LTS: Cà Mau – địa đầu cực Nam Tổ quốc là vùng đất mới được bồi đắp từ phù sa sông, biển. Khi đất đai tượng hình, “mắm trước, đước sau, tràm theo sát” và tiếp đó là hành trình “mang gươm mở cõi” của tiền nhân để hoàn chỉnh cơ đồ đất nước trên dải đất liền hình chữ S tới tận mũi đất Cà Mau.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, có một dòng phù sa khác đã bồi tụ, nuôi nấng, chắp cánh nên một vùng đất Cà Mau thành đồng cách mạng, đó là ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc. Những con người bình dị mà kiên trung, anh hùng ở xứ sở này gọi đó là phù sa đỏ. Hành trình của đôi dòng phù sa ấy đã tạo nên dáng dấp, thế đứng và truyền thống cách mạng hào hùng của đất và người Cà Mau.
Năm 1931, một năm sau ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phan Ngọc Hiển, một thanh niên trí thức, nặng lòng yêu nước, được giác ngộ lý tưởng cách mạng đã đặt chân đến vùng đất Tân Ân – Rạch Gốc (nay là xã đảo Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), trong vai trò một thầy giáo. Thực dân Pháp tưởng rằng tại xứ sở hoang vu, hẻo lánh, tinh thần cách mạng của giáo Hiển sẽ bị thui chột, triệt tiêu. Nhưng không, lịch sử đã lựa chọn người anh hùng Phan Ngọc Hiển cho buổi đầu mang dòng phù sa đỏ để ươm mầm, gieo những hạt giống cách mạng ở xứ rừng, biển chót Mũi Cà Mau.
Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đêm ngày 13/12/1940 dưới sự lãnh đạo của người cộng sản Phan Ngọc Hiển là trận đánh mở đầu, thắng lợi mở đầu, xoá tan đêm dài nô lệ tăm tối, chiếu ánh bình minh rực rỡ ở vùng đất cuối trời Nam. “Đoàn quân khởi nghĩa toàn thắng từ Hòn Khoai trở về, bà con vùng Tân Ân – Rạch Gốc đổ dồn về phía cửa biển vui mừng náo nức. Màu cờ đỏ của Đảng chấp chới bay trong buổi sáng năm ấy”, ông Nguyễn Công Trực, lão thành cách mạng của vùng Tân Ân – Rạch Gốc bồi hồi xúc động.
Ông Tiết Hùng Sĩ, cán bộ lão thành cách mạng của vùng Tân Ân - Rạch Gốc tự hào: “Quê hương Tân Ân – Rạch Gốc có một tài sản quý giá hơn mọi thứ, đó là tấm lòng trọn vẹn với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng”. Truyền thống cách mạng là thứ phù sa đỏ, bồi lắng xuyên suốt, bất tận để trở thành máu trong huyết quản, thành lẽ sống, niềm tin và truyền đời nối tiếp cho các thế hệ con người nơi đây. Trong câu chuyện, những lão thành cách mạng vùng Tân Ân – Rạch Gốc nhắc tới bài vọng cổ “Quê anh, Quê em” của cố Soạn giả Trọng Nguyễn để minh chứng về niềm tự hào lớn lao với quê hương mình.
“Kể tiếp đi anh, chuyện đánh tàu bằng ghe biển, của quê anh, vùng sông nước em yêu.../ Cất nước từng lon, đói ăn trái mắm mà chẳng một ai chịu lìa bỏ nơi nầy” - Lời bài vọng cổ Quê anh, quê em của cố Soạn giả Trọng Nguyễn.
Trước pháp trường kẻ thù, lời nhắn gởi của người anh hùng Phan Ngọc Hiển và đồng chí của mình đã trở thành lời thề sông núi, sự thật tất yếu mà lịch sử và thời đại chứng minh: “Nhất định nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập”.
Bình minh nối tiếp bình minh trên vùng đất Tân Ân – Rạch Gốc băng băng trên đà phát triển, đổi thay.
Câu chuyện của hôm nay, khát vọng tương lai vùng Tân Ân – Rạch Gốc, diệu kỳ thay đã được khởi phát từ ngọn nguồn sâu thẳm của các thế hệ tiền nhân. Trên vùng đất này, đã sản sinh ra những người con ưu tú, vạch trùng khơi, mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển vì mục tiêu đánh đuổi giặc thù, thống nhất đất nước, cho độc lập, tự do và hạnh phúc của muôn đời sau. Đó là Anh hùng LLVTND Bông Văn Dĩa, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Cứng mà tên tuổi đã trở thành bất tử. Nơi đây là kho tàng, là bến bãi, là “Bến cảng giữa lòng dân”, nơi đứng chân của Đoàn 962 huyền thoại, anh hùng.
