(CMO) Những ngày gần đây, rầy nâu bắt đầu xuất hiện trên trà lúa hè thu ở huyện Trần Văn Thời. Toàn huyện hiện có hơn 25.700 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ nên dễ bị rầy nâu gây hại. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng trừ rầy nâu.
Nhờ thường xuyên theo dõi đồng ruộng mà bà Hồ Thị Ðẹp (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình) phát hiện lúa của mình bị rầy nâu gây hại và tiến hành phun thuốc phòng trừ kịp thời. Bà Ðẹp cho biết: “Lúc này, hàng ngày tôi đều ra ruộng làm cỏ, thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh trên lúa. Mấy ngày trước, tôi thấy có rầy nâu xuất hiện nên kêu con đi mua thuốc về xịt, sau khi xịt thấy bớt, chắc không ảnh hưởng đến lúa nữa. Bây giờ lúa đã trổ rộ, chỉ sợ bệnh đạo ôn cổ bông thôi”.
Thấy thời tiết mưa nắng thất thường nên mấy ngày nay ông Trần Văn Ðoàn (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình) cũng thường xuyên theo dõi đồng ruộng. Ông Ðoàn đánh giá: “Ruộng của tôi cũng có rầy nâu, nhưng số lượng còn ít, chưa đến mức phải phun xịt thuốc phòng trừ. Tôi cũng đã mua sẵn thuốc, nếu thời gian tới thấy số lượng rầy nhiều thì sẽ tiến hành phun xịt ngay”.
Xã Khánh Bình cử người cùng nông dân ra đồng kiểm tra rầy nâu. |
Theo điều tra, dự báo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, sắp tới sinh vật gây hại trên lúa hè thu chủ yếu là rầy nâu. Các giống lúa dễ bị nhiễm rầy như ST24, RVT, Ðài thơm 8, OM5451, Hương châu 6…, phân bố tại các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải và thị trấn Trần Văn Thời.
Trước tình hình trên, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thông báo và đề nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng để phát hiện rầy nâu sớm và phòng trừ kịp thời. Khi thấy rầy nâu xuất hiện với mật độ từ 2-3 con/tép lúa thì tiến hành phun thuốc ngay. Ngoài ra, hướng dẫn nông dân sử dụng một số loại thuốc phòng trừ rầy nâu đạt hiệu quả để bà con chủ động trong việc phun xịt.
Theo đó, UBND các xã, thị trấn cử người xuống địa bàn, thông báo tình hình rầy nâu cho các ấp, khóm nắm để nhắc nhở bà con nông dân nâng cao ý thức bảo vệ trà lúa. Ông Huỳnh Văn Sáu (Ấp 4, xã Khánh Bình) cho biết: “Từ khi xuống giống vụ lúa hè thu đến nay, các loại sâu bệnh ít gây hại nên cũng yên tâm. Thời gian qua tôi thăm đồng thường xuyên, nhưng chưa có sâu bệnh nào đáng lo ngại, chỉ có chuột cắn phá hơi nhiều nên tập trung diệt chuột. Hiện tại, lúa của tôi đã trổ rộ. Qua thông báo của khuyến nông xã, tôi sẽ thăm đồng thường xuyên hơn, nếu có rầy nâu xuất hiện gây hại sẽ tìm cách phòng trừ”.
Ngoài rầy nâu, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân cần lưu ý một số bệnh khác trên lúa, như cháy bìa lá và bệnh đạo ôn cổ bông. Nhất là hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều diện tích lúa đang trổ, nếu bị nhiễm đạo ôn cổ bông thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trà lúa./.
Anh Quốc