Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.
Theo tín ngưỡng dân gian, rồng là linh vật biểu hiện cho sự thịnh vượng, thành công và có khả năng kết nối giữa con người với thiên nhiên. Bởi, rồng đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), đứng đầu trong tứ tượng (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ) đại diện cho 4 phương (Ðông, Tây, Nam, Bắc). Trong 12 con giáp, Rồng cũng được xếp vị trí thứ năm.
Rồng đứng đầu trong tứ tượng, gồm: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. (Ảnh chụp ở Miếu Quan Ðế Thánh Quân, toạ lạc Phường 2, TP Cà Mau).
Vì vậy, những điều tốt đẹp trong sinh hoạt dân gian thường được nhắc liên quan đến rồng. Lễ thành hôn chúc cho “Long - Phụng hoà minh”; gặp người có công việc làm ăn thuận lợi, thăng quan tiến chức thì mừng “Long vân khánh hội”, thấy những nét chữ trau chuốt ví như “rồng bay phượng múa”…
Múa Rồng thường được biểu diễn phục vụ khai mạc lễ, hội.
Hình tượng rồng cũng được nhắc nhiều trong thơ ca dân gian: Ngày nào nên nghĩa vợ chồng/Ðôi đứa ta như cá hoá rồng lên mây; Rồng giao đầu, phụng giao đuôi/Nay tui hỏi thiệt, mình thương tui không mình?; Tình cờ anh gặp mình đây/Như cá gặp nước, như mây gặp rồng; Rồng đen lấy nước thì nắng/Rồng trắng lấy nước thì mưa…
Ðược xem là loài đứng đầu trong muông thú, có sức mạnh phi thường, quyền năng bí ẩn và linh thiêng nên hình tượng rồng thường xuất hiện trên các mái, cột ở đình, chùa, miếu, nơi thờ tự, cũng như trên hoạ phẩm và trang phục có tính chất tâm linh. Mặt khác, rồng còn biểu hiện sự quyền uy, cao quý của các đấng thiên tử. Từ ấn tín của vua được chạm khắc hình tượng rồng vàng đến vóc dáng, diện mạo của vua, cũng như triều phục và đồ vật vua sử dụng đều gắn với chữ "long". Chẳng hạn: long thể, long nhan, long nhãn, long mão, long bào, long ngai, long sàng, long xa, long thuyền…
Hình tượng rồng thường xuất hiện ở chùa, miếu… biểu hiện sự oai nghiêm, linh thiêng. (Ảnh chụp ở Tịnh xá Ngọc Minh, Phường 5, TP Cà Mau).
Trong tâm thức người Việt, rồng không chỉ là linh vật tín ngưỡng dân gian đơn thuần mà còn là sự sùng kính, thiêng liêng về thuỷ tổ đã sinh ra dân tộc Việt Nam - truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Quả thật, khi nhìn vào hình thể đất nước, dáng cong hình chữ S chúng ta mường tượng chẳng khác rồng đang bay lượn và dọc dài đất nước từ Bắc chí Nam có rất nhiều địa danh ghi dấu lịch sử, tên gọi địa giới hành chính, điểm tham quan du lịch… được gắn với tên rồng.
Ðại loại như: Hoàng Thành Thăng Long (kinh đô của nước Ðại Việt, tồn tại hơn ngàn năm, qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Mạc…); Vịnh Hạ Long (điểm du lịch hấp dẫn thuộc tỉnh Quảng Ninh, tốp 7 Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, nhiều lần được công nhận là Di sản Thiên nhiên của thế giới); làng Kim Long (nằm ở tả ngạn Sông Hương là một vùng đất trù phú màu mỡ, cảnh sắc trữ tình và nổi tiếng có nhiều mỹ nhân); núi Ðầu Rồng hay “Long đầu hí thuỷ” (1 trong 12 cảnh quan đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan); Long Hải (một trong những bãi biển nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); đồng bằng sông Cửu Long (nơi có hai nhánh là Sông Tiền và Sông Hậu đổ nước ra biển Ðông bằng chín cửa. Khu vực này còn mệnh danh là vùng đất Chín Rồng).
Tự hào về nguồn cội cha Rồng mẹ Tiên, dòng giống Lạc Hồng, nên từ thuở Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, người dân Việt Nam luôn phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc để đánh đuổi ngoại xâm, cũng như giữ thanh bình và xây dựng, phát triển đất nước giàu đẹp.
Mỹ Pha