ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 15-11-24 13:51:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chiến lược làm giàu từ biển

Báo Cà Mau (CMO) Với lợi thế có bờ biển từ Ðông sang Tây và là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, từ lâu Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là hướng đi tất yếu và tạo đột phá chiến lược. Ðây là động lực cho các thành phần kinh tế, mở cánh cửa để giao thương, hội nhập khu vực cho cả vùng ÐBSCL. Ðiều này cũng nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 30/6/2020 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 30-35% tổng thu ngân sách của tỉnh trong tổng sản phẩm bình quân hàng năm, tăng khoảng 7%; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 3.320 USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4.500-4.700 USD.

Tập trung cho khai thác và nuôi trồng

Thuỷ sản vẫn được định hướng là ngành mũi nhọn, động lực trong chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương. Theo đó, tổng sản lượng thuỷ sản đến năm 2030 là 800.000 tấn, tăng bình quân 2,17%/năm; trong đó, sản lượng tôm là 360.000 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2030 đạt 1.600 USD.

Với lợi thế ngư trường rộng lớn, đội tàu khai thác hàng ngàn chiếc, Cà Mau sẽ tiến hành tổ chức lại sản xuất trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản theo hướng củng cố và phát triển các mô hình tổ, đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết thực sự vì lợi ích của ngư dân, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, gắn kết cộng đồng, phát triển và ổn định xã hội vùng biển và hải đảo.

Phát huy truyền thống nghề khai thác hải sản với đội tàu hùng hậu hàng ngàn chiếc, Cà Mau hướng quy hoạch khai thác xa bờ, có trọng điểm.

Song song đó, tiến hành hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng đủ năng lực hoạt động dài ngày trên biển; gắn hoạt động khai thác hải sản với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa tàu cá, sản xuất lưới sợi, ngư cụ phục vụ khai thác thuỷ sản; sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn…

Phát huy kết quả là địa phương có diện tích, sản lượng tôm nuôi đứng đầu cả nước, Cà Mau tiến tới hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, tạo sản lượng hàng hoá lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thuỷ sản uy tín, chất lượng cao. Áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống, tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh, trước hết đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng; phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, các hình thức nuôi hữu cơ.

Mở rộng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh, nhất là đối với các vùng nuôi tập trung. Từng bước phát triển nuôi trồng các loại hải sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Hướng ra biển, nghề nuôi thuỷ sản sẽ ưu tiên tập trung vào đầu tư hạ tầng sản xuất giống hải sản, vùng nuôi hải sản ven biển, đảo, có thể kể đến cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong, tảo biển...

Hạ tầng đi trước một bước

Ðể kinh tế biển phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế, việc đầu tư và phát triển hạ tầng vùng kinh tế biển được đặc biệt quan tâm, đi trước một bước. Theo đó, Cà Mau tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, hạ tầng Khu công nghiệp Sông Ðốc theo mô hình Khu Công nghiệp - Ðô thị - Dịch vụ. Trong đó, Khu kinh tế Năm Căn (quy mô diện tích 10.802 ha) là khu kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng - an ninh và khu kinh tế tổng hợp, tạo kết nối với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đáp ứng chuỗi phân phối quy mô khu vực và quốc tế với hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần cảng biển logistics. Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển 2 đô thị động lực thị trấn Năm Căn và thị trấn Sông Ðốc về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025.

Tiếp tục phân kỳ đầu tư các đô thị loại V ở các huyện ven biển; ưu tiên đầu tư các cụm kinh tế ven biển: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm, Ðá Bạc, Khánh Hội. Phát triển công nghiệp cơ khí, đóng, sửa chữa tàu, thuyền ở các cửa biển: Sông Ðốc, Khánh Hội, Rạch Gốc; rà soát, triển khai đầu tư xây dựng các điểm, cụm công nghiệp: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm. Ðẩy nhanh tiến độ Dự án Khu dân cư bờ Nam Sông Ðốc và các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư ở các huyện ven biển đã có quyết định lựa chọn nhà đầu tư.

