(CMO) Cuốn sách tư liệu văn học “Bốn nhà văn nhà số 4” (nhà số 4 là tên gọi thân quen của giới văn chương khi nhắc đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Ðế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được nhà phê bình Ngô Thảo in thành sách, gồm 4 tên tuổi lớn: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải và Thu Bồn, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành.
Cả 4 nhà văn trên đều được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ðiều đặc biệt nữa, 4 nhà văn này đều có tác phẩm tiêu biểu cho thành tựu của nền văn học cách mạng và kháng chiến.
Ông Ngô Thảo là người nổi tiếng trong văn giới thủ đô và cả nước bởi sự quảng giao, rất yêu thương, chăm sóc bạn hữu, đồng nghiệp. Ông từng là lính trước khi bước vào nghiệp phê bình văn chương ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Do đó, điểm nổi bật đầu tiên của cuốn sách "Bốn nhà văn nhà số 4" là tính tư liệu của nó, đúng như phụ đề tác giả đã cho ghi ở bìa sách. Với thuận lợi là “người trong nhà” (nhà phê bình Ngô Thảo từng có thời gian làm việc cùng các nhà văn trên tại nhà số 4), tác giả đã cung cấp cho độc giả những tư liệu tin cậy.
Không chỉ được đọc những bài viết của Ngô Thảo về bốn nhà văn ông quan tâm mà bạn đọc còn được đọc những nghĩ suy, tâm sự của chính họ nói ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau mà nhà phê bình Ngô Thảo đã biết nghe và biết ghi lại một cách trực tiếp, chân thực, tươi rói, sống động. Những điều này ông đã tập hợp lại và xuất bản thành một tập sách với tên gọi "Dĩ vãng phía trước" (2011, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội). Bây giờ, ở cuốn sách mới này, ông trích ra từng phần riêng của từng người cùng với các bài viết của mình về họ, càng làm nổi bật hơn chân dung của bốn nhà văn.
Trong quyển sách này ông có 9 bài về Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, 7 bài về Nguyễn Khải, 8 bài về Nguyễn Minh Châu và 9 bài về Thu Bồn. Ðây có thể nói là trường hợp hiếm khi một nhà nghiên cứu phê bình tập trung sự chú ý vào đối tượng của mình lâu dài và kỹ lưỡng đến thế. Có lẽ, bằng trực giác của một nhà phê bình văn học, Ngô Thảo đã nhìn thấy ở bốn nhà văn này những đối tượng đáng nghiên cứu như những trường hợp riêng của một bức tranh chung là văn học của người lính, viết về người lính, rộng ra là văn học viết về chiến tranh. Ông đã viết về Nguyễn Minh Châu với tiểu thuyết "Dấu chân người lính" từ năm 1972, về Nguyễn Khải với tiểu thuyết "Chiến sĩ" từ năm 1973, về Thu Bồn với tiểu thuyết "Dưới đám mây màu cánh vạc" từ năm 1975, về Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi với những cuốn sổ ghi chép để lại từ năm 1984.
Qua 500 trang sách, với cách sắp xếp và kể chuyện về chuyện đời, chuyện nghề của 4 nhà văn nổi tiếng, nhà phê bình Ngô Thảo đưa độc giả gặp lại những địa danh, hình tượng đẹp, những anh hùng và cả những con người bình thường đã vượt qua bao gian nan, nguy hiểm, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của dân tộc. Quyển sách tuy chỉ gồm 4 nhà văn, nhưng giúp độc giả hình dung được cả chiều rộng lẫn bề sâu của nền văn học cách mạng và kháng chiến. Qua 500 trang sách, độc giả được gặp lại những hình tượng đẹp, những người anh hùng và cả những con người bình thường - từ Cồn Cỏ đảo thép, Trị Thiên - Huế “nơi đụng đầu lịch sử”, đến đường Trường Sơn trong mây, qua Tây Nguyên bất khuất vào tận cửa ngõ Sài Gòn…, đã vượt qua bao gian nan, nguy hiểm, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của dân tộc mùa xuân 1975./.
Minh Trí