Ở xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, mô hình tận dụng đất trống trồng mai của các cựu chiến binh (CCB) đã trở thành một mô hình mẫu trong phong trào dân vận khéo, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của hội viên, đồng thời thể hiện rõ tinh thần học tập và làm theo Bác về yêu lao động và làm giàu chính đáng của những người lính Cụ Hồ.
- Phát huy hơn nữa công tác dân vận khéo, dân vận chính quyền
- Dân vận khéo từ việc nhỏ
- Dân vận khéo gắn với lợi ích Nhân dân
Ông Trần Dũng Liêm, Chủ tịch Hội CCB xã, cho biết, toàn xã hiện có 392 hội viên với 347 hộ gia đình. Những người lính năm xưa vẫn luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương, tích cực tham gia xây dựng quê hương, làm giàu chính đáng.
Một trong những điểm sáng về việc học tập và làm theo Bác của Hội CCB xã là mô hình trồng mai. Trên phần đất trống quanh nhà, bờ bao vuông tôm, những CCB đã mạnh dạn thử sức với cây mai, từ đó phát triển thành mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện thu nhập.
Ông Bùi Văn Hải, ấp Thuận Hoà B, một trong những hội viên đầu tiên thực hiện mô hình, chia sẻ: "Tôi trồng mai hơn 10 năm nay. Ban đầu chỉ là thử nghiệm, đến năm 2018 tôi bắt đầu bán mai và có thu nhập ổn định. Có năm tôi bán gần 100 triệu đồng, trung bình khoảng 50 triệu đồng mỗi năm". Ngoài việc nuôi tôm thiên nhiên trên diện tích 2 ha, ông Hải đã tận dụng khoảng sân trước nhà và bờ vuông trồng mai. Với khoảng 200 gốc mai hiện tại, ông Hải dự kiến thu về khoảng 400-500 triệu đồng từ việc bán mai.
Ông Bùi Văn Hải cẩn thận chăm chút từng nhánh mai.
Mô hình của ông Hải đã lan toả rộng rãi và hiện có khoảng 20 hội viên CCB trong xã cùng tham gia trồng mai. Mang lại thu nhập ổn định, mô hình này đã tạo cơ hội cho các CCB khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế địa phương.
Ông Ngô Văn Lùng, CCB tại ấp Thuận Hoà B, cho biết: "Tuổi cao, tôi không thể làm việc nặng nhọc, trồng mai nhẹ nhàng, lại đem về thu nhập khá, giúp ổn định cuộc sống. Cây mai có giá dao động từ 1-20 triệu đồng, tuỳ theo độ tuổi và hình dáng cây, thậm chí có năm tôi bán được hơn 100 triệu đồng". Ðến nay, ông Lùng đã trồng mai được 5-6 năm, hiện ông có khoảng 800 gốc mai trồng trên đất trống xung quanh nhà và trên bờ vuông.
Hộ ông Ngô Văn Lùng (giữa) hiện còn khoảng 800 gốc mai, được trồng xung quanh nhà và trên bờ vuông.
Ðể nhân rộng mô hình, Hội CCB xã Tân Thuận đã đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu phát động hội viên và Nhân dân tận dụng đất trống trồng cây kiểng bán để nâng cao thu nhập. Ðến nay, đã có khoảng 20 hộ thực hiện mô hình này và thường bán nhiều vào mỗi dịp Tết.
Mô hình trồng mai của CCB xã Tân Thuận là minh chứng sinh động cho tinh thần tự lực, tự cường và sáng tạo trong lao động sản xuất của những CCB, thể hiện sự gương mẫu và trách nhiệm của người CCB trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mô hình trồng mai của các CCB còn góp phần làm đẹp cho không gian sống, tô điểm cho diện mạo vùng quê./.
Phúc Duy - Trầm Nghĩ