Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đã thử nghiệm trồng thành công giống măng tây phù hợp với thổ nhưỡng phèn mặn. Ðây được đánh giá là cây trồng tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, là giống cây thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian từ khi cây con đem trồng đến khi thu hoạch khoảng 5-6 tháng.
Măng tây được trồng bằng hạt (chủ yếu là hạt lai F1), thời gian gieo trồng, chăm sóc cây con trong vườn ươm khoảng 2-3 tháng; sau khi cây cao được 25-30 cm, mỗi cây có từ 2-3 thân chính thì đem trồng ra ruộng. Sau 5 tháng trồng, nếu chăm sóc tốt, cây bắt đầu cho măng. Măng tây có thể trồng quanh năm, nếu chủ động được nguồn nước tưới và chủ động gieo ươm cây con đúng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, cần tránh trồng vào các thời điểm có lượng mưa quá lớn trong năm.
Măng tây cho thu hoạch hằng ngày.
Ðể cây măng tây sinh trưởng và phát triển mạnh, đất trồng phải tơi xốp và giàu dinh dưỡng; điều kiện chăm sóc chu đáo và đặc biệt cây phải lấy được 100% ánh nắng toàn phần.
Kỹ sư Nguyễn Việt Hoàng, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, chia sẻ: “Bà con nông dân nên chọn đất trồng là đất pha cát 50/50, loại đất này phù hợp với đặc tính sinh thái của măng tây nhất. Cũng có thể chọn các loại đất trồng khác như: đất đỏ bazan, đất phù sa, đất xám, đất thịt nhẹ, sau đó cải tạo thành đất tơi xốp, giàu hữu cơ. Tầng canh tác dày khoảng 0,6-1 m để bộ rễ phát triển tốt hơn; mực nước ngầm phải cách khoảng 1 m để tránh thối hỏng bộ rễ; độ ẩm đất luôn luôn giữ trong khoảng 60-70%, độ pH từ 6,8-7,2; thế đất không được dốc quá 10%, tránh trường hợp bị xói mòn”.
Với giá trị dinh dưỡng cao, măng tây bán được giá, cho thu nhập ổn định. Hiện giá bán măng tây từ 70-90 ngàn đồng/kg. Nếu chăm sóc tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, kiểm soát được sâu bệnh thì sau khi trồng 2 năm sẽ cho lợi nhuận cao.
Sau khi thu hoạch, măng tây sẽ được gói lại bằng giấy và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để giữ tươi lâu và đảm bảo chất dinh dưỡng.
“Ðể đảm bảo việc thu hoạch sản phẩm măng tây đều đặn hằng ngày với năng suất và chất lượng cao, người trồng cần phải thường xuyên tưới tiêu và cung cấp dinh dưỡng cho cây hợp lý. Thông thường, cứ 3 tháng tiến hành bón phân chuồng ủ hoai (20 tấn/ha) có bổ sung phân lân; 10-15 ngày/lần phải bón phân NPK và phân bón vi sinh bón lá như: Agrostim, Wehg... để kích thích cây sinh trưởng, trổ nhiều măng. Cần phải kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma để khử tuyến trùng giúp hạn chế các mầm bệnh gây hại cho cây. Với việc dùng phân hữu cơ sẽ giúp măng tây tăng khả năng phát triển, thúc đẩy quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng sản lượng, chất lượng, thời gian thu hoạch và tuổi thọ của măng. Chu kỳ thu hoạch măng ngắn hay dài tuỳ thuộc vào chế độ chăm sóc của người trồng, nó ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng của măng rất nhiều”, anh Hoàng chia sẻ.
Thử nghiệm trồng thành công, Trung tâm sẽ tiến hành ươm giống cây con để nhân rộng, phục vụ bà con có nhu cầu./.
Kim Cương