(CMO) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tuyên truyền lợi ích của việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu; hướng dẫn hộ dân thực hiện đăng ký kê khai sản xuất theo quy định để quản lý, chỉ đạo sản xuất, làm cơ sở để xem xét hỗ trợ tái sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, dịch tả heo châu Phi... xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất cũng như đời sống của người dân. Chính vì vậy, việc kê khai đăng ký sản xuất ban đầu là hết sức cần thiết.
Ðến tháng 4/2023, người dân đã hoàn thành việc đăng ký sản xuất ban đầu năm 2023 trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản (nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến 21.812 ha; nuôi cua, tôm càng xanh xen canh gần 25.000 ha; các loại cá truyền thống 128 ha; gia súc có 43.763 con, gia cầm 292.122 con; rau màu 57 ha, cây chuối 2.700 ha, cây ăn trái các loại 475 ha).
Người dân chủ động kê khai sản xuất ban đầu. |
“Ðơn vị khẩn trương rà soát phương án sản xuất trên từng lĩnh vực, hướng dẫn khung lịch thời vụ cụ thể theo từng vùng để người dân thực hiện. Ðồng thời, tăng cường hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là thuỷ sản nuôi trong thời gian cao điểm mùa khô và chuyển mùa; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt khâu chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua các loại giống buôn bán tràn lan, dẫn đến sản xuất đạt hiệu quả không cao”, bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, thông tin.
Ông Võ Văn Dội, Ấp 4, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Theo dự báo của các ngành chức năng, năm nay có thể xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm 2023, tôi đăng ký sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương gồm sản xuất lúa - tôm với 65 ngàn con tôm giống, xen canh 6 ngàn con cua, 25 ngàn con tôm càng xanh; 65 con vịt, gà... Trong quá trình sản xuất nếu có thiệt hại do thiên tai gây ra thì sẽ được Nhà nước xem xét hỗ trợ”.
Cũng theo bà Trần Hồng Ửng: “Việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu là điều kiện cần thiết đối với hộ sản xuất, là cơ sở để Nhà nước hỗ trợ khi không may bị thiên tai, dịch bệnh và rủi ro trong sản xuất; giúp nông dân có được nguồn vốn tái đầu tư. Những năm qua, người chăn nuôi đã đăng ký thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện chưa được hỗ trợ từ năm 2020 đến hết năm 2022 là 67 hộ, tiêu huỷ 1.239 con heo bị mắc bệnh, nhu cần hỗ trợ gần 3 tỷ 825 triệu đồng”.
Tất cả các trường hợp bị thiệt hại nói trên đều chưa được áp dụng cơ chế, chính sách để được Nhà nước hỗ trợ, do Quyết định số 2254/QÐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực và chưa có hướng dẫn mới về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi, nên việc hỗ trợ thiệt hại chưa kịp thời.
Trước tình hình trên, bà Trần Hồng Ửng cho biết, đã kiến nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện tạm ứng nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện, để người dân an tâm lao động sản xuất./.
Trọng Nguyễn