“Rạch Gốc – Tân Ân là quê hương của sông, của biển, của rừng, của truyền thống cách mạng thuỷ chung, son sắt, cũng là nơi máu xương cha ông đổ xuống cho khát vọng độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc. Xây dựng quê hương phồn thịnh, giàu đẹp là trách nhiệm, bổn phận, cũng là ý chí của toàn hệ thống chính trị, của Nhân dân nơi đây, xứng đáng với kỳ vọng của những thế hệ tiền bối cách mạng đi trước” – Ông Trần Văn Út, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Rạch Gốc.
Trong mọi công việc của địa phương, lãnh đạo xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc đều tìm đến các cán bộ lão thành cách mạng để tham khảo ý kiến, ghi nhận những đề đạt, tâm huyết và sự chỉ dẫn của người đi trước, trở thành một truyền thống đẹp khác của vùng đất này. Đó là sự hoà quyện, gắn kết và tiếp nối xuyên suốt của một ý chí, một khát vọng, một mục tiêu dựng xây, phát triển quê hương trong mọi hoàn cảnh. Nói như lời của ông Trần Văn Út: “Sự đồng hành, đóng góp, ủng hộ về trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín của những cán bộ lão thành cách mạng là chỗ dựa, là nền tảng, nguồn lực hết sức quý giá với địa phương. Có những người đi trước chỉ dẫn, con đường phát triển của địa phương thêm sáng, thêm đúng, thêm mau lẹ”.
Ông Trần Văn Út, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Rạch Gốc thông tin thêm: “Thị trấn Rạch Gốc đang dồn sức xây dựng đạt chuẩn đô thị văn minh với sự chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện. Với thế mạnh là khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản, kinh tế biển sẽ là những lĩnh vực tạo đột phá cho diện mạo của địa phương. Bên cạnh đó, Rạch Gốc đang tập trung hướng phát triển về du lịch; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến thuỷ hải sản”. Đây không chỉ là quyết tâm lớn của địa phương, mà cũng là những gởi gắm máu thịt của các cán bộ lão thành cách mạng.
Từ những trăn trở của thế hệ đi trước, ông Trần Văn Út nhận ra rằng: “Cần phải tính toán để dự án cảng nước sâu Hòn Khoai triển khai, hoàn thành, đưa vào khai thác. Sự phát triển của địa phương phải gắn với kết nối quy hoạch của cả vùng Năm Căn – Ngọc Hiển – Hòn Khoai”.
Cửa biển Rạch Gốc là một trong những cửa biển lớn, trọng yếu, giàu tiềm năng của tỉnh Cà Mau. Theo ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc: “Nếu gỡ khó được về hạ tầng cơ sở, nhất là việc khơi thông các điểm nghẽn về kết nối giao thông, Rạch Gốc sẽ có đầy đủ điều kiện trở thành một phố biển sầm uất, là cú hích lớn cho kinh tế - xã hội địa phương. Đây cũng là chìa khoá mở ra cơ hội bứt phá vươn lên của cả vùng Tân Ân – Rạch Gốc nói chung”.
Dòng phù sa của sông, của biển đã hoà với dòng phù sa đỏ của thời đại để vun bồi thành truyền thống cách mạng, thành sức mạnh nội lực, thành tựu đầy tự hào và tài sản quý giá cho hành trình đi tới của đất và người Tân Ân – Rạch Gốc. Để rồi mỗi năm, ngày 13/12, những lớp người hôm nay cùng lắng lòng mình, hoà làm một vào buổi bình minh lịch sử của hơn 80 năm trước, mà ánh sáng bất tử còn chiếu rọi rực rỡ mãi ở vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Sau sự kiện hợp nhất các tổ chức Đảng (3/2/1930), ở Cà Mau, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thị trấn Cà Mau (thành lập tháng 1/1930, do đồng chí Lâm Thành Mậu làm Bí thư) đã đổi tên là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong phong trào đấu tranh ở Cà Mau là ngày 1/5/1930, các đảng viên và đoàn viên đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm dán biểu ngữ, rải truyền đơn của Đảng kêu gọi đồng bào và thanh niên đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.