Rà soát, củng cố, hoàn thành, tạo sinh kế các khu tái định cư ven biển hiện có, đảm bảo dân sinh sống ổn định. Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá vùng ven biển để phục vụ các dịch vụ logistics. Kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Hoà Trung, Năm Căn, Sông Ðốc, Hòn Khoai.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện, các xã, thị trấn ven biển, các đảo lớn, từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, kết nối với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển. Các ngành kinh tế quan trọng: kinh tế thuỷ sản, du lịch và dịch vụ, năng lượng tái tạo, công nghiệp và đô thị ven biển, kinh tế hàng hải được ưu tiên đầu tư có trọng điểm, lộ trình. Xây dựng, phát triển đô thị Sông Ðốc và đô thị Năm Căn trở thành đô thị loại III vào năm 2025, đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ven biển được nâng cao, đảm bảo thu nhập ổn định, bình quân đầu người cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Các đảo lớn có dân cư sinh sống có điện sinh hoạt, nước ngọt, trạm y tế, trường học và phương tiện ra, vào thường xuyên từ đất liền với đảo.

Lợi thế kinh tế biển ở Cà Mau hiện vẫn còn ở dạng tiềm năng khi mà hạ tầng đầu tư chưa thực sự tập trung, khai thác hiệu quả đa lĩnh vực, ngành nghề, kết hợp chỉ mới ở bước khởi đầu. Vươn ra biển và làm giàu từ biển là tầm nhìn chiến lược, bước đi phù hợp trong thời đại hội nhập sâu toàn cầu, Cà Mau tranh thủ mọi nguồn lực, thời cơ để kinh tế biển thực sự là mũi tàu vững chãi rẽ sóng ra khơi.

Với tầm nhìn xa đến năm 2045, tỉnh Cà Mau phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển của khu vực ÐBSCL, đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Các ngành nghề kinh tế biển phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân các huyện, xã, thị trấn ven biển được cải thiện, nâng cao. Tài nguyên biển, đảo được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Trần Nguyên

Sẽ đóng mới 2 tàu kiểm ngư

“Khu bảo tồn biển rộng và trải dài từ Đông sang Tây trên vùng ngư trường trọng điểm của quốc gia, theo đó cần trang bị phương tiện hiện đại phục vụ công tác tuần tra, quản lý. Theo đó, trong kế hoạch sẽ đóng mới 2 tàu kiểm ngư thực hiện công tác thực thi pháp luật trên biển với mỗi tàu có chiều dài 26 m, rộng 6,25 m, vận tốc lớn nhất (đầy tải) đạt 25 hải lý/giờ”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm ngư tỉnh, thông tin về Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Ðề án 1 triệu héc-ta lúa hiệu quả tích cực bước đầu

Theo kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Ðề án), trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp khoảng 25.000 ha. Các vùng chuyên canh này được tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giữ nghề truyền thống

Nghề làm lờ, lọp ở huyện Trần Văn Thời được hình thành từ rất lâu. Theo thời gian, số hộ làm nghề ngày một ít đi và đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, hiện tại một số người vẫn quyết tâm duy trì, với mong muốn giữ nghề truyền thống ông cha đã để lại và tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ con cháu sau này.

Ðừng để hoang phí đất

Giảm nghèo là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu được hướng đến. Thế nhưng, thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tư duy sản xuất, cách sống chậm chuyển biến, dẫn đến không thể thoát khỏi cái nghèo. Trong nhiều trường hợp khó khăn ấy, qua khảo sát thực tế, có trường hợp vẫn sở hữu tư liệu sản xuất (dù ít), có đất vườn (khu vực nông thôn), nhưng quỹ đất này chưa phát huy hiệu quả.

Vào vụ màu Tết

Chưa đầy 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2025, ngay từ đầu tháng 11, nông dân trên địa bàn các xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã tích cực làm đất, ươm hạt, chăm sóc vụ rau màu, đặc biệt tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.

Tập trung sản xuất lúa đông xuân

Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Ðây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bởi ngoài thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất thì giá lúa cũng cao hơn so với vụ hè thu.

Hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Chiều 1/11, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Felix tổ chức lễ ký kết hợp tác hỗ trợ hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân lên sàn Thương mại điện tử Nông sản B2B (Felix.store), kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ để tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp về nhân lực, khoa học và công nghệ, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất mà Cà Mau đang gặp phải. Đây là mục tiêu đặt ra của Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống”, do Sở KH&CN tổ chức sáng 1/11.

Sản lượng và lợi nhuận của người nuôi tôm phải song hành

Đó là chủ đề chính được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo tham vấn về giải pháp nuôi tôm hiệu quả, vừa được Cục Thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức sáng 31/10.

Thêm thu nhập từ soi ốc bươu vàng

Trên các cánh đồng bồn bồn của bà con huyện U Minh, ốc bươu vàng sinh sản nhanh. Soi ốc bươu vàng ban đêm thời gian gần đây đã tạo thêm thu nhập cho bà con, đồng thời góp phần giảm lượng ốc, bảo vệ cây trồng.