ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:47:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Còn thương tre trúc sau vườn...

Báo Cà Mau Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...

Men theo những con kinh, con rạch ăn nước từ sông Cái Tàu đã thành ký ức, nỗi nhớ của bao người như: Rạch Chui, Rạch Chệt, rạch Bà Thầy, Rạch Tềnh, rạch Nàng Chăng... hình như thời gian ngưng đọng lại. Xứ sở này bao đời vẫn vậy, với những con người bình dị, hồn hậu, sống chậm rãi mà nghĩa tình thuỷ chung, son sắt. Tìm gặp bà Nguyễn Thị Bé ở rạch Bà Thầy, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, hỏi thăm nghề đan đát mà gia đình đang gìn giữ, chủ gia thủng thẳng: “Mèn ơi! Gấp gì mấy đứa, uống miếng nước dừa đi. Muốn nghe chuyện đan đát với tre trúc hả, cũng nhiều cái để nói lắm”.

“Tôi làm dâu xứ Cái Tàu mấy chục năm rồi. Cái nghề đan đát này, tôi đem từ vùng Cái Sắn (nay là xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình), nơi chôn nhau cắt rốn, về đây. Cũng từ khi về đây, cô lập vườn trồng tre trúc để có nguyên liệu sẵn”, bà Bé thủ thỉ kể. Khi biết khách cũng từng có chút kỷ niệm với Cái Sắn, đôi mắt của người phụ nữ qua tuổi xưa nay hiếm như sáng lên: “Ờ, quê tôi hồi đó là vùng căn cứ địa cách mạng, thời chưa giải phóng đã xây dựng làng kiểu mẫu kháng chiến. Riêng nghề đan đát, người đi trước truyền lại người đi sau, vậy đó”.

Với những người làm nghề đan đát, tre trúc là máu thịt. Theo lời kể của bà Bé, trước chuyển dịch, nguyên liệu tre trúc dồi dào, nhưng sau đó thì khan hiếm dần. Phần vì giá trị kinh tế không cao, phần vì đất đai nhiễm mặn. Rồi dần dà, nghề đan đát cũng mai một, bởi người ta có những lựa chọn khác, thức thời hơn. Những người chọn gìn giữ nghề đan đát biết rằng, tre trúc không còn thì nghề cũng khó mà giữ được. Bằng cả tấm lòng, người chọn ở lại với nghề nâng niu giữ lại vườn tre trúc, tôn cao bờ vuông để rễ cây không chạm vào cái mặn quéo của đất đai và của những đổi thay, trăn trở. Nhưng cũng không mấy ăn thua...

Cùng với đà hồi phục, phát triển của nghề đan đát, các vườn tre trúc nguyên liệu tại xã Nguyễn Phích cũng đã dần hồi sinh.

Chính bà Bé cũng không ngờ, có lúc nghề đan đát lại là nguồn thu nhập chính của gia đình như mấy năm trở lại đây. Nhất là khi địa phương có chủ trương khôi phục lại các làng nghề truyền thống, mở thêm hướng mới để nghề đan đát gắn với phát triển du lịch, tre trúc đã báo đáp ơn người trồng. “Sản phẩm đan đát bằng tre trúc giờ người ta quay lại ủng hộ nhiều. Khách dùng nói xài đồ từ tre trúc thì an toàn, thân thiện. Bởi vậy, gia đình tôi cũng làm nhiều thêm, có mối mua sỉ số lượng lớn hẳn hoi. Nhưng nói nào ngay, nguyên liệu tre trúc giờ khan hiếm, mình trồng đâu có đáp ứng đủ, có khi phải chạy đi khắp nơi để mua thêm”, bà Bé bộc bạch.

Chị Liên Ngọc Giàu, con dâu bà Bé, được má chồng truyền nghề thành thạo, giỏi giang, chia sẻ: “Nghề này coi vậy chớ cũng khó học, công phu dữ lắm. Người lớn dạy người nhỏ, làm riết rồi thành thạo. Con gái của tôi mới học lớp 2 thôi cũng đã đan được một số đồ thông dụng rồi. Mấy năm nay tôm tép dở quá, thành ra nghề đan đát là nguồn thu nhập trụ cột của gia đình”.

Em Dương Anh Thư, học lớp 2, cháu nội của bà Nguyễn Thị Bé đan thành thạo một số sản phẩm thông dụng và say mê học hỏi thêm nghề truyền thống của gia đình.

Dẫn khách đi thăm vườn tre trúc của gia đình, chị Giàu tâm tình rằng: “Sắp tới, gia đình cũng tính toán gầy lại vườn tre trúc nhiều hơn để có đủ nguyên liệu làm nghề. Mấy anh cán bộ của xã, của huyện cũng tới lui gia đình để động viên, khuyến khích, rồi làm cầu nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đan đát của gia đình. Nhiều người ở đây cũng đã quay lại với nghề đan đát. Tre trúc ở xứ này cũng nhiều lên thấy rõ”.

Nếp nhà, hồn quê được những người dân Nguyễn Phích gìn giữ từ nghề đan đát truyền thống.

Từ tre trúc, từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, những con người bình dị ở Nguyễn Phích qua từng nuộc dây, nan đan đã làm ánh lên vẻ đẹp của nghề truyền thống, của nếp nhà, hồn quê và cả tương lai phía trước. Nói như lời của bà Bé: “Ở đây, nếu thấy sau vườn còn xanh màu tre trúc, thì ở đó người ta còn gắn bó, sống chết với nghề đan đát”./.

 

Hải Nguyên

 

Liên kết hữu ích

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...