ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 16:59:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chủ đề kháng chiến trong “Bác Ba Phi kể chuyện”

Báo Cà Mau (CMO) Năm 2020, UBND tỉnh Cà Mau đã đứng ra tổ chức sưu tầm, biên soạn và phát hành quyển sách “Bác Ba Phi kể chuyện”. Mục tiêu của quyển sách được nhấn mạnh trong lời giới thiệu: “Qua 56 câu chuyện trong quyển sách khiêm tốn này, bạn đọc gần xa ít nhiều sẽ tìm thấy những gì nguyên sơ, kỳ thú nhất mà mảnh đất nằm ở phía cực Nam Tổ quốc từng sở hữu và gợi lại phong vị của Ðất và Người Cà Mau một thời, được trao truyền và gìn giữ cho đến tận ngày nay”.

Chuyện kể bác Ba Phi là loại hình văn học dân gian, có công lao đóng góp của nhiều lớp người hữu danh hoặc vô danh trong việc làm phong phú thêm về nội dung, giàu có thêm sức sống, văn bản hoá để gìn giữ, lưu truyền. Giá trị độc đáo của chuyện kể bác Ba Phi nằm ở chỗ đem lại tiếng cười sảng khoái, niềm tự hào quyện chặt với tình yêu quê hương thắm thiết. Trong đó, chủ đề về kháng chiến trong chuyện kể bác Ba Phi chiếm giữ vị trí khá quan trọng, lý thú.

Sinh thời, Nhà văn Anh Ðộng là người có công lao lớn trong việc hệ thống hoá, văn bản hoá và cả sáng tạo thêm những câu chuyện kể của bác Ba Phi. Cố Nhà văn Anh Ðộng chia sẻ, trong thời gian đi bộ đội ở miệt U Minh Hạ, từng 2 lần diện kiến bác Ba Phi, mê mẩn phong thái, hồn cốt của giọng điệu kể chuyện bác Ba Phi. Khi chúng tôi tìm kiếm tư liệu điền dã, gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Anh, nay hơn 90 tuổi, là con dâu lớn đang hương khói thờ tự bác Ba Phi thì đã thu thập thêm được nhiều thông tin quý. Trong đó, có điều chắc chắn là kho tàng chuyện kể bác Ba Phi có một phần không nhỏ là ứng tác tiếu lâm để phục vụ bộ đội.

Trong chuyện “Bắt rắn hổ”, bối cảnh ấy được tái hiện khá rõ: “Hồi đó, bộ đội về Cơi Năm đóng quân thường xuyên. Thỉnh thoảng tui cũng có lội vô thăm hỏi tình hình và còn đem mấy cây thuốc gò, mấy lố ngoại cảm tán, vài chục lưỡi lam cạo râu tiếp tế”. Chính trong những chuyến thăm hỏi bộ đội đó, bác Ba Phi đã thể hiện năng khiếu, tài nghệ kể chuyện tiếu lâm của mình và ứng tác nên không ít câu chuyện mà giờ đây đã trở thành di sản. Bà Nguyễn Thị Anh còn cho chúng tôi biết rõ thêm: “Hồi đó, nghe bộ đội về là ba tui mừng lắm. Trong rừng thì ba tôi chống xuồng vô tiếp tế, đi cả buổi trời. Bộ đội nhiều lần về gần nhà, ba tui kể chuyện cho anh em nghe cười ngất trước mấy tán cây cổ thụ trước bến sông”.

Chủ đề kháng chiến trong chuyện bác Ba Phi đậm chất lạc quan, vui vẻ. Nó vừa phản ánh trung thực không khí chiến đấu anh dũng, vừa có tác dụng cổ vũ, khẳng định niềm tin trọn vẹn vào thắng lợi trước giặc thù. Có lẽ không ở nơi đâu như Cà Mau, khi giặc đến thì không chỉ con người mà cả những sản vật rừng U Minh Hạ cũng đánh giặc. Những câu chuyện như “Trăn đánh giặc”, “Ong đánh giặc” đầy huyền ảo nhưng vô cùng thuyết phục. Con trăn gấm cái nhà bác Ba Phi nuôi “nuốt trọng” đám lính càn vô xóm, “trong miệng còn ló ra đôi giày bốt”. Bầy ong vò vẽ được bác Ba Phi chờ ban đêm ong chui vô ngủ thì “lấy khúc mốp tiện vừa miệng tổ ong nhét bít lại. Trên cái nút cây làm thế cột sợi dây nhỏ căng ngang đường đi của giặc, gài như gài lựu đạn”.

