(CMO) “Đời nào vui bằng đời thương hồ, xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”, câu hát gợi nỗi niềm xa quê mưu sinh đến da diết khi gió chướng lành lạnh thổi tơi tàu lá chuối.
Những chiếc xuồng máy tấp nập cập bến vận chuyển đồ rẫy lên bờ. |
Dọc miền sông nước Cà Mau, nơi nào cũng có ghe xuồng tấp nập. Tháng Chạp là tháng làm ăn, cũng là lúc bộn bề lo toan chuyện "Tết nhứt”. Những căn nhà trên sông của các "xóm thương hồ" như luôn nổ máy chờ sẵn, chân vịt đưa xuống nước văng tung toé.
Nụ cười được mùa khóm của người dân Thới Bình. |
“Ai cá ba sa, cá trê, cá rô, dưa leo, cà chua, bí đao, bí rợ, khoai lang, bầu, mướp gì hôn?”. Mới 7 giờ sáng mà tiếng loa của mấy chiếc ghe xuồng bán đồ rẫy rao vang cả một khúc sông. Mấy ông "chịu chơi" thì đầu tư thêm cái loa mở cải lương, Châu Thanh, Cẩm Tiên ca mấy câu vọng cổ, ngồi trong nhà nghe xong muốn đứt hơi.
Nghiệp thương hồ
Chiếc xuồng bán đồ rẫy của vợ chồng ông Ba Chiến (Nguyễn Văn Chiến, 58 tuổi) tấp vô chợ nổi trên sông Cái Nước. Mùa này xuồng nhỏ, ghe lớn mua bán tấp nập. Ông bà Ba Chiến chạy ghe từ Cần Thơ về "đóng chốt" tại đây.
Ông Ba Chiến kể: “Tui biết xứ này từ thời đi ghe theo ông già xuống đây chở lúa. Rồi lấy vợ, ra riêng mấy năm, hai vợ chồng mới chuyển qua đi ghe đồ rẫy kiếm tiền nuôi con. Chớ giờ đi ghe lúa lời không có bao nhiêu, với lại đã già, việc nặng nhọc đó không kham nổi. Tụi nhỏ đã lớn, có gia đình riêng hết rồi. Hai vợ chồng tui vẫn đi ghe, vừa tự nuôi mình, vừa lấy đó làm niềm vui, chớ ở nhà ở không buồn lắm".
"Mình sống trên ghe riết quen, lên bờ chừng 1 tháng là thấy nhớ không chịu được, lại xuống ghe đi nữa. Lấy đồ từ Cần Thơ về đây một chuyến bán chừng 1 tuần lễ là hết, lời cũng được 4-5 triệu đồng. Nhất là gần Tết, bán đồ rẫy chạy lắm. Bán tới bữa rước ông bà thì về nhà ăn Tết với gia đình”, ông Ba Chiến cho hay.
"Xóm ghe rèn Cần Thơ đậu bến sông thị trấn Thới Bình. |
Chợ sông Thới Bình những ngày này cũng bắt đầu nhộn nhịp xuồng ghe khắp nơi về họp chợ. Chiếc ghe bầu chở cây kiểng của anh Trịnh Văn Công đã cắm sào mấy ngày nay để dọn hàng Tết lên bờ “ra mắt”. Quê anh Công ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Chị Nguyễn Kim Thuyền, vợ anh, lên "ghe bông" theo anh khi mới tròn 20 tuổi. 1 năm sau thì anh chị cùng đi ghe lúa từ Bạc Liêu lên Cần Thơ, Sài Gòn. Sống trên ghe hơn 11 năm, đi hết các tỉnh miền Tây, chưa xứ nào anh chị chưa đặt chân tới.
4 năm nay anh chị chuyển qua mua bán cây kiểng. Chạy ghe lên Bến Tre, Tiền Giang lấy hàng rồi đậu ở Thới Bình để bán. Có với nhau 3 mặt con, 2 đứa lớn gởi bà nội, đứa út 3 tuổi theo anh chị, hơn nửa tháng mới về Bạc Liêu một lần.
Chị Thuyền tâm sự: “Gần Tết bán đỡ lắm. Bởi vậy vợ chồng tui ráng ở lại tới 28-29 tháng Chạp mới về. Thấy gia đình người ta chạy xe ngang, chở đồ đạc đùm đề, ghé mình mua mấy chậu mai, vạn thọ trưng Tết thì mừng lắm, nhưng cũng buồn vì nhớ nhà. Mà thôi, cái nghiệp nó vậy rồi, ráng kiếm tiền về quê ăn Tết”.
Mới nói được vài câu, khách ghé kêu í ới: “Cây mai này nhắm nở kịp Tết hôn chị ơi?”. Chị Thuyền vội đội cái nón lá, chạy ra bán cây cho khách, quay đầu lại cười toe toét: “Mới sáng giờ mà bán được 4 chậu mai rồi đó”. Chắc nhờ cái chân chất, thiệt tình của chị mà hai mẹ con chị khách rinh thêm 2 chậu cây phát tài.
Vì "hậu phương lớn"
“Đi ghe bán vậy thì hơi cực, mưa gió, nắng nôi, rồi ăn uống, nghỉ ngơi đều ở trên ghe hết nên bất tiện hơn ở trên bờ, nhưng được cái buôn bán có tiền, dành dụm cũng được. Chứ đi ghe mười mấy năm rồi, lên bờ đâu biết làm nghề gì", chị Thuyền trần tình.
Cả nhà chị Thuyền quây quần bên mâm trên ghe. |
Năm nào cũng lo buôn bán, về quê hơi trễ nên chị Thuyền gởi tiền về cho bà nội mua sắm đồ đạc trong nhà, quần áo mới cho sắp nhỏ. "Mới đậu ghe trước nhà là tụi nhỏ xách đồ mới chạy ra khoe rồi. Niềm vui của tụi nhỏ là động lực để mình ráng làm nuôi con”, giọng chị run run, vừa mừng, vừa xúc động vì nhớ 2 con nhỏ đang ở nhà với nội.
Không khí se lạnh của tháng Chạp làm ai cũng bồn chồn. Thị trấn bắt đầu lên đèn, dọn dẹp hàng lại cho ngăn nắp, vợ chồng chị Thuyền và những gia đình thương hồ khác mới dọn chén đũa ra, gác lại một ngày bận rộn để quây quần bên mâm cơm. Họ rôm rả kể nhau nghe chuyện bán buôn hôm nay gặp mấy bà thím khó tính, ghé mà không mua, còn trả giá... Họ bàn với nhau năm nay sửa lại mái nhà sau được rồi, mua chừng 2 ký thịt heo kho tàu, mấy ký khô đãi khách... Những câu chuyện giản đơn nhưng ấm tình kiếp thương hồ đang mưu sinh, lang bạt trên những triền sông trăm ngã./.
Thảo Mơ