ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 12:26:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cây cầu dừa tuổi thơ

Báo Cà Mau (CMO) Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà đều tuân thủ mọi nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, thực hành “ai ở đâu ở yên đó” để góp sức chống dịch. Ðối với không ít người, đây là khoảng thời gian để sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, và tôi cũng vậy.

“Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn”, khiến tôi nhớ về khoảng thời gian tuổi thơ ấm áp ở vùng quê nhỏ. Không ti-vi, không điện thoại, không đồ chơi hiện đại như tụi nhỏ bây giờ, nhưng tuổi thơ tôi đầy ắp tiếng cười bên những người thân yêu nhất.

Là người con vùng sông nước, quê ở tận miệt thứ U Minh, nên cứ nhớ quê là tôi nhớ về hình ảnh những cây cầu lắt lẻo. Ấn tượng nhất với tôi chính là cây cầu dừa. Một đứa nhóc vùng quê nhỏ mới lên 5 như tôi có thể tự tin đi thoăn thoắt qua bất cứ cây cầu khỉ nào, nhưng… với cầu dừa thì tôi chịu thua. Thế nên tôi rất sợ cầu dừa.

Trong trí nhớ non choẹt của cô bé lên 5, phía bên hông nhà có cái ao rất rộng, nối liền đôi bờ bởi cây cầu dừa. Bên đây là nhà tôi, còn bên kia ao là vườn trái cây sum suê được ba tôi vun trồng. Mảnh vườn to với đủ loại cây ăn trái trĩu quả đúng là sức hút lớn với bọn con nít chúng tôi, nên dù sợ cây cầu dừa thì tôi vẫn luôn tìm mọi cách để sang bờ bên đó.

Nhà tôi có 5 anh chị em: 3 chị gái, anh Năm và tôi là út. Nói là út chứ tôi hung dữ nhất nhà. Có lần tôi bắt anh Năm phải cõng qua cầu dừa, nếu không tôi sẽ cắn. Biết tính tôi nói là làm, anh Năm dù không thích cũng phải để nhỏ em gái trên lưng đi qua cây cầu dừa. Tôi đang hí hửng, thích thú nghĩ tới cảm giác được tự tay bẻ trái ổi, cắn liền một cái chua chua, ngọt ngọt thì… ùm. Tôi rơi tự do từ trên lưng anh Năm xuống ao và cũng quẫy nước tự do vì tôi không biết bơi. Cảm giác phấn khởi cũng chìm nghỉm xuống ao chung với tôi, chỉ còn nghe tiếng anh Năm ngồi vắt vẻo trên cây cầu dừa, cười giòn, kêu mẹ:

- “Mẹ ơi, mẹ ra mà coi con Út nó không biết lội mà nó biết lặn nè”.

Mẹ tôi đang ngồi trước nhà bắt chí cho chế Tư, nghe tiếng kêu thất thanh của ông anh tôi, mẹ hớt hải chạy ra, la lớn:

- “Trời ơi! Chết con nhỏ rồi”.

Rồi mọi người xúm nhau ẵm tôi lên sốc nước, từ đó câu chuyện “không biết lội mà biết lặn” trở thành chuyện được nhắc nhiều trong những lần họp mặt gia đình.

Có lẽ chuyện đó làm tôi ám ảnh cả tuổi thơ, nên trạc tuổi tôi đứa nào cũng lội như nhái, chỉ có tôi là không dám lội sông. Trước đây, trước nhà có con sông to lắm, nghe ba tôi kể, hồi đó sông này chỉ là cái lòng lạch thôi, mùa hạn muốn chà gạo thì phải lội đẩy xuồng chứ không bơi được. Thấy quá khó khăn, người dân hùn nhau thuê xáng vô múc. Từ khi có sông rộng, sâu, bọn trẻ tụi tôi mê lắm. Cứ chiều là hẹn nhau, đứa thì cây chuối, đứa cái can 20 lít, đứa cặp dừa khô nhảy xuống sông tập lội. Chỉ có tôi là ngồi trên bờ dõi theo. Mấy lần thấy tôi ham, ba nói để ba cõng tôi lội, nhưng chân mới vừa chạm nước thì tôi lại khóc thét. Bà nội liền la: “Bây cho nó lên đi, để bà thuỷ bả quở, rồi con nhỏ bị bệnh”.

Thế là giấc mơ bơi lội của tôi khép lại từ đó. Cứ mùa mưa đến, nước dưới ao dâng đầy, tôi lại ngồi bên bờ ao để bắt từng con nòng nọc bỏ vào keo chơi. Nước trong đến nỗi thấy từng đường nứt của lòng đất. Cây cầu dừa vẫn ở đó, vẫn là nỗi sợ của tôi nhưng không hiểu sao tôi không thấy ghét nó. Tôi thích cảm giác được anh Năm cõng qua cầu, được nhìn xuống dòng nước trong veo và cảm nhận sự yên bình của vùng quê, của tình yêu thương bên gia đình nhỏ.

Không biết bơi nhưng lại mê nước, không biết đi cầu dừa nhưng tôi lại yêu nét giản dị, thô sơ của nó. Biết tính em gái, anh Năm tôi mỗi lần xuống ao bắt cá là cho tôi ngồi ở cây cầu chơi để vừa bắt cá, vừa trông chừng tôi. Có hôm anh Năm chơi ác: “Ðố Út dám nhảy từ cầu xuống”. Vì nước không sâu, thấy anh Năm đứng chỉ ngang bắp chân, tôi cũng mạnh mẽ mà nhảy ùm xuống và tiếp tục uống nước. Ấy vậy mà tôi vẫn yêu cây cầu dừa, vẫn tin anh Năm tôi “bất chấp”.

Rồi vùng quê tôi bị xâm nhập mặn, từng bờ liếp phủ kín cây ăn trái ngày nào được ba tôi ban xuống để nuôi tôm. Cái ao ngày xưa được lấp đầy đất vì ba sợ tôi ra ao chơi một mình nguy hiểm. Cây cầu dừa cũng bị mang lên bờ, mục nát theo thời gian.

Lớn lên mỗi đứa một phương lập nghiệp, cứ mỗi dịp về xúm xít bên nhau lại nhớ chuyện cây cầu dừa. Nhớ về tuổi thơ, nhớ vùng quê yên bình, nhớ những tháng ngày hạnh phúc bên ba mẹ! Hơn 30 năm xuôi ngược mưu sinh, mỗi khi nhớ về quê hương lại thương da diết. Quê hương tôi đó, miệt thứ U Minh, tuy gần nhưng rất xa, tuy cách trở những vẫn luôn trong trái tim người xa quê.

Dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày nghe những thông tin về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sáng nay, thấy thông tin quê tôi bị phong toả do phát hiện nhiều ca F0. Lo lắng nhiều, nhưng mọi nơi đều đang phải gồng mình chống dịch. Nhớ quê lắm nhưng tôi cũng chỉ có thể dõi theo từ xa và mong quê hương mạnh mẽ vượt qua đại dịch lần này.

Lúc này, yêu quê hơn hết chính là nâng cao ý thức, là tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh./.

 

Kim Cương

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...