(CMO) Bên cạnh phát huy các mô hình chăn nuôi quen thuộc như gia cầm, nuôi cá rô, cá lóc, cá bổi, thời gian gần đây nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi mới, mở ra hướng đi đầy triển vọng trong sản xuất của nhà nông.
Như hộ anh Trương Anh Ngoan (ấp Kinh Tám, xã Khánh Bình Tây) với mô hình nuôi bò. Gia đình có 8 công đất ruộng, làm cũng dư dả chút đỉnh, cộng thêm nuôi heo thịt, gà, vịt, với nghề làm thợ hồ, cuộc sống của anh Ngoan khá ổn định. Thế nhưng, với mong muốn phát triển kinh tế vững vàng, làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Ngoan luôn tìm tòi các mô hình mới phù hợp với sức lao động, kinh tế của bản thân. Sau lần tham quan mô hình chăn nuôi bò của một hộ dân trong vùng, ngẫm nghĩ mô hình này có thể áp dụng được, anh Ngoan quyết định đầu tư 80 triệu đồng, mua 2 con bò nái giống Pháp kem đang chuẩn bị sinh sản và làm chuồng trại kiên cố.
Với diện tích trồng lúa khá nhiều, một năm gia đình anh Ngoan thu được khoảng 200 cuộn rơm. Ðể chủ động trong việc cung cấp thức ăn cho đàn bò ngày càng nhân rộng, anh Ngoan tận dụng diện tích đất vườn, đất bờ bao trồng cỏ voi và mua máy cắt cỏ để thuận tiện cho việc chăm sóc đàn bò.
Mô hình nuôi bò mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi của nông dân xã Khánh Bình Tây. (Trong ảnh: Ðàn bò của anh Trương Anh Ngoan). |
Anh Ngoan cho biết: “Hiện trong chuồng có 8 con bò Pháp kem và 3B, trong đó có 2 con sinh sản, 3 con tơ và 3 bò con. Nuôi bò này, tốn là vốn mua con giống ban đầu, còn trong quá trình nuôi không tốn kém gì đáng kể vì chủ yếu lấy công làm lời. Thức ăn của bò là những thứ sẵn có xung quanh như rơm rạ, cỏ voi, cần thiết thì cho ăn dặm thêm thức ăn viên dành cho heo vào buổi chiều; đàn bò sinh sản thì mình tự có con giống, không cần đầu tư nữa”.
Theo anh Ngoan, bò nuôi từ hơn 3-4 năm đạt trọng lượng 300-400 kg, là lúc thích hợp để xuất bán, hiện giá thịt bò được thương lái thu mua từ 170.000-180.000 đồng/kg.
Cũng chọn chăn nuôi bò làm hướng đi mới trong sản xuất, ông Trần Văn Nhân (ấp Kinh Tám, xã Khánh Bình Tây) cho biết, trước đây gia đình ông chọn chăn nuôi heo, mô hình chăn nuôi quen thuộc của bà con vùng nông thôn để phát triển kinh tế phụ thêm bên cạnh trồng lúa. Nhưng sau cơn hoành hành của bệnh dịch tả heo châu Phi, vợ chồng ông Nhân ngậm ngùi bỏ nghề, bỏ chuồng. Thấy chuồng trại trống không lãng phí, ông Nhân bàn với vợ đầu tư vốn mua một con bò lai đang chuẩn bị sinh sản về nuôi.
Ông Nhân cho biết: "Tôi mới được vay vốn tín dụng 30 triệu đồng để mua thức ăn cho bò. Nuôi bò này được cái không tốn kém chi phí thức ăn nhiều. Ngày nào cũng đi cắt cỏ, đầy xuồng bò ăn được 2, 3 ngày, gặt lúa thì thuê cuộn rơm để dành cho bò ăn. Nếu đầu ra dễ, giá cả ổn thì nuôi bò được lắm”.
Bà Lê Cẩm Thuỷ, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, thông tin: “Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh. Có nhiều mô hình từ nguồn vốn tín dụng đạt hiệu quả như nuôi bò, trồng màu. Hiện trên địa bàn xã có 1.465 khách hàng vay vốn, với tổng nguồn vốn trên 30 tỷ đồng từ các chương trình vay vốn tín dụng chính sách xã hội”.
Trước thực trạng giá thức ăn trong ngành chăn nuôi luôn cao, những mô hình mới như nuôi bò, chồn hương... dần manh nha trong những năm gần đây, phần nào giúp nông dân giải quyết bài toán giảm chi phí trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình./.
Ngọc Minh