Sau Festival Tôm 2023, nhiều thế mạnh và tiềm năng kinh tế đã được nhìn nhận, cần có những chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt hơn giúp Cà Mau vươn mình.
Du lịch và thương hiệu sản phẩm cần thừa thắng xông lên
Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023 diễn ra trong 3 ngày, đã mang đến nhiều cơ hội giao lưu, quảng bá sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp trong cả nước với vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Gần 150 đơn vị tham gia trưng bày 412 gian hàng, gồm 246 gian hàng sản phẩm ngành tôm, 156 gian hàng sản phẩm OCOP và 10 gian hàng khác.
Theo Ban Tổ chức sự kiện, khách đến Cà Mau tham dự sự kiện này đạt hơn 40 ngàn lượt, riêng trong đêm khai mạc có hơn 20 ngàn lượt du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Có 120 lượt tiếp xúc và 36 lượt ký kết, thoả thuận hợp tác kết nối tiêu thụ hàng hoá giữa các doanh nghiệp/chủ thể OCOP với các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước... Nhiều tour sinh thái được mở rộng, tuyến tham quan tại vùng nuôi tôm trong tỉnh được đẩy mạnh, giúp du lịch khởi sắc và giới thiệu được nhiều điều độc đáo, thú vị hơn với du khách gần xa.
Chị Nguyễn Thị Thuý Anh, du khách đến từ tỉnh Khánh Hoà, chia sẻ: “Tôi đến Cà Mau lần đầu, đúng vào dịp Festival Tôm 2023. Các hoạt động được tổ chức rất hấp dẫn; khâu đón tiếp, trang trí chu đáo, bài bản, tạo sự thoải mái cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, môi trường không khí trong lành, phố xá sạch, đẹp, gây ấn tượng mạnh với tôi. Gia đình tôi có trải nghiệm tour du lịch sinh thái và thưởng thức ẩm thực ở Ðất Mũi. Cảm nhận rất mới lạ khi vừa xuyên rừng, vừa dùng cơm trưa dân dã nhưng toàn đặc sản tươi ngon. Chắc chắn tôi sẽ trở lại Cà Mau du lịch với gia đình trong một ngày không xa để khám phá nhiều hơn”.
Không chỉ sản phẩm du lịch, tại Festival Tôm 2023 còn trưng bày triển lãm các thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ, sản phẩm chế biến từ tôm và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực phía Bắc. Ðây cũng là dịp để du khách khắp nơi trải nghiệm thêm với các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Mọi thứ hoà quyện, tạo nên không gian mở vô cùng ấn tượng.
Sau Fesstival tôm cần tạo ra nhiều sản phẩm mang tính thương hiệu mới lạ và chất lượng hơn để thu hút du khách. Ảnh: NHẬT MINH.
Anh Nguyễn Văn Nhâm, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Trước đây tôi chỉ nghe nói nhiều về thế mạnh của tỉnh Cà Mau là nuôi thuỷ sản và xuất khẩu tôm. Lần này đến đây tôi mới có dịp trải nghiệm và tận mắt tham quan các quy trình sản xuất và chế biến tôm của Cà Mau. Các món ăn và sản phẩm OCOP làm từ con tôm của tỉnh rất ngon, hấp dẫn. Tôi đã chọn mua vài món làm quà cho gia đình và người thân. Mong lần sau đến sẽ được thưởng thức thêm nhiều sản phẩm đa dạng và sáng tạo hơn nữa”.
Không nhàm chán, một màu như trước, du lịch, các sản phẩm OCOP của Cà Mau đã, đang nỗ lực thay đổi để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng và sự đòi hỏi của thị trường. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: “Festival Tôm 2023 với nhiều hoạt động, văn hoá nghệ thuật, kinh tế, du lịch, hội nghị, hội thảo, ẩm thực... hấp dẫn, đa dạng, đầy màu sắc và ấn tượng đã tạo thêm tiền đề đẩy mạnh quảng bá hơn cho du lịch và sản phẩm mang tính thương hiệu của tỉnh nhà. Với tinh thần và khát vọng mạnh mẽ mang hình ảnh con tôm Cà Mau vươn xa, thành công của sự kiện Festival Tôm Cà Mau 2023 tạo được tín hiệu mới, tươi sáng, góp phần tạo động lực cho ngành tôm phát triển, đáp ứng kỳ vọng về sự phát triển bền vững trong tương lai, đặc biệt là vị thế con tôm Cà Mau, kinh tế mũi nhọn nơi cực Nam Tổ quốc”.
