(CMO) Phan Huy Chú viết "Lịch triều hiến chương loại chí" và dâng lên vua Minh Mạng năm 1821 khi ông bắt đầu làm quan ở Viện Hàn Lâm. Nhận thấy tầm quan trọng của bộ sách, vua Minh Mạng đã cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến.
Lịch triều hiến chương loại chí, ghi chép dữ liệu lịch sử từ thời Hồng Bàng đến Lê Mạt, gồm 49 quyển, chia làm 10 phần: Phần 1 là Ðịa dư chí (từ quyển 1 đến quyển 5): chép về địa lý và lịch sử địa lý Việt Nam trải qua các triều đại và phong thổ từng vùng. Phần 2 Nhân vật chí (từ quyển 6 đến quyển 12): chép về tiểu sử và tiểu truyện của các đế vương, những bậc hiền tài, danh tướng, danh nho, những người tiết nghĩa của Việt Nam. Phần 3 Quan chức chí (từ quyển 13 đến quyển 19): chép về danh hiệu, chức vụ, phẩm tước, lương bổng và cách tuyển cử quan lại dưới các triều đại. Phần 4 Lễ nghi chí (từ quyển 20 đến quyển 25): chép về các điển lễ thuộc về triều nghi, tế tự, tông miếu, khánh hạ, quốc tang, tấn tôn, sách phong. Phần 5 Khoa mục chí (từ quyển 26 đến quyển 28): chép về phép tắc các chương trình thi cử (thi Hương, thi Hội, thi Ðình). Phần 6 là Quốc dụng chí (từ quyển 29 đến quyển 32): chép về các phép dinh điền (hộ khẩu), các ngạch thuế, các phép thu thuế, chế độ ruộng đất, tiền tệ. Phần 7 là Hình luật chí (từ quyển 33 đến quyển 38): chép về luật lệ và hình phạt. Phần 8 là Binh chế chí (từ quyển 39 đến quyển 41): chép về việc tuyển lính, cách luyện tập, cách tổ chức quân đội. Phần 9 là Văn tịch chí (từ quyển 42 đến quyển 45): chép về sách vở do người Việt sáng tác, trải qua các triều đại. Phần 10 Bang giao chí (từ quyển 45 đến quyển 49): chép về việc bang giao các đời, nghi lễ đón tiếp sứ thần các nước.
“Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí” (NXB Trẻ phát hành năm 2014) bao gồm nội dung của 3 phần: phần 5, phần 6 và phần 7 trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú. Bộ sách được xem là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của nước ta, là cả một kho tư liệu có giá trị khoa học cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội. Không những phong phú về nội dung mà bộ sách đã được chính tác giả phân loại, hệ thống hoá theo phương pháp khoa học.
Ðối với nội dung Khoa mục chí, bạn đọc được biết đến đại cương phép thi các đời; thể lệ thi Hương, thi Hội; thể lệ thi Ðình, ban yến, vinh quy; số người lấy đỗ trong các khoa. Qua đó, có thể thấy được cách dùng người của triều đình xưa bởi “Cái việc văn chương rất quan hệ đến thế đạo, xem việc thi cử hay hay dở, biết Nhà nước thịnh hay suy. Phép thi các đời có hay có dở, trong khoảng diên cách cần phải xét cho kỹ”.
Phần bình luận của Phan Huy Chú sau mỗi phần viết cũng rất thú vị. Xét về vấn đề thi cử ông có luận rằng: “Cách chọn người nên lấy đức hạnh làm gốc, nếu người có bản lĩnh tốt thì dẫu kiêm thông cả cửu lưu tam giáo, cũng chẳng hại gì. Nếu chỉ học cho mỏi miệng ỏi tai, buộc mình theo khuôn khổ, xét đến thực lực cũng chỉ như người đánh dấu thuyền tìm gươm, người ôm gốc cây đợi thỏ, thì sao gọi là nho được!”.
Nội dung về Quốc dụng chí cho ta biết cách thời xưa định hộ tịch, thu thuế, cách dùng tiền tệ, chế độ ruộng đất, đánh thuế chuyên lợi, thuế tuần thuế đò, lệ trung thu, các việc chi phí thường…”. Cái nguồn sinh ra của cải ở trời đất, mà cách quản lý của cải là ở người trên, nếu không xếp đặt có phương pháp thì làm sao cho của cải lưu thông mà đủ dùng được?”.
Công cụ trị nước tất phải có hình luật để răn điều gian dối và nghiêm sự cấm ngăn. Từ khi bắt đầu có Nhà nước là các hình luật theo đó cũng ra đời. Hình luật chí gồm các nội dung về đại cương việc sửa định (luật lệ) qua các đời, sự phân biệt danh hiệu và thể lệ của hình luật, luật cấm vệ và quân chính, luật hộ hôn điền sản, luật đạo tặc gian dâm, luật đánh nhau, kiện cáo, gian dối, luật trái phép và phạm tội vặt, luật bắt bớ và xử án, luật sự lệ khám xét việc kiện… Qua đó cho thấy “Hình là cái giúp cho công việc trị nước, tuy trong đạo chính trị không phải là cái đi trước, nhưng luật pháp để cấm dân làm bậy thì thánh nhân có bao giờ bỏ đâu. Cho nên điều luật và lệnh cấm là để phòng ngừa trong việc trị nước”.
Tất cả điển lệ về hình, điều mục về luật, đều chép đủ và rõ, để người đọc có chỗ khảo cứu.
Tuy vẫn còn nhiều thiếu sót, có thể do điều kiện lịch sử đã hạn chế tầm quan sát của tác giả - khiến tác giả không thể có cái nhìn phán đoán chính xác hơn, nhưng những giá trị của quyển sách vẫn không thể nào phủ nhận được. Nhất là người biên soạn đã mang đến không khí gợi hồn xưa bâng khuân xuyên thời gian qua ngôn ngữ tác phẩm./.
Minh Anh