người dân xây cất nhà và các công trình khác chồng lấn lên hoặc không còn xác định được vị trí.
Ðã qua, do khai thác tràn lan, không tuân thủ quy hoạch, nên tầng nước ngầm trên địa bàn tỉnh đã tụt xuống sâu vào mùa khô. Nguy cơ ô nhiễm và khả năng xâm nhập mặn tầng nước này tại độ sâu từ 100-120 m đang hiện hữu. Tại một số địa phương như: TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, đã có nhiều giếng nước ở tầng nước nông có dấu hiệu nhiễm vi sinh...
Ðặc biệt, tại một số nơi như: xã Biển Bạch (huyện Thới Bình), xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), khoan thăm dò không tìm được nguồn nước. Hiện nay đang là mùa khô, mạch nước ngầm tụt xuống khá sâu, càng khai thác, các mạch nước càng cạn kiệt và tạo thành dòng chảy thông nhau. Khi mạch nước nào đó bị nhiễm mặn, phèn thì có thể lây lan sang những mạch nước khác, về lâu dài khó có thể sử dụng được.
Ðể chấm dứt tình trạng khoan giếng khai thác nước vô tội vạ, các địa phương và các ngành có liên quan cần kiên quyết hơn trong công tác quản lý, có các giải pháp sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước ngầm. Ðồng thời, nghiên cứu các phương án sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông, kinh, rạch sản xuất ra nước sạch cấp cho sinh hoạt và sản xuất, dần thay thế nguồn nước ngầm.
Ðể bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ngầm một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước phục vụ dân sinh, tỉnh cần sớm triển khai lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ðồng thời, công bố quy hoạch cụ thể nơi nào được phép, nơi nào cần hạn chế và nơi nào cấm triệt để khai thác nguồn nước ngầm; song song đó là quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nhắc nhở người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm của tỉnh./.
Bài và ảnh: Trúc Ly