Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.
Cũng phải nói thêm, với chụp ảnh, ngoài kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng (kể cả thủ thuật, kỹ xảo) thì còn cần thêm một tố chất đặc biệt khác, đó là năng khiếu. Mà năng khiếu, không phải ai cũng có. Năng khiếu sẽ khiến các kỹ thuật trở nên đắc dụng, thăng hoa; còn kỹ thuật sẽ bù khuyết (trong chừng mực nào đó) đối với những ai không được thiên phú cho khả năng về chụp ảnh. Nhưng với người làm báo, ảnh báo chí không chỉ là những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, năng khiếu, mà còn có những yêu cầu đặc thù.
Ðiều này, tôi và những đồng nghiệp được thoải mái trao đổi, chia sẻ trong những lớp tập huấn ảnh báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Hoài Linh, đã giải toả phần nào những nỗi niềm trăn trở về ảnh báo chí cho những người đang trực tiếp làm nghề.
Lớp tập huấn Ảnh báo chí cho lực lượng phóng viên khu vực phía Nam do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thường xuyên, NSNA Hoài Linh (áo đỏ) phụ trách lớp.
Tôi thấy rất thú vị với ý kiến khá dí dỏm, nhưng cũng đầy gai góc của Nhà báo Ðồng Ðức Thắng, Báo Tây Ninh, nêu ra: “Hình như ở bất cứ toà soạn nào, giữa phóng viên và người biên tập, chọn ảnh cũng có “mối thù truyền kiếp”, xảy ra nhiều “va chạm” nghề nghiệp về vấn đề hình ảnh”. Còn Nhà báo Lê Tây Hồ, Báo Kiên Giang, thì tiếp thêm: “Có những ảnh mà phóng viên gởi, người chọn ảnh nói không đạt, nhưng không nói rõ lý do vì sao là không đạt, thế nên phóng viên đôi lúc rất ấm ức”.
Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh, người từng có hơn 10 năm làm Trưởng ban Biên tập ảnh Báo Tuổi Trẻ, chia sẻ: “Chuyện này là chuyện thường ngày của báo chí. Tất nhiên, cái đầu tiên là phóng viên tự xem lại về khả năng, kỹ năng của bản thân. Tiếp đó là đến vấn đề của người biên tập ảnh, chọn ảnh. Nếu phóng viên chụp kém, chụp không đạt thì phải thực hiện lại. Riêng người chọn ảnh, biên tập ảnh cũng phải căn cứ trên những khung tiêu chí rõ ràng, không thể chỉ dựa vào cảm tính hoặc kinh nghiệm bản thân mà áp đặt. Khi chọn hay không chọn cũng phải đủ lý luận, sức thuyết phục để trao đổi với phóng viên. Và nói gì thì nói, câu chuyện này cũng không có hồi kết ở bất cứ toà soạn nào”.
Với Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh, ảnh báo chí phải hội đủ các yếu tố: chân thật, có sức sống và đẹp (bố cục, kỹ thuật). Trong đó, sự chân thật và sức sống của ảnh báo chí được coi là yếu tố hết sức quan trọng. Với sự nở rộ của các phần mềm chỉnh sửa ảnh hiện nay, ảnh báo chí đôi khi bị can thiệp thái quá, thô bạo, mất đi tính chân thật. “Ảnh báo chí, nếu sử dụng phần mềm chỉnh sửa, chỉ đơn giản là thao tác nâng sáng và cắt cúp bố cục, ngoài ra mọi sự can thiệp đều không còn là ảnh báo chí. Phóng viên có thể đạo diễn nhưng không được dàn dựng, để đảm bảo tính chân thật, sống động, tự nhiên của ảnh báo chí”, Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh chia sẻ thêm.
Bàn về ảnh báo chí sử dụng trong các tin, bài lễ tân, hội nghị, nhiều người làm nghề luôn gặp khó khi thể hiện. Mô típ chủ yếu là chụp toàn cảnh, chân dung hoặc là phần khen thưởng. Sự lặp lại cách thể hiện này khiến cho các tin, bài dạng này kém hẳn sức hút. Theo Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh thì: “Cái này là cái tưởng đơn giản nhưng rất khó. Anh em làm nghề dễ rơi vào tình trạng chụp toàn cảnh, quá rộng; hoặc là bố cục dàn hàng ngang, xơ cứng, kém sinh động. Ðể tìm cách thể hiện mới, phóng viên nên thử lựa chọn khoảnh khắc sinh động hơn, như trao đổi, thảo luận bên lề, hoặc là những góc ảnh cận, có chuyển động, có cảm xúc của nhân vật tại các hội nghị, sự kiện. Ðây cũng là xu thế của báo chí hiện đại”.
