ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 15-4-25 10:53:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mạc Thành To

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Báo Cà Mau Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Chân dung Anh hùng LLVT Nhân dân Mạc Thành To được hoạ lại từ ảnh trong thẻ học sinh.

Chân dung Anh hùng LLVT Nhân dân Mạc Thành To được hoạ lại từ ảnh trong thẻ học sinh.

Cậu bé bán bánh mì đặc biệt

Khi ấy, người ta hay thấy có một cậu bé độ 13-14 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng lém lỉnh thường len lỏi qua các con phố, trên vai quảy cần xé bánh mì, lúc thùng cà rem. Khi thì cậu rao bán sát hàng rào khu quân sự Mỹ, lúc lại xuất hiện trước cổng Tiểu khu An Xuyên, dinh tỉnh trưởng... Không ai ngờ rằng, cậu bé bán bánh ấy chính là một trinh sát nhỏ tuổi, đang ngày ngày thu thập tin tức về quân địch.

Mạc Thành To - cái tên gắn liền với những trận đánh mưu trí, táo bạo, làm khiếp vía kẻ thù sau này - đã bắt đầu cuộc đời cách mạng từ những ngày như thế.

Sinh năm 1943, tại ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Mạc Thành To (Tư Hùng) lớn lên giữa vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Học xong tiểu học ở quê, cậu bé được cha mẹ cho ra chợ học cấp 2 tại Trường Trung học bán công Nguyễn Hiền Năng (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ngày nay) và bắt đầu tham gia nhiều nhiệm vụ bí mật. Năm 1958 (15 tuổi), cậu được kết nạp vào Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và càng hăng hái hoạt động. Năm 1959, tổ chức bị lộ, Mạc Thành To và một số học sinh phải rời trường lớp, về vùng giải phóng hoạt động.

Vốn là một học sinh nhiều năm ở thị xã Cà Mau, Mạc Thành To khá thông thạo đường sá, vị trí đóng quân của địch nên thường được cấp trên phân công cải trang cùng lực lượng quân báo trực tiếp đột nhập vào nội ô thị xã, phối hợp với du kích mật của thị xã tiêu diệt bọn ác ôn có nhiều nợ máu với Nhân dân và đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Nhận thấy tố chất đặc biệt của Mạc Thành To, tháng 7/1960, tổ chức điều động Mạc Thành To về Thị đội Cà Mau, phụ trách công tác quân báo.

Theo bản báo cáo thành tích đề nghị tuyên dương anh hùng cho đồng chí Mạc Thành To, Ban Chỉ huy Quân sự TP Cà Mau đã thống kê, chỉ trong thời gian chưa đầy 7 năm, từ khi được điều động đến lúc hy sinh (tháng 3/1967), Mạc Thành To đã cùng tập thể xây dựng được 100 cơ sở cách mạng ở nội ô thị xã Cà Mau và nhiều cơ sở nổi tiếng trong hàng ngũ địch. Riêng bản thân ông đã cùng với đồng đội hoặc độc lập tác chiến 131 trận lớn nhỏ. Tên tuổi ông trở thành nỗi ám ảnh của bọn địch ở thị xã Cà Mau, trung tâm đầu não tỉnh An Xuyên. Từ binh lính tới sĩ quan khét tiếng gian ác bấy giờ, không ai dám thề “ăn đạn của Mạc Thành To”. Tên tỉnh trưởng An xuyên đã treo giải thưởng 100 cây vàng nếu ai chỉ điểm, tiêu diệt hoặc bắt sống được Mạc Thành To.

Những chiến công làm rúng động quân thù

Hằng ngày, một tiểu đội thám báo của Tiểu khu An Xuyên tuần tra dọc kênh Rạch Rập, vừa đánh phá cơ sở cách mạng, vừa bắt lính. Chúng khiến phong trào cách mạng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ðêm 16/8/1962, tổ quân báo do đồng chí Mạc Thành To chỉ huy bí mật bố trí 2 quả mìn định hướng 3,5 kg tại điểm phục kích. Khi toán thám báo lọt vào trận địa, đồng chí ra lệnh kích nổ. Một tiếng nổ xé toạc màn đêm. Khi khói súng tan đi, toàn bộ tiểu đội thám báo cùng một số tên cảnh sát, tề ngụy đã bị tiêu diệt.

