ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:40:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chữ "hiếu"

Báo Cà Mau Hắn là đứa may mắn nhất trong gia đình. Hắn được học hành đến nơi đến chốn. Ra trường hắn có một công việc ổn định nơi thành phố. Rồi hắn lập gia đình. Vợ chồng hắn cất một căn nhà khá khang trang tại trung tâm thành phố. Trước kia, vào mỗi dịp cuối tuần hay ngày lễ, hắn thường về quê thăm ba hắn - ông Thân - và đều gửi cho ông ít tiền để ăn sáng.

Ấy vậy mà từ khi hắn ăn nên làm ra và lấy vợ, mua nhà trên thành phố, hắn ít khi về quê. Có hôm sốt ruột vì không thấy hắn về, ông Thân gọi điện lên hỏi thăm thì hắn bảo hắn bận việc này, việc nọ. Lúc nào hắn cũng viện lý do. Nhưng hắn có bận gì đâu, ngày cuối tuần vợ chồng hắn đưa nhau đi chơi đủ nơi, tận hưởng mọi thứ ngon vật lạ trên đời, mặc kệ cho ông lão ở dưới quê đang mong ngóng. Lúc nào ông Thân gọi điện lên hỏi thăm thì hắn nghĩ rằng ông xin xỏ tiền bạc. Nên có lúc hắn nghe máy, có lúc hắn chẳng nghe. Ông Thân thấy hắn không nghe, lại lo lắng hơn nên cứ gọi. Có hôm hắn bực tức quát:

- Tui đang bận việc, ông gọi gì mà gọi mãi thế! Thôi nhé!

Nói xong, hắn bấm tắt. Ông Thân sửng sốt trước câu trả lời của hắn. Ông không ngờ rằng đứa con mà ông thương yêu nhất từ trước đến nay lại nói với ông những lời như vậy. Ông buông điện thoại xuống, những giọt nước mắt đùng đục trên đôi mắt nhăn nheo của ông chảy xuống. Một đời ông khổ vì con cái, nhưng ông cũng không mong rằng sau này chúng sẽ báo đáp. Hiếu nghĩa thì không ai dạy được, tự khắc mỗi đứa sẽ hiểu và thực hiện. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, ông hiểu điều đó nên ông cũng không trách hắn mà chỉ buồn.

Minh hoạ: Hoàng Vũ

Mẹ hắn mất khi hắn mới ba tuổi. Một mình ông Thân đi làm nuôi bốn đứa con ăn học. Mấy anh chị của hắn học nửa chừng rồi nghỉ vì không có tiền học tiếp, vả lại cũng muốn nhường lại phần học cho hắn. Nuôi một mình hắn học đến nơi đến chốn cũng cả một vấn đề lớn. Ông Thân phải bán tất cả những gì quý giá trong nhà để có tiền cho hắn đèn sách. Ðược cái hắn học cũng khá nên giờ đã thành đạt trong sự nghiệp, nhà cửa, vợ con đề huề.

Hôm vừa rồi, chị của hắn có lên gặp hắn để mượn vài triệu đồng về chữa bệnh cho chồng. Sau một hồi do dự thì hắn đồng ý cho mượn, nhưng ra điều kiện là phải trả trong thời gian sớm nhất vì lý do hắn đang hợp tác làm ăn với đối tác mới nên cần vốn. Nhưng khổ thay, vợ hắn thì không muốn cho mượn. Cô ta lườm nguýt chị và quay sang nói với hắn là sắp tới nào phải mua sữa, đóng học phí cho con, tiền điện, tiền nước, tiền đi chợ… Biết ý, chị hắn không thèm mượn nữa. Chị ra về. Lúc bước ra khỏi cổng, chị có quay lại nói với vợ chồng hắn một câu:

- Cái thứ giàu mà keo!

Vợ hắn hậm hực nói với chồng:

- Cái loại “khố rách áo ôm” đó mà cho mượn tiền. Ðằng nào nó cũng hẹn, hẹn mãi rồi quỵt luôn. Trò đó xưa rồi!

Vợ hắn là giáo viên cấp ba ở thành phố mà ăn nói có lúc như phường chợ búa. Nghe đâu cũng có vài lần bị nhà trường kỷ luật vì chửi lộn với đồng nghiệp, gây mất trật tự. Nhưng kỷ luật cho có hình thức rồi qua chuyện. Ai cũng biết cô ta có bác làm lớn ở tỉnh, thành ra cô ta cứ vênh mặt xem ai cũng không ra gì. Hắn có tính sợ vợ nên mọi việc trong nhà vợ hắn quyết. Hắn đâu dám lên tiếng. Có lúc hắn cũng tức lắm, định sẽ cãi lại một phen, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt trừng trừng của cô vợ thì hồn vía của hắn lại đi đâu mất. Hắn mềm nhũn như cục bột thấm nước. Hắn đành bất lực.

