ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:40:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chế Vén của Tư Tìa

Báo Cà Mau Nhìn người đàn bà tóc bạc nửa đầu, ngồi dựa vô đống hàng hoá ngủ gà ngủ gật, cái miệng há hốc đưa hàm răng sún, tôi thấy tội nghiệp: “Trồng hàm răng có bao nhiêu tiền đâu?”. Tôi tự nghĩ và tự trả lời: “Thời buổi khó khăn, gạo còn không có ăn thì tiền đâu trồng răng cho được".

Năm 1987-1988, đi tàu từ Cà Mau về ấp Cái Bát quê tôi 60 cây số mà phải mất đến 11-12 tiếng đồng hồ. Tàu chạy xịch lụi, ghé tới, de lui đưa rước khách cả trăm lần. Năm nào tôi cũng dẫn thằng con trai về quê ăn Tết, nó cứ hỏi hoài:

- Tới chưa, tới chưa ba!

- Chút nữa, chút nữa…

- Sao chút hoài mà không tới vậy ba?

Về tới nhà nội, ban đêm chỉ có đèn dầu, muỗi cắn… nhưng bù lại ban ngày thì nó tha hồ xách lưới ra mấy cái ao cạn, vét luồng giăng cá rô, cá sặt, lấy cần câu trúc tập vũng dưới mé sông câu cá chốt.

Có năm vì bận công tác không dẫn nó về được, nó cứ nhắc: Sao ba không về nội, con nhớ nội quá ba ơi! Nghe nó nói mà tôi mừng đến rưng nước mắt: “Vậy là nó cũng thích quê cha đất tổ của nó rồi".

MH: T.Hùng

Ði tàu, kiếm một chỗ ngồi thoải mái đâu phải dễ. Hàng hoá, cá mắm chất đầy, người phải ngồi chung với gà vịt, có khi với mấy chú heo. Dù có hôi thúi cũng phải ráng mà chịu đựng… Thấy tôi dẫn thằng con lóng ngóng tìm chỗ ngồi, người đàn bà vỗ vỗ chỗ trống cạnh bà ta ngồi:

- Chỗ này còn rộng, cha con bây ngồi đi!

Tôi gật đầu, chưa kịp nói cảm ơn đã nghe bà hỏi tiếp:

- Thằng nhỏ bao nhiêu tuổi? Dân ở chợ nên nó trắng trẻo quá!... Mà chú về đâu?

Chưa kịp trả lời thì nghe tiếng la từ trên mui tàu:

- Xuống!  Xuống hết! Gần tới trạm Chà Là, cảnh sát phạt chết, không ai ngồi trên mui hết!…

Cánh đàn ông, con trai dồn vô tàu, tôi phải ôm con vô lòng cho có chỗ trống. Có người cằn nhằn:

- Mẹ!... Ðông như gài mắm, vậy mà nó cứ rước khách hoài!

Qua trạm Chà Là, cánh đàn ông, con trai lại lên mui tàu, người đàn bà xếp mấy kiện hàng hoá cho có chỗ hai đứa cháu ngoại nằm, bà day qua nói với tôi:

- Cho thằng nhỏ nằm kế ngủ một giấc đi!

Bà lại vỗ đít thằng nhỏ.

- Về quê ba mầy cực khổ quá hen con!

Tàu vẫn chạy xình xịch, xình xịch, ghé tới, de lui, vậy mà thằng nhỏ con tôi với hai đứa cháu ngoại của bà nằm co, ngủ ngon lành.

Nhìn người đàn bà tóc bạc nửa đầu, ngồi dựa vô đống hàng hoá ngủ gà ngủ gật, cái miệng há hốc đưa hàm răng sún, tôi thấy tội nghiệp: “Trồng hàm răng có bao nhiêu tiền đâu?”. Tôi tự nghĩ và tự trả lời: “Thời buổi khó khăn, gạo còn không có ăn thì tiền đâu trồng răng cho được".

- Cà rem, bánh ú, bánh cà bắp nhưn dừa, nhưn chuối đây!

