Công đoạn làm bánh tét ăn Tết ở quê. Ảnh: Internet
Hằng năm, cứ độ khoảng ngày 10 tháng Chạp là mẹ tôi lặt lá mấy cây trước sân nhà. Mẹ bảo: “Muốn mai nở đúng vào mấy ngày Tết thì phải lặt lá và thời gian lặt lá là từ ngày 10-15 tháng Chạp. Sau khi lặt lá thì dừng tưới nước cây mai một vài ngày…”.
Thấy mẹ tôi lặt lá mai, mấy đứa cháu cũng tham gia, nhưng chỉ lặt được một lúc thì thằng Tí phàn nàn: “Tết chi cho cực vậy, nào là lặt lá mai rồi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa… Tất bật cả tuần lễ, song qua ngày mùng 1 tháng Giêng thì coi như… hết Tết”.
Nghe thằng cháu đích tôn than, mẹ tôi dịu dàng: “Tụi con bây giờ, ngày nào cũng ăn ngon, mặc đẹp; đứa ở quê, đứa thành thị muốn gặp nhau thì chỉ cần mở điện thoại… nên thấy Tết không có gì đặc biệt. Còn thời của bà, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên ngày Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp, người thân mới có dịp gặp nhau, nên công việc chuẩn bị đón Tết tuy hơi cực nhưng ai cũng nghe lòng xốn xang”.
Tạm ngưng công việc lặt lá mai, bà cháu ngồi quây quần dưới cội mai già, mẹ tôi chậm rãi: “Một năm có 4 mùa, mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, thời điểm bắt đầu cho sự sống sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc báo hiệu cho một sự khởi đầu mới tốt đẹp với nhiều khát vọng. Cho nên, người xưa đã chọn mùa xuân làm thời gian chuyển tiếp giữa cũ và mới, ngày đầu của tiết xuân gọi là tiết Nguyên đán (“nguyên” là sự khởi đầu, “đán” là buổi sáng sớm) và đọc theo âm Hán - Việt là Tết Nguyên đán. Đây là Tết cổ truyền dân tộc, là dịp để mọi gia đình đoàn viên, để bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc thánh thần, tạ ơn tổ tiên; mọi người được nghỉ ngơi, trút bỏ những điều không may năm đã qua, kỳ vọng một năm mới an lành…”.
Rồi mẹ kể cho các cháu nghe về Tết quê ngày trước, trong sự hoài niệm của chính mình: Bước vào tháng Chạp, thời tiết se lạnh thì làng trên xóm dưới, ai nấy tranh thủ lúc nông nhàn để chuẩn bị các thứ cần thiết cho ngày Tết, không khí xuân theo đó lan toả khắp nơi. Bởi ngày ấy, mọi thứ trong nhà từ đồ ăn, thức uống cho đến các vật dụng trang hoàng nhà cửa… đều do người dân tự làm lấy, ngay cả chuyện quần áo mới cho bọn trẻ cũng được may bởi người thợ trong xóm. Không như bây giờ, thứ gì cũng có sẵn trong chợ.
Độ khoảng Rằm tháng Chạp là đám thanh niên bắt đầu tập trung vần công tát đìa bắt cá đồng. Vì ngày đó không có máy bơm nước nên phải đắp đập, tát nước bằng cách múc tay hoặc bằng gàu sòng và phải thay nhau tát nước nhiều giờ liên tục thì đìa mới trơ đáy dần. Bắt cá xong thì chọn những con khoẻ mạnh rọng để ăn trong mấy ngày Tết, phần còn lại xẻ phơi khô.
Ngày 23 tháng Chạp, trời còn lờ mờ thì những người nội trợ đã nấu xong nồi chè trôi nước, rồi chuẩn bị sẵn nhang, đèn, nước trà… cúng tiễn Ông Táo về trời. Lễ vật đơn sơ nhưng chất chứa thành tâm, cầu xin Ông Táo báo cáo tốt về gia chủ với Ngọc Hoàng, mong năm mới gia đình được thuận lợi làm ăn. Sau lễ cúng tiễn Ông Táo, mọi hoạt động chuẩn bị Tết, nhà nhà bắt đầu tất bật giặt giũ mùng mền, làm cỏ trong sân vườn, xung quanh nhà, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa…
Ngày 25 tháng Chạp, sau khi cúng tiễn ông bà về trời, cả nhà cùng ăn bữa cơm tất niên, tiện thể phân chia công việc chuẩn bị đón Tết. Đàn ông, thanh niên thì nhận trách nhiệm quét mạng nhện, lau chùi lư đồng, nhà cửa, tảo mộ ông bà. Cánh nội trợ, thiếu nữ thì lo phần bánh mứt, người khéo tay thì lo cắt giấy màu tạo hình kết nối thành dây treo trang trí không gian phòng khách; còn bọn trẻ lấy dầu lửa luân phiên "kỳ hòm" cho nhau. Rộn ràng nhất là quết bánh phồng (thường làm theo kiểu vần công), ngày ấy ở quê chủ yếu là quết bằng cối và dùng chày để giã khi bột vừa hấp xong còn nóng, nên tờ mờ sáng đã nghe tiếng chày khua bồm bộp hoà cùng tiếng nói cười ấm tình làng xóm.
Khéo léo cắt giấy màu thủ công để tạo dây treo trang trí trong nhà. Ảnh: Internet
Thuở ấy, một số làng quê còn giữ tục dựng nêu ngày Tết. Trưa ngày 30 tháng Chạp, thanh niên trong xóm rủ nhau đi chọn tre, chặt mang về nhà rồi gọt hết cành, lá (chỉ chừa phần ngọn), thân cây tre được treo thêm hành, tỏi và một ít trầu, cau. Theo quan niệm dân gian, hành, tỏi sẽ xua đuổi ma quỷ tà khí, còn trầu, cau là thể hiển sự hiếu kính của con cháu đối với các bậc tiền hiền.
Chiều 30 tháng Chạp, mọi việc chuẩn bị đã xong, tất cả tập trung dọn bày mâm cỗ đón rước ông bà, nhà nào dù nghèo đến đâu thì cũng phải chuẩn bị mâm cơm tươm tất, không thể thiếu món thịt kho tàu và canh khổ qua. Sau bữa cơm đoàn viên, già, trẻ trong nhà quây quần trò chuyện bên bếp lửa ngoài sân nhà để canh nồi bánh tét và đón giao thừa.
Sáng mùng 1, bọn trẻ quần áo mới tinh, xếp hàng chúc Tết ông bà, cha mẹ và đón nhận những bao lì xì đỏ chót; thanh niên, thiếu nữ lập nhóm đi từng nhà trong xóm chúc Tết. Cứ thế kéo dài cho đến mùng 3 Tết. Song, Tết quê ngày trước đâu chỉ có 3 ngày mà được kéo dài ít nhất 7 ngày và hương xuân tiếp tục vấn vương cho đến ngày Rằm tháng Giêng. Sau đó, mọi người mới chính thức bắt đầu công việc trong năm mới với tràn đầy niềm tin, hy vọng được đấm ấm, sung túc.
“Tết xưa thật dung dị nhưng không kém phần rộn rã và không khí ngày xuân ấm áp, chan hoà quá phải không các cháu”, mẹ tôi cười với các cháu của mình đang lắng nghe câu chuyện về cái Tết quê ngày trước./.
Mỹ Pha