Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.
“Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng…”
Cà Mau là phần đất đai được khai mở sau cùng, do được bồi đắp một cách tự nhiên bằng những hạt phù sa nồng nàn, tươi mới, mặt đất không bằng phẳng mà chỗ cao, chỗ thấp... Nước xói mòn những chỗ thấp, lâu ngày thành sông, kênh, rạch, xẻo, lung. Khi nước lên, từng hạt phù sa theo con nước dâng chầm chậm, bò từ từ qua những bãi bồi, lan khắp ruộng đồng. Vào sâu trong những xóm ấp, ngủ một đêm, sáng ra thức dậy đã thấy trên những đoạn thân dừa, thân đước ghép lại làm bến nước được phủ lên lớp bùn non tươi mới.
Còn ở ngoài mé biển, chỉ bằng mắt thường thôi, nhìn những hàng cây bần mới mọc cũng ước lượng được rằng hằng năm đất đai của Tổ quốc rì rầm lấn biển có nơi 40 mét, nơi 60 mét, có nơi cả trăm mét. Từng có những ví von rằng, địa hình xứ này hao hao giống một bàn chân khổng lồ vươn ra phía biển.
Rừng ngập mặn Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: THANH DŨNG
Hệ sinh thái đất đai phì nhiêu, kênh rạch chằng chịt và rừng ngập mặn ấy đã tạo nên sinh kế cho cư dân bao đời nay, kể từ thuở khẩn hoang, lập ấp. Con người và thiên nhiên cứ hồn nhiên gắn bó, hồn nhiên sống trong lẽ thuận thiên của đất trời. Sản vật thiên nhiên nuôi sống con người và làm đẹp giàu cho công cuộc đi lên ở một vùng đất tận cùng Tổ quốc, khao khát đi lên với tấm “áo mới Cà Mau”, “chang đước rước con tôm”, “con tôm ôm gốc lúa”, “cây lúa múa cùng tôm”... Trong ngọt ngào hương tràm U Minh cùng hào sảng giai điệu, ca từ: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau, có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát...” - (Về Ðất Mũi, Hoàng Hiệp).
Tất cả khơi nguồn từ phù sa nồng nàn, như mối lương duyên của câu chuyện Ðất và Nước.
Về đâu những “dòng nước đói”?
Bán đảo Cà Mau đã bước vào thời kỳ mà lượng phù sa bồi đang ít hơn lượng phù sa lở hằng năm. Những con đập, hồ chứa mới hình thành từ những quốc gia phía thượng nguồn đã và đang kìm chân, giữ lại những hạt phù sa. Dòng nước bị lọc bớt phù sa ấy chảy về hạ nguồn được các nhà thuỷ lợi gọi là “nước đói”. Ðể bù đắp lại lưu lượng phù sa theo quy luật tự nhiên, “dòng nước đói” phù sa ấy đành gặm nhấm chính phần da thịt của vùng đất mà khoảng 6 ngàn năm trước đó nó đã từ cao nguyên Tây Tạng - Thanh Hải, mang theo các hạt vật chất rắn mà chúng ta quen gọi là phù sa xuống hạ lưu, hình thành nên đồng bằng châu thổ phì nhiêu này. Ðây là nguyên nhân lớn nhất.
Bên cạnh đó, các đê bao khép kín, tuy có tác dụng ngăn mặn, nhưng cũng đồng thời gây nên “tác dụng phụ” là ngăn không cho phù sa tràn vào đồng ruộng ở miệt bưng biền mỗi lúc nước lớn, nước ròng; còn ở miệt biển thì các đê bao, cống đập bít kín các cửa sông, rạch đã và đang ngăn cản phù sa len lỏi vào các ao nuôi trồng thuỷ sản... Lượng phù sa, với ba nhóm chính là vật liệu thô, vật liệu mịn và vật liệu hoà tan ngày một ít ỏi dần đi, sau khi đã nhọc nhằn vượt qua những đập, hồ phía thượng nguồn, về đến hạ lưu này lại cũng bị “từ chối” tiếp nhận vào đồng ruộng, mương vườn, ao hồ, sông rạch... đành phải trôi tuốt ra ngoài biển khơi để rồi không bao giờ còn có cơ hội quay trở lại đất liền để mà bồi đắp cho các dải rừng ngập mặn ven biển, cho “hạt phù sa lấn biển thêm rừng”.
Nhóm phù sa vật liệu thô có vai trò tiên phong trong việc lấn biển và kiến tạo nền móng cho đất đai không có cơ hội được lưu lại; nhóm phù sa vật liệu mịn có vai trò quyết định độ phì nhiêu của đất đai và là thức ăn của các vi sinh vật không có cơ hội được bồi lắng, đồng nghĩa với việc để “vuột mất” hàng triệu tấn dinh dưỡng tự nhiên hằng năm, làm cho đất đai ngày càng nghèo.
Tập quán canh tác lấy nước vào đồng ruộng để lấy phù sa và dùng nước diệt sâu rầy, mầm bệnh; sên mương cung cấp chất dinh dưỡng cho đất và nâng cao mặt liếp... hiện giờ dường như ít được quan tâm. Cũng bởi mục tiêu sản xuất nhiều hàng hoá trên một đơn vị diện tích đất mới có câu chuyện đầu tư đê bao, cống đập điều tiết nước quanh năm để tăng vòng quay sử dụng đất. Mà, đất đai cũng như con người, nếu cứ vắt kiệt sức để lao động, không được bồi bổ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, liệu đất đai còn có thể làm việc trong bao lâu? Ðã có những chuyên gia cảnh báo: Sạt lở đất dễ nhìn thấy, dễ nhận biết, nhưng “xói mòn dinh dưỡng đất” đang như sự “mất máu” diễn ra hằng ngày, hằng giờ thì ít được chú ý đến. Vắt kiệt dinh dưỡng đất đai mà không có nguồn phù sa bồi đắp, chúng ta sẽ để lại cho thế hệ con, cháu một đồng bằng, một bán đảo cằn cỗi như sa mạc./.
Thay lời kết
Bán đảo Cà Mau nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đang đối diện những nguy cơ ngày một lớn ảnh hưởng đến những thành tựu nông nghiệp, nhiều mối lo ngại đối với tính bền vững của các hệ thống sản xuất hiện tại. Nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở, môi trường ô nhiễm, cạn kiệt dinh dưỡng đất đai... cùng với cơ hội việc làm thuận lợi hơn ở một số thành phố đang tạo ra làn sóng di cư lớn của lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn, bỏ lại phía sau lực lượng lao động có tay nghề thấp, cùng với lực lượng lao động nông nghiệp đang già hoá.
Lợi thế của đồng bằng châu thổ phì nhiêu, của bán đảo phù sa nồng nàn đang dần mất đi, nếu không có những biện pháp can thiệp phù hợp.
Y Lan