(CMO) “Công tác quản lý, khai thác vận hành hệ thống các công trình thuỷ lợi đã đi vào hệ thống, từng bước chủ động kiểm soát nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, tiêu úng, xổ phèn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đánh giá.
Theo quy hoạch chung, tỉnh chia thành 2 vùng sản xuất: Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau, với 23 tiểu vùng. Trong đó, vùng Bắc Cà Mau có 5 tiểu vùng với diện tích tự nhiên 154.414 ha, thuộc 3 huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời; vùng Nam Cà Mau bao gồm vùng quản lộ Phụng Hiệp có 18 tiểu vùng với diện tích tự nhiên 249.617 ha.
Theo quy hoạch điều chỉnh quy hoạch này, vùng phía Bắc tỉnh chủ yếu là phát triển sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp theo hệ sinh thái nước ngọt (trồng lúa, rừng ngập úng phèn, rau màu thực phẩm, thuỷ sản nước ngọt). Vùng phía Nam tỉnh chủ yếu sản xuất theo hệ sinh thái nước lợ, nước mặn (nuôi thuỷ sản nước lợ và nước mặn, trồng lúa luân canh trên đất nuôi tôm, phát triển rừng ngập mặn).
Theo đó, Tiểu vùng III Bắc Cà Mau là hệ thống thuỷ lợi chủ yếu phục vụ vùng ngọt hoá, bao quanh bởi hệ thống đê và cống ngăn triều, kiểm soát mặn và giữ ngọt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và một phần huyện U Minh. Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 363 tỷ đồng. Giai đoạn 2, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thuỷ lợi Tiểu vùng II, III và V có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ðến ngày 1/10/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 3917/QÐ-BNN-XD điều chỉnh giảm bớt đầu tư các trạm bơm tại đầu kênh Sáu Tiến, Cống T29 và Khai Hoang, thuộc Tiểu vùng III, giảm mức đầu tư của dự án xuống mức 456 tỷ đồng.
Hệ thống trạm bơm ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, nằm trong Tiểu vùng III Bắc Cà Mau đang phát huy hiệu quả tháo úng xổ phèn. |
Ông Hồ Văn Thanh, nông dân xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, cho biết, từ khi Tiểu vùng III Bắc Cà Mau được đầu tư khép kín, hiệu quả sản xuất của người dân được nâng lên đáng kể. Ðặc biệt, tình trạng ngập úng và xâm nhập mặn không còn xảy ra, theo đó năng suất lúa không ngừng tăng lên. “Vụ lúa đông xuân năm nay của gia đình vừa được thu hoạch trên 40 giạ/công, tương đương 1 tấn, cao nhất từ trước đến nay”, ông Thanh khoe.
Riêng dự án đầu tư hệ thống thuỷ lợi Tiểu vùng II và V Nam Cà Mau giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 442 tỷ đồng. Riêng Tiểu vùng II Nam Cà Mau thuộc các xã Thạnh Phú, Phú Hưng, huyện Cái Nước và xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, là vùng chuyên canh cây lúa. Nhưng kể từ năm 2001, trước xu thế chuyển đổi sản xuất, phần lớn diện tích đất canh tác lúa đã chuyển sang hình thức canh tác tôm - lúa và tôm quảng canh, dự án thuỷ lợi Tiểu vùng II Nam Cà Mau được đầu tư theo Quyết định số 09/QÐ-CTUB ngày 6/1/2003 của UBND tỉnh với tổng mức đầu tư 110,912 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi, nhận định: "Từ khi các Tiểu vùng II, III, V được đầu tư góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, tháo úng, rửa phèn để phát triển sản xuất lúa 2 vụ trên vùng ngọt, 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm; đồng thời, hạn chế các thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt; cơ bản đáp ứng mục tiêu dự án đề ra. Ngoài ra, dự án còn tác động tích cực đến đời sống, kinh tế, văn hoá - xã hội và về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có mặt hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, như giữa các tiểu vùng chưa được đầu tư khép kín và hoàn thiện, nhất là trong nội vùng giữa các ô thuỷ lợi, nước chưa được điều tiết phù hợp theo nhu cầu sản xuất; trong thời gian tới, khả năng không đáp ứng được mục tiêu chủ động điều tiết nước do phù sa bồi lắng, thiếu nguồn nước ngọt cũng như việc chống tràn, nước biển dâng do cao trình không còn phù hợp”, ông Nam băn khoăn.
Có thể thấy, các công trình thuỷ lợi không chỉ đảm nhận tốt vai trò ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ tưới tiêu mà còn thúc đẩy phát triển đa ngành theo hướng vững bền, góp phần quan trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nước, nguồn lực đầu tư các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh./.
Trung Ðỉnh