Thằng con tôi với hai đứa cháu ngoại của người đàn bà nghe tiếng rao của mấy người bán dạo từ chợ Cái Keo xuống tàu, khi tàu ghé chợ cho khách lên xuống, tụi nhỏ tỉnh ngủ liền.

- Ngoại ơi! Mua cà rem, bánh ú cho con!

- Ba ơi! Con muốn ăn bánh cà bắp nhưn chuối!

Tôi mua một bánh nhưn chuối cho con, còn tôi thì thích nhưn dừa trộn đậu. Ở Sài Gòn người ta kêu bánh lá dừa, còn ở quê tôi gọi là bánh cà bắp, bởi nó được gói bằng cây cà bắp (đọt non chưa bung lá của cây dừa nước, chặt cây chừng ba mét, tét hai ra, rồi lấy từng lá non trắng phếu, phơi heo héo, mới đem vô gói bánh; hoặc lá dừa non của cây dừa trên cạn).

Người đàn bà mua hai bánh ú cho cháu ngoại. Hai thằng nhỏ lại đòi cà rem… Bà quạu!

- Tiền đâu mà tụi bây đòi ăn dữ vậy!

Nói thì nói vậy chớ bà cũng mua hai cây cà rem cho cháu mình rồi mua thêm sáu cái bánh ú đem về nhà cho con cháu.

Vì cảm ơn người đàn bà “xí” được chỗ ngồi rộng rộng cho cha con tôi nên tôi móc tiền ra trả hết.

- Chú trả phần chú thôi!

Người đàn bà vừa nói vừa móc tiền ra, tôi ngăn lại:

- Ðể tôi trả luôn, kể như chút quà Tết vậy mà!

Người đàn bà có vẻ áy náy:

- Chú làm việc lương bổng bao nhiêu mà quà với cáp… Thôi cảm ơn chú nghen. Ừa, mà chú ở đâu?

- Dạ, ở Cái Bát.

- Ở Cát Bát mà con ai? Hồi xưa tôi cũng ở Cái Bát, giờ qua Cái Ðôi Vàm rồi.

- Dạ, con ông Hai Ki.

- Ủa!....

Người đàn bà trố mắt nhìn tôi:

- Chú… em thứ mấy của anh Tư Tìa?

- Dạ, tôi là Tư Tìa đây!

Người đàn bà chồm về phía tôi, đưa một tay vỗ vỗ trên lưng tôi:

- Anh Tìa! Anh Tìa… Quỷ bắt anh đi… Làm gì mà trẻ quá, nhìn không ra! Hai mươi sáu, hai mươi bảy năm rồi chớ ít gì đâu. Từ ngày tiếp thu tới giờ nghe nói anh về quê mấy lần mà không gặp… Anh nhớ ai chưa! 

Người đàn bà còn nói gì nữa mà tôi không kịp nghe, đầu óc cứ ngờ ngợ cố tìm người mình quen nhưng không tài nào nhớ nổi.

- Anh nhìn ra ai chưa!

Người đàn bà nhìn tôi với đôi mắt mở to.

Tôi lúng túng lắc đầu:

- Em là Vén nè!

Trời ơi… Vén...

* * *

Năm 1963, lúc tôi mười lăm tuổi, chế Vén mười bảy tuổi. Cái tuổi dậy thì của con gái mới lớn, da dẻ trắng hồng, mắt đen long lanh, mái tóc xức dầu dừa bóng mượt chấm ngang vai. Tuy mới mười lăm tuổi nhưng tôi đã biết “muốn" chế Vén rồi.

Mỗi lần gần Tết, gió chướng thổi già ngọn, lúa thóc ví bồ xong là đám con nít mới lớn mười lăm, mười bảy như tụi tôi rủ nhau ra tắm sông, chia hai phe chọi đất. Ban đêm thì chơi nhảy dây, kiếm bắt trốn tìm. Bao giờ tôi cũng ở một phe với chế Vén. Nhẩm đếm năm… mười… mười lăm… chưa đếm hết số năm mươi là tôi với chế Vén đã chui vô đống rơm rồi. Vì sợ đứa đi kiếm bắt gặp nên hai chế em nép sát vào nhau. Mùi rơm thơm, mùi dầu dừa chế xức trên tóc làm tôi ngất ngây muốn trốn trong ổ rơm hoài.

