Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục Thuế tỉnh: "Cà Mau là địa phương không có mỏ cát, đá. Vì vậy, để xây dựng công trình, các doanh nghiệp (DN) phải mua cát, đá từ các DN tỉnh ngoài hoặc mua trực tiếp từ mỏ của DN được phép khai thác. Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều năm qua các DN được phép khai thác mỏ cát, đá thực hiện không đúng quy định về lập hoá đơn khi bán cát, đá cho các DN (ít hơn thực tế đã bán hoặc không lập hoá đơn)".
- Tiếp sức cho doanh nghiệp, người nộp thuế
- Tín hiệu tích cực từ thu ngân sách
- Từ ngày 1/8 áp dụng chính sách thuế mới về đất đai
Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp DN không tiếp cận được DN có mỏ cát, đá, từ đó phải mua qua trung gian và nhận hoá đơn từ người môi giới. Ða số các hoá đơn này đều do một nhóm người thành lập DN thực hiện, nhằm mục đích lập hoá đơn khống, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Thực trạng này xảy ra không riêng tại tỉnh Cà Mau mà trên cả nước, là hệ quả của quá trình buông lỏng công tác quản lý khai thác khoáng sản.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng hoá đơn, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về thuế, chống thất thu, Cục Thuế tỉnh đã triển khai và thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Trong đó, tiến hành rà soát, giám sát các trường hợp người nộp thuế (NNT) kê khai mua vào, bán ra mặt hàng cát, đá. Ðồng thời, yêu cầu NNT cung cấp hồ sơ, tài liệu về mỏ cát, đá để chứng minh nguồn gốc cát, đá mua vào tại mỏ cát, đá hoặc tại địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, kinh doanh, vận chuyển, có đầy đủ hồ sơ hải quan hợp lệ chứng minh trong trường hợp nhập khẩu.
Một bãi vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.
Ngoài ra, thực hiện các bước kiểm tra tại cơ quan thuế, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT theo đúng quy định để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và phòng chống tiêu cực, tham nhũng; tăng cường giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra; giám sát việc tiếp xúc với NNT của công chức, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của ngành, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế làm việc.
Ông Tòng đánh giá: “Ðến nay, hầu hết các DN có hoạt động kinh doanh cát, đá trên địa bàn tỉnh đồng tình cung cấp hồ sơ nguồn gốc theo đề nghị của cơ quan thuế. Bước đầu nhìn chung có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, các DN kinh doanh cát, đá đã ý thức hơn việc chấp hành hoá đơn, chứng từ khi mua bán mặt hàng cát, đá. Nhiều DN tự rà soát hoá đơn mua vào cát, đá trước đây, nhận thấy có khả năng là hoá đơn không hợp pháp đã chủ động loại bỏ các hoá đơn này. Ðồng thời, kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, làm tăng số tiền thuế phải nộp NSNN”.
Với khoảng 10 công ty, DN kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn, ông Ngô Thanh Gô, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực IV, cho biết: “Những năm qua, việc khai thác nguồn thu về vật liệu xây dựng nói chung cũng chưa được đẩy mạnh, thường xuyên kiểm tra. Thời gian gần đây, được sự chỉ đạo kiên quyết của Cục Thuế, Chi cục thuế khu vực đẩy mạnh kiểm tra, chống thất thu lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhất là kinh doanh cát, đá, sỏi của các công ty trên địa bàn. Sau khi triển khai, đến thời điểm này đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, các DN lĩnh vực này kê khai tăng so với cùng kỳ, góp phần tăng nguồn thu ngân sách”.
Cục thuế tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt chống thất thu lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác chống thất thu trên lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Tòng cho biết: “Tình trạng mua bán hoá đơn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài mua bán hoá đơn mặt hàng cát, đá, nay đã xuất hiện thêm mặt hàng khác như: tôm nguyên liệu, dịch vụ cho thuê tài sản, máy móc thiết bị thi công công trình, cung cấp nhân công... Cùng với đó, hành vi vi phạm của NNT diễn ra trên môi trường công nghệ số với tốc độ nhanh, không kịp thời ngăn chặn được, khi phát hiện thì các vụ việc đã xảy ra và gây thiệt hại cho NSNN”.
Ðể đẩy mạnh quản lý thuế lĩnh vực kinh doanh cát, đá, Cục Thuế tỉnh xác định, công tác thanh tra, kiểm tra rủi ro về thuế, về hoá đơn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngành thuế sẽ chỉ đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra giám sát chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm các DN có dấu hiệu sử dụng trái phép hoá đơn, trong đó đặc biệt chú trọng các DN đăng ký hoạt động kinh doanh xây dựng, kê khai hoá đơn cát với số lượng lớn từ các DN ở các tỉnh không có nguồn nguyên liệu và kể cả các DN ở các tỉnh có nguồn nguyên liệu.
"Ðồng thời, tiếp tục duy trì công tác rà soát việc nhận hoá đơn, lập hoá đơn bán ra, kê khai thuế của các DN kinh doanh cát, đá. Các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sẽ lập thông báo đề nghị giải trình và yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Trường hợp không giải trình hoặc giải trình không có cơ sở chứng minh là đúng thì tiến hành các bước theo quy định, tiến tới ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành chuyển vụ việc sang cơ quan công an xử lý theo đúng quy định pháp luật", ông Nguyễn Thanh Tòng nhấn mạnh.
Trong năm 2023, Cục Thuế đã thanh tra 4 DN và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra khởi tố vụ án mua bán trái phép hoá đơn; 9 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế thanh tra các DN lớn có rủi ro cao về thuế, về hoá đơn kinh doanh cát, đá và đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan công an. Trong quý IV năm 2024 này, đơn vị sẽ tiếp tục thanh tra từ 2-3 DN như vậy.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của Tổng cục Thuế, lãnh đạo địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan, nhất là các biện pháp nghiệp vụ của ngành thuế tỉnh, tin rằng hoạt động kinh doanh cát, đá ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch hơn, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, góp phần chống thất thu ngân sách./.
Hồng Nhung