Cờ đỏ búa liềm dài 2m, ngang 1m, do các thanh niên yêu nước Lương Thế Trân, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Đức Cao mang đến treo, bên cạnh có ghi dòng chữ “Ngọc - Đức - Thế” (tên lót của 3 người) và khẩu hiệu “Diệt trừ Pháp tặc”. Đây là dấu son chói lọi, khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sau sự kiện treo cờ Đảng, phong trào đấu tranh chống thực dân phát triển mạnh mẽ ở Cà Mau, nhiều chi bộ Đảng lần lượt ra đời, củng cố về mặt tổ chức, lực lượng và đường lối kháng chiến để lãnh đạo phong trào cách mạng tại Cà Mau. Mặt trận Dân chủ ra đời và có mặt khắp mọi nơi, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh của Nhân dân. Điểm nhấn là thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đêm ngày 13/12/1940, tô thắm cờ Đảng bất diệt, cổ vũ Nhân dân tiến lên trên con đường giải phóng dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Lý Văn Lâm là địa bàn trọng điểm kháng chiến, địch cho xây nhiều hệ thống đồn bót, đánh phá ác liệt, hòng tiêu diệt căn cứ đầu não của ta tại đây. Năm 1946, Mặt trận Tân Hưng cũng ghi dấu quyết tâm ngăn chặn dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của Pháp; thể hiện ý chí, quyết tâm chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Lý Văn Lâm nói riêng, của tỉnh Cà Mau nói chung đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Đất và người Lý Văn Lâm anh dũng, anh hùng, kiên trì xây dựng lực lượng đánh địch đến hơi thở cuối cùng, nhất định bám trụ xóm làng, giữ vững vùng giải phóng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Lý Văn Lâm luôn tỏ rõ lòng trung thành. Mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp hết sức dã man, hàng trăm gia đình có người bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn nhưng họ vẫn không hề nao núng, sợ hãi trước kẻ thù. Nhiều hầm bí mật tiếp tục được đào để nuôi chứa cán bộ, các cơ quan đóng trên địa bàn xã luôn được giữ vững và an toàn.
Tự hào truyền thống cách mạng và vinh dự mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lý Văn Lâm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lý Văn Lâm chung sức, đồng lòng trong tiến trình dựng xây, phát triển. Xã Lý Văn Lâm được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và được công nhân xã NTM nâng cao năm 2021.
Được xem là vành đai xanh của TP Cà Mau, với 6/8 ấp tập trung sản xuất nông nghiệp, kinh tế - xã hội của xã Lý Văn Lâm có bước phát triển bền vững, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm trên 90%; thu nhập bình quân trên đầu người trên 60 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 0,1%.
Xã Lý Văn Lâm còn là điểm sáng trong hình trình xây dựng thương hiệu nông sản. Nhắc đến vùng ven đô này, mọi người nghĩ ngay đến dưa hấu VietGAP, lúa VietGAP, lúa hữu cơ, gạo sạch Ông Muộn (sản phẩm OCOP 3 sao)... Các mô hình sản xuất này đều thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đảng bộ, chính quyền xã Lý Văn Lâm đồng thời là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng “Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước” và “Trách nhiệm của công chức đối với Nhân dân: Đón tiếp niềm nở; hướng dẫn tận tình; giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định”.
Xuyên suốt hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng bộ và Nhân dân Tân Thành hết sức tự hào là một trong ba địa phương có chi bộ Đảng Cộng sản ra đời ngay từ năm 1930 (của cả tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) và gánh vác vẹn thành sứ mạng vẻ vang mà lịch sử giao phó, viết nên những trang sử vàng son trên quê hương anh hùng…
“Nối tiếp truyền thống vẻ vang cha ông đi trước, thế hệ Chi bộ, Đảng bộ Tân Thành qua các thời kỳ tiếp tục lãnh chỉ đạo kiến tạo, xây dựng quê hương ngày càng mạnh giàu, phồn vinh…”, ông Trần Quang Thum, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành, phấn khởi chia sẻ.
Xã Tân Thành có vị trí địa lý rất quan trọng, án ngữ cửa ngõ Đông Bắc nội thị Cà Mau, cho nên suốt 2 thời kỳ kháng chiến nơi đây luôn là điểm nóng của cuộc chiến tranh. Nhất là trong thời kháng Mỹ, địch không ngừng tiến hành mọi âm mưu thủ đoạn chính trị, quân sự, kết hợp chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp để đàn áp phong trào cách mạng của Nhân dân hòng thực hiện mưu đồ tách Đảng khỏi dân.