Trước mấy ngày tôi đi kháng chiến, hai chế em cũng trốn trong ổ rơm như vậy, nhưng chế lại ôm tôi, nói như đứt thở…

- Tìa ơi! … Vén thương Tìa!...

Không biết tại sao lúc đó tôi run lên và muốn khóc, vừa ôm lại chế, hun trên má chế và nói líu ríu:

- Tìa cũng thương chế mà!...

Hôm tôi đi, chế ngoắc ra sau vườn đưa tôi chiếc khăn tay, có thêu hai chữ Vén - Tìa, bên góc khăn thêm bốn chữ  “Vén đợi anh về". Từ tháng 2/1963 đến khi hoà bình lập lại, tôi vẫn giữ chiếc khăn và giữ nguyên một bóng hình của cô Vén mười bảy tuổi, da dẻ trắng hồng, mắt đen lay láy, tóc xức dầu dừa bóng mượt chấm ngang vai…

Hoà bình rồi tôi về quê mấy lần hỏi thăm và biết Vén đã lấy chồng năm 1966 và tôi cũng quên dần hình bóng ngày xưa. Giờ gặp lại người đàn bà tóc bạc nửa đầu, răng cái còn cái mất, gương mặt xếp nhiều lằn nhăn… Nghe Vén kể đợi tôi ba năm mới lấy chồng, người chồng của Vén là thằng Minh bạn cùng chơi trốn tìm với tụi tôi từ thuở nhỏ. Vén có ba đứa con, hai trai, một gái. Hai thằng đi bộ đội, chiến trường Tây Nam, cùng hy sinh trong một năm, thằng thứ ba lạc mồ lạc mả giờ vẫn chưa tìm được. Hoàn cảnh gia đình chỉ đủ ăn chứ còn nghèo lắm, Vén và người chồng cứ nay bịnh mai đau. Giọng Vén kể lì rì như cơn gió của dòng sông Bảy Háp thổi qua, gió mang hơi lạnh làm tôi nổi da gà. Tôi thẫn thờ nhìn Vén. Vén cũng nhìn tôi… Tôi nghe Vén thở dài, lại lì rì:

- Hồi nhỏ vui quá!...

- Ừ… vui…!

Tôi muốn nói nhiều thứ lắm nhưng không biết phải nói gì rồi tôi cũng thở dài theo Vén.

Cho đến hết kiếp này, dẫu ở đâu, đi đâu, về đâu, dù đói nghèo hay giàu sang phú quý tôi cũng nhớ về quê tôi. Ở đó, mẹ tôi thường ra bến sông ngồi đón con cháu về nhà, ở đó có những đống rơm rạ mới để tụi nhỏ lại chơi trốn tìm, ở đó có chế Vén mười bảy tuổi đợi tôi ba năm sau mới chịu lấy chồng, ở đó mỗi sáng trời mưa, xách lờ ra mé ruộng sau nhà, vét luồng cho trống, lấy bẹ chuối khoanh tròn, rải cám. Ngồi trong nhà mà nhìn cá sặt đâm lố nhố vô lờ. Hút chưa tàn điếu thuốc, dỡ lờ lên, nghe cái “xèo", lớp nấu canh chua, lớp kho tiêu… Bởi vậy gặp ai tôi cũng khoe: “Quê tôi đẹp nhất, giàu có nhất trên đời!”.           

Những kỷ niệm thời thơ ấu như con sông Cái Bát quê tôi, nước ròng đổ ra biển, nước lớn trở lại bờ. Tâm hồn và thân xác tôi là con nước đó, cứ chảy đi, chảy lại hoài trên một dòng sông./.

Văn Định

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.