ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 17:46:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðọc “Vượt khỏi ao tù” như tìm thấy một phần chính mình

Báo Cà Mau

Một con ếch với ý nghĩ táo bạo muốn khám phá cuộc sống, tìm kiếm môi trường mới để thể hiện khả năng của mình.

Vậy là một ngày nọ, nó quyết thoả ước muốn, thực hiện bước nhảy mang dấu ấn cả cuộc đời: nó rời xa cái ao tù, nơi cuộc sống của nó đã bắt đầu cho đến khi rời bỏ.

Cái ao tù là nơi ếch được sinh ra. Từ màng trứng, nó thành nòng nọc và tứ chi phát triển thành ếch Ping. Nó từng chung sống với tất cả phù du trong nước, cá, rùa và cả chim muông đến ao tù để tìm mồi. Nhưng Ping không chấp nhận cuộc sống dự báo sẽ kham khổ khi nước trong ao cạn dần. Nó chán ngán cảnh an nhàn của lũ cá trừng lên mặt nước cạn để nhìn bầu trời; không chấp nhận cảnh sống cam chịu của lũ rùa.

“Thật ra cái ao đã bắt đầu cạn dần một thời gian trước đó. Nhưng hầu hết cư dân sống trong ao chẳng hề bận tâm - chuyện đời vốn dĩ như vậy.

Như lũ rùa chẳng hạn, chúng lại khá thích thú với điều đó miễn là chúng còn đủ nước để bơi lòng vòng... Thậm chí hứng thú hơn vì có thể phơi cái mai của mình dưới ánh mặt trời như khi nhô lên mặt nước...

Thật lòng mà nói, các cư dân trong ao đều cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống của mình và tuyệt nhiên không có tiếng càu nhàu, xì xầm hay than phiền gì cả. Hầu hết đều sống một cuộc sống bình thường ngày qua tháng lại mà không hề mảy may nghĩ ngợi gì” (trang 15, Bước nhảy của niềm tin).

Ý nghĩ táo bạo và cuộc hành trình đầy thú vị của ếch Ping sẽ là động lực lớn cho những ai đã và đang có những ý nghĩ lệch lạc, tiêu cực, hoang mang về cuộc sống thực tại. Từ hình ảnh, ý chí của Ping sẽ là động lực, bài học cho những ai đã và đang chùn bước sẽ trỗi dậy, hoặc mạo hiểm, đương đầu với sự thay đổi.

Ðọc “Vượt khỏi ao tù”, như tìm thấy một phần cuộc sống của chúng ta trong Ping. Ðó là hành trình tìm kiếm con đường đi cho riêng mình, cho lẽ sống, cho sự tồn tại. “Vượt khỏi ao tù” không là sự trốn chạy đáng mỉa mai trước khó khăn, mà là quá trình đấu tranh nội tâm, đấu tranh với chính bản thân, dám thay đổi, dám chấp nhận. Ping đã nghĩ và làm được.

“Trong khi Ping ngồi giữa bùn lầy suy tư về những lựa chọn của mình thì nó bỗng ngộ ra một điều: cuộc sống của nó phải là cuộc sống có mục đích. Ping quyết định quên đi quá khứ, hướng tới tương lai và nung nấu ý tưởng mới tuyệt vời cho hướng đi cuộc sống của mình...” (trang 25, Bước nhảy của niềm tin).

Và trong hành trình tìm chân trời mới, Ping đã gặp được chim Cú - bậc thầy am hiểu về tâm lý và cuộc sống. Từ đây, Ping và Cú cùng trải qua chặng đường gian nan để tôi luyện tinh thần, vượt lên thử thách nhằm tìm ra con đường mới. Con đường sống có chủ đích giữa cuộc đời. Tìm ra nơi mà mỗi loài, mỗi người có thể nắm giữ vận mệnh của chính mình.

“Hạnh phúc là cái cốt lõi nhất trong thực tại của chúng ta, nó ẩn mình bên trong và sẵn sàng chờ ta đến với nó một cách xứng đáng... Khi chúng ta làm theo đúng bản chất vốn có của mình, chúng ta sẽ thể hiện hết tâm hồn, tài năng, năng khiếu, đam mê, sức mạnh, nhận thức sâu sắc nhất về việc mình là ai và chúng ta mơ ước mình sẽ trở thành người như thế nào...” (trang 133, Giai điệu dòng chảy).