***

Lâu rồi ông Thân không gọi điện, hắn cũng chẳng đoái hoài gì. Hắn càng mừng hơn vì không còn ai quấy rầy hắn nữa. Một buổi tối nọ, hắn đang ngồi uống cà phê với vợ, bỗng chuông điện thoại reo lên. Hắn liếc nhìn nét mặt vợ vì sợ ông già dưới quê gọi lên thì vợ sẽ càu nhàu. Nhưng không phải ông Thân gọi mà là anh Bảo - anh Hai hắn. Hắn cầm điện thoại lên nhìn thấy số và cười nhếch mép khinh khi nói:

- Chắc gọi để mượn tiền hoặc xin xỏ gì đây!

Hắn để chuông đổ một hồi lâu rồi mới bấm nghe. Vừa để máy vào tai, hắn đã nghe anh Bảo quát lớn:

- Thằng khốn! Mày làm gì không nghe máy hả? Mày có biết ba đau nặng không? Mày có còn là con của ba nữa không?

Nói xong, anh Bảo tắt máy. Còn hắn ngồi trơ ra bất động mặc cho vợ hắn gặng hỏi đủ điều. Hắn thấy trong đầu hình ảnh của quá khứ, của tuổi thơ hiện về. Những lần khóc thét vì nửa đêm nhớ mẹ, ông Thân dỗ dành nâng niu cho hắn ngủ. Rồi những lần ốm đau, ông thổi nguội từng muỗng cháo đút cho hắn ăn, âu yếm vỗ về. Qua bao năm tháng, hắn lớn lên, được học hành đàng hoàng rồi có chút thành đạt. Giờ thì sao? Hắn chẳng quan tâm đến ai. Hắn khinh khi tất cả mọi người dưới quê, kể cả những người thân yêu nhất.

Hắn miên man với những suy nghĩ hỗn tạp trong đầu. Bỗng nhiên hắn đứng dậy. Nước mắt của hắn nhỏ xuống từng giọt. Không quan tâm đến những người xung quanh, hắn thét trong cơn nghẹn uất:

- Sai rồi! Sai rồi!...

***

   Hắn định về quê tối hôm đó, nhưng vì trời mưa to, sợ đi đường không an toàn nên vợ hắn không cho đi. Sáng hôm sau, hắn về. Vừa trông thấy hắn, anh Bảo chạy tới nắm cổ áo và cho hắn một cú đấm vào mặt. Hắn chao đảo.

- Mày cút đi cho tao, thằng bất hiếu. Mày còn dám mang mặt về đây nữa hả? Cút đi thằng khốn! - anh Bảo quát.

Hắn không chịu đi. Hắn đứng dậy và tiến lại gần xác ông Thân. Anh Bảo chạy đến định cho hắn vài cú đấm nữa, nhưng mọi người can ngăn chứ không là hắn đã bị một trận no đòn. Ông Thân đã tắt thở tối qua. Mắt ông chưa nhắm hẳn. Mọi người vuốt mấy lần mà cũng không được. Không ai dám vuốt nữa, vì trước khi mất ông có nói là đợi hắn về để nhìn mặt lần cuối. Hắn vuốt ba lần thì ông Thân mới nhắm mắt thanh thản. Hắn úp mặt vào ngực ông khóc nức nở. Hắn thều thào trong cơn nấc:

- Ba ơi! Ba hãy tỉnh lại với con! Con biết lỗi rồi! Con là một thằng bất hiếu…

- Bây giờ mày mới biết mày bất hiếu sao? Có ích gì? Tốt nhất là mày cút khỏi đây để khỏi chướng mắt tao - anh Bảo tức giận nói.

Hắn vẫn chưa rời khỏi xác ông Thân. Hắn khóc. Mọi người xung quanh đang thì thầm nói về hắn. Họ thắc mắc chẳng biết là hắn đang khóc thật hay giả. Vì họ thấy hắn lạ so với trước đây.

Ngày chôn ông Thân, vợ hắn cũng không thấy về. Trước khi hắn đi, cô ta có nói với hắn là cô ta ghét nhất những nơi u ám đầy nhang khói nên nhất quyết không về. Mà dẫu cho ông Thân không mất thì cô ta cũng có khi nào về quê đâu. Cô ta khinh bỉ lối sống nghèo nàn, nhơ nhớp dưới quê. Rõ là ông Thân không có phúc phần hưởng cái hiếu của con cháu.

Ngày giỗ lần thứ nhất của ông Thân, hắn năn nỉ lắm vợ hắn mới chịu về. Nhưng cô ta không xuống bếp như bổn phận của người con dâu, mà cô ta làm “khách”. Cô ta cứ đi lòng vòng, lấy điện thoại ra lướt lướt, bấm bấm cho đến lúc ăn thì cô ta mới thôi. Hắn thì cứ loay hoay sửa soạn bày lên bàn thờ ông Thân nào là rượu vang đắt tiền, bánh cao cấp, trà thượng hạng… Anh Bảo thấy thế mỉa mai:

- Người sống không thấy lo gì, giờ đã chết bày biện, mua sắm cho lắm vào!

Hắn nhìn anh Bảo, rồi ngước nhìn bức di ảnh của ông Thân. Mắt hắn lại rưng rưng…

Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Ân

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.