ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-10-24 23:53:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bắt cá mùa nước rọt

Báo Cà Mau Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Nhưng không có vuông thì có sông, con sông sau nhà tôi dài lắm, tôm cá cũng khá nhiều. Ban ngày câu cá đối, giăng lưới, đặt lờ bắt cá phi, buổi tối chỉ cần cây đèn pin và cây chĩa, bỏ công đi dọc theo bờ sông khoảng hơn giờ là có đủ cá, tôm, cua, ăn cả ngày không hết. Mấy bữa trước, thằng cháu tôi đi một chút đã đem về hơn ký cá, nào cá lóc, cá phi, cá bống cát..., lại còn có 2 con cua khá to và vài con tôm đất. Nhìn đống cua, tôm, cá nó đổ từ trong xô ra lẫn lộn bùn đất, tôi lại nhớ cũng những ngày cuối năm như vầy, sáng sớm nào ba tôi cũng đi thăm hầm, xách về cả giỏ cá lóc, cá rô, con nào con nấy mập tròn, dính đầy bùn đất, đen trùi trũi...

MH: Minh Tấn

Hồi ấy, con sông sau nhà tôi bây giờ tuy nhỏ nhưng nhờ có độ sâu và nằm phía trong 2 con đập nên nước ngọt tới ra Giêng. Ðây là điều kiện lý tưởng để tôm, cá chạy mặn dồn về tìm ao, đìa trú ngụ qua mùa nắng hạn. Lúc đó, xóm tôi nhà nào cũng đào vài ba cái đìa cặp ven sông để bắt cá. Mùa nước rọt cá từ sông dồn về những con mương nhỏ rồi vào ao, đìa. Lúc này, những cái ao sâu trong vườn, đìa xa trên ruộng thường là nơi cá chạy vào nhiều nhất, vì những nơi này nước gần như ngọt quanh năm. Nhưng chờ đến lúc tát ao, tát đìa thì lâu lắm, bắt cá mùa này nhanh nhất là làm hầm. Vậy là những người đàn ông trong xóm tôi lại rủ nhau làm hầm để đón bắt những con cá tìm đường vào ao, đìa trốn mặn, trốn hạn.

Làm hầm bắt cá mùa nước rọt, kể cả mùa hạn rất dễ, chỉ cần đào đất thành một cái hố rộng rồi đặt một cái khạp nhỏ bằng sành xuống dưới, miệng khạp ngập sâu khỏi mặt đất khoảng hơn gang tay để cá không nhảy ra được là xong. Cá men theo con đường vào ao, đìa sẽ rớt vào trong khạp, chủ hầm chỉ cần tới bắt bỏ vào giỏ mà thôi. Thế nhưng, không phải ai làm hầm đều bắt được cá, có người cả mùa nước rọt cho tới khi đồng ruộng khô hạn không bắt được con cá nào, có người thì mỗi buổi sáng mang về cả giỏ cá.

Cái độc đáo của “nghề” làm hầm này là phải đoán được hướng đi của cá, và phải xem địa thế của từng cái ao, cái đìa. Ao, đìa nào “êm” cá mới thích vào trú ngụ, chớ không phải có ao, có đìa là cá sẽ vào. Bởi thế, có những con mương cá lội đặc lừ, ban đêm táp bôm bốp mà những miệng đìa 2 bên mương không có lấy nổi chục ký cá. Cũng có trường hợp mấy cái đìa nằm cạnh nhau nhưng chỉ 1 cái có cá, còn những cái khác cá lại không vào. Mấy lão nông thường bảo, đào đìa phải coi địa thế, làm hầm bắt cá cũng phải biết chọn đúng đường cá đi. Có khi cái đìa phía ngoài mà cá không vào, lại lóc ngoằn ngoèo qua những bụi cỏ, gốc lức để vào cái đìa phía bên trong. Có trường hợp làm hầm chặn cả 2 đầu đìa nhưng cá lại lóc từ bên hông vào đìa... Trường hợp này lại rơi đúng vào ba tôi.

Ðất nhà tôi nằm cặp miếng đất của người chú họ. Ba tôi đào cái đìa cặp ranh đất, qua 2 mùa nước rọt, mùa nào đìa của ba tôi cũng trúng, thấy vậy chú cũng đào 1 miệng đìa cặp sát phía ngoài đìa của ba tôi, lại nằm gần đường kênh hơn, nhìn thì thấy đìa chú có lợi thế hơn, nhưng năm nào đìa chú cũng ít cá hơn. Chú làm hầm thì đa phần là hầm trống, còn ba tôi do sức khoẻ kém nên đào hầm thì cạn hơn mọi người, lại chọn những cái ao, cái đìa gần nhà để đặt hầm, thế mà lúc nào những cái hầm của ba tôi cũng luôn có cá rơi vào.

Tôi nhớ, một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, điều kiện kinh tế khó khăn, những cái đập ngăn nước mặn tạm bợ dù chính quyền vận động dân trong ấp cố gắng tu bổ nhưng vẫn bị vỡ, nước mặn tràn vào sớm hơn dự định nên lúa vừa mới trổ đã bị thất trắng, nhưng cá chạy mặn lại dồn về con kênh sau nhà tôi nhiều vô số kể. Ba tôi chọn mấy chỗ để đào hầm bắt cá. Sáng nào ba tôi cũng xách về một giỏ cá, nhiều nhất là cá lóc, cá rô. Má tôi chọn những con cá to, còn khoẻ rửa sạch rồi mang ra chợ Cà Mau bán, số còn lại ăn không hết thì làm khô định để Tết ba tôi có mồi lai rai. Tính thì tính vậy, nhưng nước mặn tràn về nhanh quá, cá chạy mặn ngày càng nhiều, ba tôi phải đi thăm hầm ngày 2, 3 giác nên cũng kiếm được rất nhiều cá. Năm đó má bán được bộn tiền, lại còn làm khô, làm mắm để ăn qua tới mùa cấy mới hết.

Bây giờ thỉnh thoảng ông em tôi (đang ở nhà của ba má tôi ngày xưa) cũng làm hầm đón cá mùa nước rọt, nhưng cá lóc dưới sông đã ít, lại kỹ thuật làm hầm kém nên lâu lâu mới bắt được 1 con. Hôm qua nó xách con cá dính đầy bùn đất qua cho tôi, em nói: "Làm hầm cả chục ngày nay mới bắt được có 1 con cá, nhìn nó em nhớ ba quá!".

Tôi nhìn con cá, nhìn ông em (Tết này cũng tròn 60 tuổi) mà nhớ về ngày xưa với những kỷ niệm đong đầy...

 

Huyền Linh

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...