Sáng 10/8/1965, một trận đánh do Mạc Thành To chỉ huy cũng đã làm chấn động thị xã Cà Mau, đó là việc hoá trang đánh hội nghị bình định, tiêu diệt gần 40 tên địch.

Nhận được tin báo về hội nghị bình định của địch sẽ diễn ra tại hội trường tỉnh An Xuyên, Thị uỷ và Ban Chỉ huy Thị đội Cà Mau giao nhiệm vụ cho đồng chí Mạc Thành To cùng bộ phận quân báo xây dựng kế hoạch tấn công, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch tại địa phương.

Ðịa điểm diễn ra hội nghị nằm giữa trung tâm đầu não của tỉnh An Xuyên, được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh là các cơ quan trọng yếu như Tiểu khu tỉnh An Xuyên, toà hành chính, dinh tỉnh trưởng, khu cố vấn Mỹ, đài viễn thông... Do đó, việc tiếp cận và triển khai trận đánh gặp vô vàn khó khăn.

Sau quá trình trinh sát, đồng chí Mạc Thành To quyết định hoá trang thành sĩ quan thuộc vùng 4 chiến thuật để xâm nhập hội trường. Sáng 10/8/1965, một chiếc xe Jeep chở viên đại uý trẻ tuổi cùng hai cận vệ đi thẳng vào cổng hội trường. Viên đại uý xuống xe, tươi cười bắt tay lính gác, đi kiểm tra hội trường rồi rời đi với lý do sang làm việc với trung tá tỉnh trưởng.

Ðúng 8 giờ 30, khi hội nghị diễn ra, một tiếng nổ kinh hoàng vang lên, khiến cả thị xã Cà Mau náo động. Xe cứu thương gầm rú liên tục từ hội trường đến bệnh viện. Kết quả, gần 40 tên địch bị tiêu diệt và thương vong, trong đó có Nguyễn Hải Bình, Trưởng đoàn bình định tỉnh An Xuyên.

Với trận đánh này, bộ phận quân báo được đề nghị khen thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, đồng chí Mạc Thành To được đề nghị tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.

Bản thân Mạc Thành To cũng thực hiện nhiều trận đánh độc lập khiến quân thù khiếp sợ. Trong đó có việc ám sát tên Nga, cảnh sát đặc biệt ở Phường 9, thị xã Cà Mau.

Tên Nga là một cảnh sát vô cùng tàn ác, gây nhiều nợ máu với Nhân dân. Nhận nhiệm vụ từ cấp trên, Mạc Thành To cùng bộ phận quân báo khẩn trương theo dõi quy luật sinh hoạt của hắn. Do lo sợ bị trừng trị, hắn không bao giờ ngủ ở nhà mà chỉ trở về vào tờ mờ sáng. Ðiều này khiến việc tiếp cận và tiêu diệt hắn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Mạc Thành To đề xuất phương án táo bạo: hoá trang thành cảnh sát dã chiến, tiếp cận và tiêu diệt tên Nga ngay trên đường hắn trở về nhà. Phương án được cấp trên phê duyệt.

Sáng 9/11/1963, tại bến đò chợ Kinh 16, một cảnh sát dã chiến với dáng vẻ thư sinh bước lên đò từ Phường 12 sang Phường 9. Khi đò cập bến, người này đi nhanh lên bờ. Cùng lúc đó, tên Nga từ chỗ ngủ cũng vừa trở về. Khi hai người đi ngược chiều, chỉ cách nhau chưa đầy 2 mét, một tiếng nổ vang lên. Tên Nga đổ gục xuống, ngay lập tức, người cảnh sát dã chiến bắn bồi thêm hai phát, rồi nhanh chóng rời đi. Cả thị xã Cà Mau chấn động. Nguỵ quyền điên cuồng lùng sục nhưng không thể tìm ra tung tích người chiến sĩ quân báo bí ẩn này.