Nhân rộng nhiều mô hình thuỷ hải sản và thương mại hoá điện tử
Trong khuôn khổ Festival Tôm 2023, điểm nhấn quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của các doanh nghiệp lẫn người dân là sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QÐ-TTg ngày 16/11/2023. Ðây là nền tảng quan trọng để tỉnh Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, cũng mở ra không gian để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các trục tăng trưởng, hành lang kinh tế của tỉnh trong phát triển thương mại và dịch vụ gắn với chuỗi cung ứng. Mục tiêu được đặt ra là Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ nhiệm vụ quy hoạch nói trên, nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn và các phiên bên lề ngành tôm đã diễn ra sôi nổi nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thuỷ sản công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng tôm Cà Mau... Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá cao tiềm năng về xuất khẩu tôm và nuôi trồng thuỷ sản tại Cà Mau: “Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý đặc thù, với 3 mặt giáp biển, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển ngành hàng thuỷ sản, nhất là tôm. Sản lượng khai thác, nuôi và chế biến đã khẳng định tất cả. Tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh Cà Mau chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, xuất khẩu tôm Cà Mau đạt trên 1 tỷ USD/năm".
Ngành hàng tôm Cà Mau cần có chiến lược cụ thể và khôn ngoan khi cạnh tranh với thị trường quốc tế. (Trong ảnh: Thương lái thu mua tôm càng xanh tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình). Ảnh: NHẬT MINH
Cũng theo bà Phan Thị Thắng, hiện nay tôm Cà Mau có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế và được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Tuy nhiên, tôm Cà Mau hiện đang cạnh tranh với các thị trường như Ecuador, Ấn Ðộ... Thế nên, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất. Ngoài nhân rộng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả, tỉnh cần có giải pháp tổ chức liên kết theo chuỗi, chú trọng sản phẩm tôm chế biến sâu để nâng giá trị gia tăng. Bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh, Bộ Công thương sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tỉnh Cà Mau quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp Cà Mau có kênh hữu hiệu để đưa sản phẩm tôm Cà Mau tiêu thụ nhanh, mạnh trên thị trường, mang về nguồn lợi nhuận cao.
Các mô hình nuôi thuỷ hải sản phải đa dạng và phát huy thế mạnh một cách triệt để hơn. (Trong ảnh: Nông dân xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tất bật thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm). Ảnh: NHẬT MINH
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, Cà Mau cần những đột phá sáng tạo, ấn tượng hơn nữa trong thời gian tới: “Cà Mau có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về nuôi, khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản nhưng chưa tận dụng khai thác và phát huy tối đa. Những năm qua, mặc dù chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp nhưng nhờ sự năng động, tiên phong trong những mô hình nông nghiệp mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đã phát triển nhiều mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao. Trong số đó phải kể đến mô hình tôm sinh thái, như tôm - lúa, tôm - rừng... tạo ra sự khác biệt ấn tượng cho tỉnh, gắn sản xuất với thị trường. Sau thành công của Festival Tôm lần này, Cà Mau cần có bước chuẩn bị cho các sự kiện tiếp theo để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương và tạo thêm những bước đột phá mới lạ, chất lượng”.
Thành công của Festival Tôm Cà Mau 2023 sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục tổ chức những sự kiện tiếp theo trong tương lai. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức của Cà Mau để vừa phát huy được thế mạnh sẵn có nhưng vẫn nỗ lực khai thác những tiềm năng chưa được chăm chút, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vững bước đi lên thời hội nhập./.
Lam Khánh