Trong những lần tác nghiệp, thu thập tư liệu về những cách đánh giặc “độc nhất vô nhị” của quân và dân Cà Mau, chúng tôi bật ngửa ra rằng, chuyện ong đánh giặc là hoàn toàn có thật. Tại căn cứ địa cách mạng ở Xẻo Ðước, Phú Mỹ, Phú Tân, nơi đứng chân của đầu não kháng chiến căn cứ Tỉnh uỷ Cà Mau, những bậc cao niên thuật lại chi tiết. Ong vò vẽ còn nhỏ, bà con lấy ổ đặt ở những đường mà giặc hay hành quân càn quét. Phía ta mặc áo bộ đội, cho ong ăn hàng ngày bằng cá sình. Ong lớn lên thì vừa cho ăn, vừa cho người mình giả mặc đồ rằn ri giống tụi giặc để chọc phá. Vậy là hễ thấy tụi giặc là ong túa ra đánh vì tội chọc phá. Cứ thế, tụi giặc bị ong đánh liểng xiểng, không dám nghênh ngang càn quét như trước nữa.

Chuyện kể bác Ba Phi thoạt tiên dễ lầm tưởng chỉ là hư cấu, “nói dóc”, thật ra lại ăm ắp tính thời sự. Nghe ông kể chuyện “chém trực thăng” thôi cũng đủ nức lòng: “Hai chiếc cán gáo chọi bọc phá nổ ình ình... Tiếng con nít, tiếng đàn bà khóc la thảm thiết. Ruột gan tui như bị ai vò xé chín khúc. Không biết sợ là gì nữa, tui vung phản nhào vô chém ngay đầu”. Nếu không xuất phát từ lòng căm thù giặc sâu sắc, không đau đớn với hiện thực chiến tranh tàn khốc, không có những tin tức người dân khắp nơi ở Cà Mau vùng lên đánh giặc, lập những chiến công hiển hách, bác Ba Phi đã không đủ chất liệu để sáng tạo nên câu chuyện này một cách sinh động như thế.

Còn đây nữa, trong chuyện “Diệt tàu”, bác Ba Phi gọi mình là “Vi Ci” (tức VC, Việt cộng - PV) thứ thiệt. Bác Ba Phi đã nhờ chủ lò rèn nối lại mười cái cưa sắt để căng ngang Sông Ðốc, khúc quẹo vô vàm Rạch Lùm. Kết quả là cắt ngọt đứt đôi mười chiếc tàu giặc. Câu chuyện này được kể hóm hỉnh, cô đặc lại từ những chiến công vang dội của quân và dân ta trong những trận đánh diệt tàu với cách bày binh, bố trận sáng tạo, độc đáo. Phảng phất trong đó là hình ảnh bác Ba Phi túc trực, kề cận với bộ đội, sướng vui với những chiến thắng của quê hương trước giặc thù.

Chủ đề kháng chiến còn phảng phất xuyên suốt trong nhiều câu chuyện kể khác của bác Ba Phi. Ở đó, người ta nhận thấy sự phát triển đầy khách quan của tâm lý nhân vật chính - bác Ba Phi: Từ một người nông dân yêu quê hương, xứ sở, cho đến sự căm thù giặc sục sôi và cuối cùng là những câu chuyện đánh giặc trực diện, quyết liệt. Thế trận toàn dân đánh giặc với tư thế anh dũng, hiên ngang, chung sức, chung lòng được phản chiếu đậm đà, sinh động. Ðể rồi, điều đọng lại chính là niềm tin tất thắng, tư thế chiến thắng hiên ngang của Ðất và người Cà Mau.