Ông Mạc Thành Bô tự hào kể về người anh của mình là Anh hùng LLVT Nhân dân Mạc Thành To.

Ông Mạc Thành Bô tự hào kể về người anh của mình là Anh hùng LLVT Nhân dân Mạc Thành To.

Mãi là huyền thoại

Ngày 28/3/1967, tại ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, trên đường thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng tại vùng ven thị xã Cà Mau trở về, do bị tên điềm chỉ phát hiện và báo bọn Tiểu khu An Xuyên phục kích, đồng chí Mạc Thành To hy sinh.

Ông Mạc Thành Bô, người em thứ năm của Liệt sĩ Mạc Thành To (hiện ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cũng là người thờ cúng anh mình) cho biết, ông có 10 anh chị em, Mạc Thành To là anh đầu, khi hy sinh vẫn chưa vợ con.

“Anh Hai tôi học giỏi, thông minh, giỏi tài bắn súng. Tôi khi đó cũng được gia đình cho ra Cà Mau học, những ngày nghỉ về đơn vị anh chơi, lúc nào cũng thấy anh hai tay cầm hai súng tập luyện, thường là K54 và cây Rulo. Anh cũng thường giao tôi những nhiệm vụ nhỏ như tìm hiểu nhà đó cửa nẻo thế nào, đường đi nước bước của những tên ác ôn mà anh được giao nhiệm vụ trừ khử... ”, ông Mạc Thành Bô kể.

Cũng theo lời ông Mạc Thành Bô: “Hồi đó anh tôi ở nhà cô thứ Chín đi học, dù sau này không còn ở nữa, nhưng mỗi lần có vụ ám sát là chúng lại bắt cô tôi, vì cho không ai ngoài anh tôi thực hiện. Mà đúng như vậy thật. Khi giết anh Hai tôi rồi, bọn chúng chở thây để ngoài đường, chỗ nhà xác bệnh viện, rồi phát loa thông báo, mừng vui để trấn an tinh thần bọn sĩ quan, binh lính và kêu gọi người dân tới xem. Hai ngày sau mới đem chôn ở nghĩa địa gần Sân bay Cà Mau hiện nay". Ông cũng cho biết, lúc đó, đơn vị cử một trinh sát và người chú lên nghĩa địa gặp người quản trang, dặn dò chôn không làm núm, kiên quyết lấy. Nhưng vì nghĩa trang nằm trong vòng kiểm soát của địch gắt gao nên không lấy được. Năm 1976, chính người quản trang này chỉ chỗ để gia đình ông bốc hài cốt Liệt sĩ Mạc Thành To về chôn cất tại phần đất gia đình.

Ghi nhận những cống hiến to lớn của Liệt sĩ Mạc Thành To, Nhà nước đã phong và truy tặng ông: Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, 15 bằng khen, 37 giấy khen, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Năm 2014, Liệt sĩ Mạc Thành To được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trang (LLVT) Nhân dân.

Từ những ngày đầu chỉ là một cậu bé bán bánh mì trong lòng địch, đến khi trở thành người chiến sĩ quân báo lừng danh, Mạc Thành To đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng câu chuyện về người chiến sĩ tài giỏi, mưu trí, gan dạ ấy vẫn được truyền kể với niềm tự hào, thán phục, như một huyền thoại anh hùng trên đất Cà Mau./.

 

Trang Thăm

 

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.

Tri ân người mở cõi

Ðầu xuân năm nay tôi được dự lễ khánh thành khu mộ thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, tại ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chung quanh khu nghĩa mộ có mấy công trình phụ nhưng ý nghĩa đáng để mọi người suy ngẫm. Ðó là hồ sen, tuy diện tích không lớn nhưng ông Liêm giải thích sen là “Quốc hoa” của dân tộc Việt Nam, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phía tay phải là một hồ khác để nuôi cá các loại, chim le le và vịt trời. Phía sau công trình là một bờ cây đước xanh rờn, cao lớn.