“Vượt khỏi ao tù” với 7 chương, mỗi chương là một trải nghiệm với triết lý sống thú vị từ Nhãn quan thông suốt đến Bước nhảy niềm tin, Thử nghiệm, Tìm kiếm tầm nhìn... đến Hoà mình cùng dòng chảy.

Với câu chuyện hấp dẫn của Ping, tác giả Stuart Avery Gold dẫn dắt bạn đọc vào một chuyến phiêu lưu cực kỳ thú vị của ếch Ping nhằm tìm kiếm sự thay đổi, thay đổi từ chính nội tâm mình./.

 

Phong Phú

 

Giọng của sắc màu

Lật giở từng trang sách ảnh “Giọng của sắc màu”, thưởng thức trọn vẹn mới thấy hết sự kỳ công qua từng tác phẩm. Ðó là tập hồi ký về một hành trình dài của sự sáng tạo, phải nhọc nhằn, bền bỉ và tinh tế lắm thì đôi vợ chồng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trương Hoàng Thêm và Ðỗ Thuỳ Mai mới bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên, con người, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chạm sâu cảm xúc.

"Sức mạnh nội tại" của Nam Anh

"Sức mạnh của nội tại" được viết với giọng văn tự sự, giàu cảm xúc, kể về chính cuộc đời của Nam Anh khi từng rơi vào trầm cảm, là nạn nhân của bạo lực gia đình... Phóng viên báo Cà Mau có dịp gặp gỡ tác giả - người mẫu, diễn viên Nam Anh để tìm hiểu về quyển sách này.

Ðọc “Vượt khỏi ao tù” như tìm thấy một phần chính mình

Chủ đề kháng chiến trong “Bác Ba Phi kể chuyện”

(CMO) Năm 2020, UBND tỉnh Cà Mau đã đứng ra tổ chức sưu tầm, biên soạn và phát hành quyển sách “Bác Ba Phi kể chuyện”. Mục tiêu của quyển sách được nhấn mạnh trong lời giới thiệu: “Qua 56 câu chuyện trong quyển sách khiêm tốn này, bạn đọc gần xa ít nhiều sẽ tìm thấy những gì nguyên sơ, kỳ thú nhất mà mảnh đất nằm ở phía cực Nam Tổ quốc từng sở hữu và gợi lại phong vị của Ðất và Người Cà Mau một thời, được trao truyền và gìn giữ cho đến tận ngày nay”.

Góc nhìn khác về giáo dục trẻ nhỏ

(CMO) “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” nêu bật tư duy mới về giáo dục trẻ nhỏ. Ðây là cuốn sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ em giai đoạn từ 0-3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru. Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, ông khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0-3 tuổi. Từ đó, ông đưa ra những giải pháp giúp các bậc cha mẹ tạo môi trường tốt nhất để trẻ phát huy hết khả năng của mình.

Thú vị cùng “Bốn nhà văn nhà số 4”

(CMO) Cuốn sách tư liệu văn học “Bốn nhà văn nhà số 4” (nhà số 4 là tên gọi thân quen của giới văn chương khi nhắc đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Ðế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được nhà phê bình Ngô Thảo in thành sách, gồm 4 tên tuổi lớn: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải và Thu Bồn, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành.

Phép trị nước của người xưa

(CMO) Phan Huy Chú viết "Lịch triều hiến chương loại chí" và dâng lên vua Minh Mạng năm 1821 khi ông bắt đầu làm quan ở Viện Hàn Lâm. Nhận thấy tầm quan trọng của bộ sách, vua Minh Mạng đã cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến.

“Những sự kiện lịch sử cách mạng tỉnh Cà Mau (1930-1975)” Cuốn sách đậm lời tri ân

(CMO) Nhà giáo Nhân dân, Tiến  sĩ  Thái  Văn  Long  đã  sưu  tầm,  biên  soạn, cho ra mắt  cuốn  sách “Những  sự  kiện  lịch  sử  cách  mạng  tỉnh  Cà  Mau (1930-1975)” đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.