Ðọc bác Ba Phi, dù ở chiều kích, góc độ nào, dư vị đọng lại cũng sảng khoái, lạc quan. Nó làm cho mỗi người con Cà Mau thêm hiểu, thêm yêu về quê hương xứ sở. Ðó là thứ mật ong của rừng tràm già U Minh Hạ, càng đượm, càng nồng theo thử thách của thời gian...

 

Phạm Quốc Rin

 

Giọng của sắc màu

Lật giở từng trang sách ảnh “Giọng của sắc màu”, thưởng thức trọn vẹn mới thấy hết sự kỳ công qua từng tác phẩm. Ðó là tập hồi ký về một hành trình dài của sự sáng tạo, phải nhọc nhằn, bền bỉ và tinh tế lắm thì đôi vợ chồng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trương Hoàng Thêm và Ðỗ Thuỳ Mai mới bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên, con người, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chạm sâu cảm xúc.

"Sức mạnh nội tại" của Nam Anh

"Sức mạnh của nội tại" được viết với giọng văn tự sự, giàu cảm xúc, kể về chính cuộc đời của Nam Anh khi từng rơi vào trầm cảm, là nạn nhân của bạo lực gia đình... Phóng viên báo Cà Mau có dịp gặp gỡ tác giả - người mẫu, diễn viên Nam Anh để tìm hiểu về quyển sách này.

Ðọc “Vượt khỏi ao tù” như tìm thấy một phần chính mình

Chủ đề kháng chiến trong “Bác Ba Phi kể chuyện”

(CMO) Năm 2020, UBND tỉnh Cà Mau đã đứng ra tổ chức sưu tầm, biên soạn và phát hành quyển sách “Bác Ba Phi kể chuyện”. Mục tiêu của quyển sách được nhấn mạnh trong lời giới thiệu: “Qua 56 câu chuyện trong quyển sách khiêm tốn này, bạn đọc gần xa ít nhiều sẽ tìm thấy những gì nguyên sơ, kỳ thú nhất mà mảnh đất nằm ở phía cực Nam Tổ quốc từng sở hữu và gợi lại phong vị của Ðất và Người Cà Mau một thời, được trao truyền và gìn giữ cho đến tận ngày nay”.

Góc nhìn khác về giáo dục trẻ nhỏ

(CMO) “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” nêu bật tư duy mới về giáo dục trẻ nhỏ. Ðây là cuốn sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ em giai đoạn từ 0-3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru. Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, ông khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0-3 tuổi. Từ đó, ông đưa ra những giải pháp giúp các bậc cha mẹ tạo môi trường tốt nhất để trẻ phát huy hết khả năng của mình.

Thú vị cùng “Bốn nhà văn nhà số 4”

(CMO) Cuốn sách tư liệu văn học “Bốn nhà văn nhà số 4” (nhà số 4 là tên gọi thân quen của giới văn chương khi nhắc đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Ðế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được nhà phê bình Ngô Thảo in thành sách, gồm 4 tên tuổi lớn: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải và Thu Bồn, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành.

Phép trị nước của người xưa

(CMO) Phan Huy Chú viết "Lịch triều hiến chương loại chí" và dâng lên vua Minh Mạng năm 1821 khi ông bắt đầu làm quan ở Viện Hàn Lâm. Nhận thấy tầm quan trọng của bộ sách, vua Minh Mạng đã cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến.

“Những sự kiện lịch sử cách mạng tỉnh Cà Mau (1930-1975)” Cuốn sách đậm lời tri ân

(CMO) Nhà giáo Nhân dân, Tiến  sĩ  Thái  Văn  Long  đã  sưu  tầm,  biên  soạn, cho ra mắt  cuốn  sách “Những  sự  kiện  lịch  sử  cách  mạng  tỉnh  Cà  Mau (1930-1975)” đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.