ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 7-12-24 04:09:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Báo Cà Mau Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy vẫn còn giữ nguyên đạo lý tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" thông qua việc thờ cúng tổ tiên để con cháu về tụ họp cầu mong năm mới may mắn, hanh thông, nhưng không khí vui xuân không còn như Tết xưa nữa.

Tôi nhớ như in bọn trẻ con trạc tuổi tôi ngày xưa rất háo hức đón đợi đến Tết, vì một năm chỉ có 2 dịp được may đồ mới, là lúc chuẩn bị năm học mới và dịp Tết. Tầm 28 Tết là bọn trẻ chúng tôi lại trông chờ đồ mới như trông mẹ đi chợ về. Nhà nào khấm khá lắm thì trẻ con mới được 3 bộ đồ mới mặc trong 3 ngày Tết. Thời đó làm gì có nhiều quần áo được bày biện bán tràn lan như bây giờ, chỉ có hộ may gia đình nhưng cũng không nhiều, một xã chỉ có vài thợ may. Khổ nỗi, nhà nào cũng đợi đến Tết mới may đồ mới cho con, thợ may không kịp nên thành ra có những đứa 30 Tết vẫn chưa được bộ đồ mới. Khóc ròng! Có đứa sáng mùng 1 chạy sang nhà chị may đồ lấy đồ rồi mặc đi chơi luôn không cần phải giặt.

Trẻ con thời đó làm gì biết máy tính bảng, điện thoại thông minh để lướt Internet. Cứ hẹn nhau tụm 5 tụm 3 đi bộ đến nhà bạn này, sang nhà bạn khác chỉ để chơi những trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, nhảy dây, bún dây thun đến tối mịt rồi về. Mùng 2, mùng 3 vẫn tiếp tục cuộc rong chơi không mệt mỏi. Thời đó cũng chưa có nhiều xe đạp như bây giờ, cách di chuyển duy nhất là... cuốc bộ. Mỗi ngày đi chơi lội bộ hàng chục cây số, được ông bà lì xì cho vài ngàn đồng để dằn túi, chơi mệt lả thì ghé vào quán của chị hàng nước mua tạm ly hột é mủ gòn đậu phộng, pha vào thêm miếng dầu chuối rồi tụm nhau uống hoặc bỏ vào bọc, cột lại mang đi (chứ làm gì có ly mang đi như bây giờ). Mùi hương của ống dầu chuối đến giờ nhắc lại còn thoang thoảng nơi đầu mũi.

Tết có lẽ vui nhất là đêm 30, bọn trẻ chúng tôi dù ngủ gà ngủ gật nhưng vẫn đợi đến Giao thừa để chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Vui nhất là lúc đốt pháo, mà hồi đó không phải nhà nào cũng có tiền mua pháo đốt, chỉ có nhà khá giả lắm mới trang bị pháo nên bọn con nít chúng tôi hẹn nhau xem nhà nào đốt pháo, đến đó xem rồi đợi cho pháo cháy hết để đi lượm những viên pháo chưa kịp nổ mang về đốt chơi. Một viên pháo, 5-7 đứa tụ lại, châm lửa đốt rồi chạy ra xa, bịt tai, nghe tiếng pháo nổ vang rồi chạy tán loạn. Qua đêm 30, nhà nào cũng nhuộm hồng xác pháo như tô thêm sắc thắm cho mùa xuân.

Ðó là Tết của bọn trẻ con chúng tôi, còn với người lớn thì sáng 29 Tết đã thấy đông đủ cô dì, chú bác tập trung về nhà Tổ. Phụ nữ thì lo gói bánh, còn chú bác lo lau dọn bàn thờ, trang hoàng lại những ngôi mộ, phát quang bụi rậm để chuẩn bị cho ngày 30 đón rước ông bà về cùng với con cháu đón mùa xuân mới.

Ngày xưa là vậy, không có bánh làm sẵn như bây giờ, muốn làm bánh là phải ngâm gạo, nếp, rồi xay thành bột..., làm mứt thì phải chuẩn bị sẵn vật liệu cần thiết, rồi làm mấy ngày trời mới xong phần bánh mứt để dùng trong 3 ngày Tết và để đãi khách.

Ngày nay bánh mứt được làm sẵn, chỉ cần mua về ăn Tết.

Ngày trước, dù cái ăn, cái mặc còn nhiều thiếu thốn nhưng có vẻ người ta vẫn chăm chút cho Tết. Ðiều đó hiện rõ qua những mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên, ba tôi hay nhắc mẹ và các anh chị mỗi khi nấu mâm cơm rước ông bà “đâu phải ra đấy”, có như vậy thì ông bà mới hài lòng khi được con cháu “mời” về ăn Tết.

Tết bây giờ có gì đáng nói, nhà nào có tiền thì có Tết. Âm hưởng về những phong tục truyền thống, hương vị Tết cổ truyền đã phai đi rất nhiều. Chuyện sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết không còn được như xưa. Có người thốt lên rằng: “Mình ăn Tết hay Tết ăn mình!”. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá với những tác động vào nếp nghĩ, lối sống làm cho con người ta dần quên đi những cái mộc mạc xưa cũ. Cuộc sống hối hả theo nhịp điệu của cuộc sống thời hiện đại. Hệ thống siêu thị ăm ắp các mặt hàng giúp các bà nội trợ dễ dàng chọn lựa mua sắm Tết. Chỉ cần có tiền, các chị em có thể “mang Tết về nhà”. Không như xưa, đến Tết mới được ăn thịt kho tàu với dưa muối trộn đường. Không như giờ trên những bàn ăn ngày Tết đầy ắp những món Tây và nhạt dần những món ăn truyền thống.

Ngày xưa chỉ cần một cây mai trước nhà rực hoa cũng báo hiệu Tết đến, xuân về. Ngày nay, sự phân hoá giàu nghèo thể hiện rõ trong cách chơi kiểng của những người có tiền. Trong thế giới phẳng hiện nay, phong tục chúc Tết qua điện thoại đã trở thành xu hướng, có người bật cả chức năng gửi tin nhắn hàng loạt cho tất cả những người nằm trong danh bạ với những lời chúc được copy trên những trang mạng xã hội không chứa đựng tình cảm, chân thật. Ý nghĩa của việc lì xì mừng tuổi cũng bị chi phối của mệnh giá kim ngân hiện nay.

Tết cổ truyền là ngày đoàn tụ gia đình, nơi chia sẻ yêu thương của những người thân trong gia đình sau một năm dài gặp lại, là nơi ghi nhớ nguồn cội. Niềm vui trọn vẹn của những ngày đầu năm mới sẽ theo ta đi suốt 12 tháng trong năm. Dù cuộc sống còn muôn vàn vất vả nhưng những kỷ niệm vui về những ngày Tết sẽ phần nào giúp chúng ta giảm bớt được những áp lực trong cuộc sống, mà hiện thực ai ai cũng cần điều đó...

 

Kim Cương

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...