Về chùm ảnh, phóng sự ảnh, Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh kể lại một câu chuyện vui về nghề nghiệp mà bản thân trải qua: “Có lần, phân công phóng viên thực hiện phóng sự ảnh về ca ghép tạng cho trẻ em ở một bệnh viện lớn. Nhận nhiệm vụ, phóng viên rất chăm chút thực hiện tác phẩm. Thế rồi khi nộp về toà soạn, tôi bảo bạn ấy: “Em đem phóng sự này gởi tặng ngay cho bệnh viện, bởi đây là tư liệu y học rất quý, còn sử dụng đăng báo thì không được”.
Tác phẩm mà Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh đề cập rất đẹp về mặt bố cục, kỹ thuật, rất chi tiết về quy trình ghép tạng, nhưng không phải là câu chuyện mà ảnh báo chí hướng tới. Ảnh bộ báo chí là câu chuyện hoàn chỉnh, do đó, phải kể câu chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh một cách toàn diện, bao quát, nêu bật được thông điệp, ý nghĩa của tác phẩm. Riêng với trường hợp được nhắc đến, ngoài quy trình ghép tạng, còn là câu chuyện lo lắng của người thân, sự chuẩn bị của đội ngũ bác sĩ thực hiện kíp mổ, sự vỡ oà mừng vui của người thân khi ca ghép tạng thành công, sau đó là sự hồi sinh, sức sống của nhân vật vừa trải qua lằn ranh sinh tử... Mở rộng ra, bất cứ ảnh bộ báo chí nào cũng cần phải được mở rộng cả biên độ không - thời gian - nhân vật, đa dạng về bố cục, kỹ thuật, tất cả là để chạm vào cảm xúc thật sự của độc giả, đi đến trọn vẹn câu chuyện đang kể.
Phóng viên Báo Cà Mau tác nghiệp. Ảnh: NHẬT MINH
Và một nhược điểm mà chúng tôi, những người làm báo thường mắc phải được bậc đàn anh nghề nghiệp nhắc tới, đó là sự hời hợt, không theo đến cùng tận đối tượng, nhân vật khi tác nghiệp ảnh báo chí. Nghề báo là nghề sáng tạo, nếu không có nhiệt huyết, không có cái mới mà cứ rập khuôn thì chẳng khác nào hàng mỹ nghệ công nghiệp. Ảnh báo chí cũng thế, nếu người làm báo không đủ dấn thân, đam mê, sự trọng thị thì sẽ rất khó tiến bộ. Tự dưng, tôi nhớ lại chuyện dở khóc, dở cười của mình. Theo quy định toà soạn, bài phải kèm theo ít nhất 5 ảnh, ở nhiều góc độ. Có lần, tôi gởi 5 ảnh chụp “la phan”, tất nhiên, ảnh không đạt. Còn nói theo cách của Nhà báo, NSNA Nguyễn Hoài Linh thì: “Gởi một ngàn cái ảnh như thế cũng chẳng có tác dụng gì”. Càng làm nghề lâu, tôi càng áy náy và nỗ lực để cải thiện kỹ năng chụp ảnh của bản thân, nhưng... vẫn cứ chưa thoát khỏi sức ì.
Với nghề nghiệp nào cũng thế, học hỏi là công việc không ngừng nghỉ. Những vỡ vạc về ảnh báo chí cả lý luận và thực tiễn mà tôi và đồng nghiệp thâu lượm được qua một lớp tập huấn là hết sức quý giá, giúp chúng tôi vững vàng hơn, bừng cháy hơn ngọn lửa đam mê nghề báo, tiếp tục cho chặng đường phía trước. Tất nhiên, giữa hiểu biết và kết quả thực tế vẫn là một quá trình, một câu chuyện khác...
Phạm Quốc Rin