Với sự ra đời của Chi bộ Đảng (tháng 10/1930) (do đồng chí Tăng Hồng Phúc làm Bí thư và 4 đồng chí đảng viên khác, gồm: Phan Khắc Nhượng (Út Nhượng), Huỳnh Đề Thám, Hồng Văn Chính (Hồng Lạc Bông)) như “ngọn đuốc” sáng soi đường, dẫn lối phong trào cách mạng ở địa phương thời ấy.
Song, Nhân dân Tân Thành vốn mang trong mình dòng máu quật cường của cha ông, kể từ khi có Đảng soi đường, trên mảnh đất này đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú làm rạng rỡ quê hương trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, ông Thơ bộc bạch.
Lớp lớp con người xã Tân Thành đã anh dũng xông lên chiến đấu vì tự do độc lập, hoà bình thống nhất của đất nước. Trong số những người con ưu tú đó có 186 đồng chí đã anh dũng ngã xuống và 67 đồng chí gởi lại chiến trường một phần máu thịt, thân thể của mình. Ngoài ra còn biết bao chiến công thầm lặng của những gia đình chí cốt cách mạng dám chấp nhận hy sinh đào hầm, khoét vách nuôi chứa cán bộ trong những lúc khó khăn ác liệt nhất và còn nhiều, thật nhiều sự hy sinh công sức cho kháng chiến không sao kể xiết.
Với những công lao to lớn đó trong 2 cuộc kháng chiến, Tân Thành rất vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", trong đợt ngày 6-11-1978 và 3 người được Nhà nước phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thành tích trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Đảng bộ xã Tân Thành được Quân uỷ miền Tây tặng danh hiệu “Lá cờ đầu chống phá ấp chiến lược ở miền Tây”, Quân khu tặng danh hiệu “Lá cờ đầu trong mùa thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” và những bài thơ, câu hát hình thành trong thời chiến để nhắc nhớ đời đời:
“Đường lên hạnh phúc chân trời rộng/ Nhờ Đảng quang vinh dẫn dắt đường” – “Ơn Đảng” – Cố soạn giả Trọng Nguyễn.
Khi quê hương sạch bóng quân thù, niềm vui, niềm tự hào dân tộc dâng lên trong lòng mọi người, là động lực thôi thúc để Đảng bộ và Nhân dân Tân Thành bước vào thời kỳ mới và tiên phong kiến tạo, xây dựng quê hương phát triển trên mọi lĩnh vực.
Ông Trần Ngọc Thơ, 75 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Cà Mau, một nhân chứng lịch sử giao thoa giữa thời chiến và thời bình kể rằng: “Trong thời chiến, Chi bộ Đảng, rồi đến Đảng bộ xã Tân Thành đã lãnh chỉ đạo cách mạng địa phương đi đến ngày toàn thắng. Chuyển sang những năm tháng thời bình, Đảng bộ xã Tân Thành tiếp tục là địa phương tiên phong thực hiện phong trào làm kinh tế: Kêu gọi hướng dẫn bà con trồng lúa nước, trồng trọt chăn nuôi từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, vươn lên xoá đói giảm nghèo”
Phát huy truyền thống cách mạng quê hương, Đảng bộ xã Tân Thành là một trong 2 địa phương của thành phố Cà Mau tiên phong về đích xã NTM, hiện nay địa phương đang tiếp tục hành trình chinh phục xã NTM nâng cao, xây dựng đời sống bà con xã Tân Thành giàu đẹp, hạnh phúc. Cựu chiến binh, Phan Văn Mạo, ấp Bình Định, phấn khởi chia sẻ: “Thời chiến, có Chi bộ đảng mở lối, chỉ đường, gia đình tôi với 8 thành viên (nay có 1 liệt sỹ, 1 thương binh 2/4) đều nguyện lòng theo cách mạng, đó cũng là tấm lòng sắt son của đất và người Tân Thành với Bác Hồ, với Đảng. Nhớ lại, tôi vừa mừng, vừa tự hào về lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương, trong đó có một phần công sức nhỏ của gia đình, góp sức dành lại độc lập tự do cho dân tộc. Và nay, chúng tôi nguyện chung sức, đồng lòng cho sự phát triển của địa phương”.
Truyền thống cách mạng là thứ tài sản quý giá, là hành trang đầy tự hào để những cán bộ, đảng viên thế hệ tiếp nối của Đảng bộ Tân Thành thêm ý thức về trách nhiệm mà tiền nhân trao gởi, vì một Tân Thành giàu đẹp.
Hải Nguyên – Loan Phương – Mộng Thường - Đồ hoạ: Lê Tuấn