ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 22:25:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyến hàng cuối năm

Báo Cà Mau Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

MH: Minh Tấn

Nhưng con cháu ngày một đông mà đất thì đâu có nở, cho nên ông bà phải tính đến chuyện gầy dựng nghề nghiệp khác cho con. Từ đó, nghề đi ghe xuất hiện trong dòng họ nhà tôi, sau đó thành một xóm đi buôn bằng ghe với đủ nghề. Mấy bác, chú tôi chở than, củi, cá khô, mắm, ba khía muối... lên miệt trên để bán. Còn ba má tôi thì bán tạp hoá, một cái tiệm hàng xén lênh đênh trên sông rạch. Lúc đầu chiếc ghe nhỏ, mui lợp lá, hình vòm, có chèo mũi và lái. Vài năm sau làm ăn khấm khá, ba tôi đóng chiếc ghe lớn hơn, mui bằng ván, vách đứng, chạy bằng máy đuôi tôm loại nhỏ. Trên mui dùng để chở loại hàng không sợ nắng, cho nên mỗi chuyến chở được nhiều hàng hơn chiếc ghe cũ. Mùa giáp Tết cũng là thời điểm mua sắm của bà con từ nông thôn đến thành thị, vì vậy ghe hàng của ba má tôi khẳm đừ. Chuyến lên chở chuối, dừa, thúng, rổ, giần, sàng..., chuyến về thì “bổ” thêm hàng chợ để bán cho bà con ăn Tết, lủ khủ vải vóc, đồ nhôm, đồ nhựa. Cực khổ như vậy mà ông bà vui lắm, vì hàng bán nhanh, có lời nhiều.

Ngày thường ai cần gì xuống ghe hàng mà chọn, còn gần Tết thì khác, cô Năm, thím Bảy ghi sẵn miếng giấy mấy loại họ cần mua, rồi đưa cho má tôi. Thiệt tình mà nói, cô bác chỉ biết đọc biết viết sơ sơ, cho nên có những chữ tôi không đọc được, vậy mà má tôi nhìn vô là biết đó là chữ gì. Tôi hỏi sao má đọc được hay vậy, má tôi nói, tại má “quen mặt chữ”. Vậy là má tôi mua đầy đủ theo “toa hàng” của cô bác.

Không chỉ người gởi toa trông ngóng mà bà con trong xóm cũng chờ, vì vậy khi ghe cập bến ai cũng hớn hở. Ba má rất nhạy với nhu cầu của bà con, đoán trúng ý thích của họ, cho nên hàng hoá thường được ưa chuộng hơn các ghe hàng khác. Ngoài đường, đậu, bột, sữa, xà bông, nước mắm, bánh mứt... ghe hàng của nhà tôi còn có giấy màu, giấy bông để trang trí nhà cửa; nhang thơm, đèn cầy và những bộ đồ cúng (quần áo bằng giấy) trên bàn thờ tổ tiên. Ðặc biệt là những câu đối, cặp liễn bằng chữ nho (loại này thường bán cho mấy nhà khá giả). Một món không thể thiếu nữa là bông hoa bằng nhựa đủ màu sắc. Cho nên, ngày ghe về bến, dưới bực sông lúc nào cũng đông vui, người đi bộ, kẻ bơi xuồng, tiếng cười nói râm rang. Mấy đứa nhỏ vô tư lắm, khi má tôi vừa trao tay mấy bộ đồ mới mà mẹ nó gởi ni (số đo), chẳng chút ngại ngần, chúng mặc ngay, ngắm nghía rồi cười sung sướng.

Nghĩ lại ông bà tôi thật khéo tính toán, nhà nông thiếu đất nhưng vẫn ấm no bởi biết dựa vào tự nhiên. Xứ tôi có rất nhiều sông rạch, đường bộ thời đó hiếm hoi lắm, cho nên sông rạch trở thành phương tiện giao thương. Những tháng cuối năm, đâu chỉ có ghe hàng xén hay xuồng ba lá chèo bán hàng bông, mà nhiều người có vốn lớn còn đầu tư sắm những chiếc ghe trọng tải lớn vài chục tấn chuyên chở gạch, cát, đá, cây gỗ miền Ðông về miệt sông nước này để bán buôn. Mùa khô bà con có nhu cầu sửa nhà, đến tiết Thanh Minh thì nâng cấp mồ mả, cho nên những chiếc ghe lớn chở vật liệu cũng làm ăn khấm khá lắm.

Mặc dù hiện nay hàng hoá ngập tràn từ siêu thị đến chợ truyền thống và cả bán hàng trên mạng, vậy mà ghe hàng vẫn tồn tại ở khắp làng quê vùng sông nước. Có một điều bất biến, đó là mối quan hệ giữa người mua và người bán vẫn gần gũi, tin tưởng nhau, lấy chữ tín để giữ bền tình nghĩa.

Những ngày cận Tết, tôi trở về làng quê, nơi bến sông xưa có chiếc ghe hàng xén của nhà tôi, để nhìn ngắm cảnh cũ mà thương, mà nhớ! Dòng sông vẫn miệt mài chuyên chở phù sa theo con nước lớn ròng, nhưng đôi bờ đã được gia công để chống xói lở bằng những hàng dừa nước, xen kẽ với giống bần bản địa, tạo thành công trình chắn sóng thiên nhiên đã đem lại hiệu quả rất tốt. Dọc theo bờ sông là con lộ nhựa phẳng phiu trải dài, đấu nối cùng các địa phương lân cận, tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng sáng tươi và thuận lợi cho đời sống người dân. Trên dòng sông của tuổi thơ tôi, thỉnh thoảng xuất hiện chiếc ghe hàng với tiếng rao vang xa bằng hệ thống loa điện tử:  “Hàng Tết đã về tới rồi bà con ơi... Mời bà con chọn lựa... giá cả phải chăng, hàng thì chất lượng... cô bác ơi...”. Âm thanh ấy đã thôi thúc nhà nhà phải chuẩn bị cho mình một cái Tết đủ đầy, sung túc!

 

Lê Ngọc

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...