Ngày 28/7/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4817/UBND-KT. Theo đó, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan trong vi phạm thời gian quyết toán dự án hoàn thành, đưa tiêu chí thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Theo đánh giá của Sở Tài chính, từ khi công văn trên ra đời, một số chủ đầu tư đã chuyển biến tích cực trong công tác quyết toán, xử lý tất toán, không để tồn đọng công trình chưa xử lý tất toán sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán, tích cực thu hồi nhà thầu, nộp trả ngân sách từ nguồn chi phí quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm đến công tác quyết toán, dẫn đến không thể tất toán tài sản sau quyết toán và công việc này cứ nhùng nhằng, kéo dài.
Thực tế này đang diễn ra tại các đơn vị: Ban Quản lý dự án (QLDA) công trình xây dựng, Ban QLDA công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND huyện Ðầm Dơi, Thới Bình, U Minh, Ngọc Hiển... khi không phối hợp với các nhà thầu thu hồi, nộp trả ngân sách, dẫn đến còn tồn đọng nhiều dự án, công trình chưa xử lý tất toán. Nguyên nhân chậm trong công tác quyết toán, tại Ban QLDA công trình xây dựng có các dự án trong giai đoạn 2005-2010 được giao Sở Y tế làm chủ đầu tư, theo đó hồ sơ lưu trữ bị thất lạc trước khi giao lại cho Ban QLDA công trình xây dựng; một số dự án chờ báo cáo kết quả kiểm toán độc lập nên chậm trong công tác quyết toán. Mặc dù đã được kiểm toán độc lập ban hành kết quả 54/54 hạng mục/gói thầu nhưng hiện vẫn còn 4 hạng mục thiếu hồ sơ ở giai đoạn Sở Y tế làm chủ đầu tư tại dự án xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau nên chưa thực hiện được quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Theo nhận định của lãnh đạo Sở Tài chính, dự án này khó quyết toán, tất toán được.
Hiện còn 4 hạng mục thiếu hồ sơ ở giai đoạn Sở Y tế làm chủ đầu tư tại Dự án xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Theo nhận định của lãnh đạo Sở Tài chính, dự án này khó quyết toán, tất toán được.
Tại Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), dự án trùng tu, phục dựng một số hạng mục thuộc di tích Khu Căn cứ Tỉnh uỷ, tại Lung Lá - Nhà thể, có tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng, kéo dài qua nhiều năm dẫn đến hồ sơ bị thất lạc, chủ đầu tư đang tích cực tìm kiếm để bổ sung hồ sơ nhưng chưa đạt kết quả. Tại Năm Căn, lãnh đạo huyện cho rằng, các dự án chậm nộp hồ sơ quyết toán do đã qua nhiều năm, cán bộ nhiều lần thay đổi do điều động, luân chuyển vị trí công tác hoặc nghỉ chính sách nên khó khăn trong việc quyết toán; bên cạnh đó, do đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của tỉnh...
Việc quyết toán dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông bộ, thuộc Khu Du lịch Quốc gia sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau (tuyến đường Khai Long - Ðất Mũi), số tiền gần 91 tỷ đồng, cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Sau khi dự án hoàn thành (năm 2014), Sở VH-TT&DL đã thuê kiểm toán độc lập hồ sơ quyết toán dự án, đồng thời lập hồ sơ quyết toán trình Sở Tài chính, tại Tờ trình số 57/TTr-SVHTTDL ngày 24/5/2022, nhưng qua kiểm tra, Sở Tài chính đã trả hồ sơ do còn thiếu rất nhiều.
“Do dự án kéo dài qua nhiều năm (từ năm 2001-2014), chuyển giao qua nhiều sở, nhiều kế toán nên thất lạc hồ sơ. Mặc dù đã truy lục bổ sung được khá nhiều hồ sơ từ kho đơn vị và các nhà thầu, nhưng do một số nhà thầu không còn hoạt động, nên đến nay vẫn chưa truy tìm đủ hồ sơ để gửi quyết toán”, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL, nêu thực tế.
Dự án tuyến đường Khai Long - Ðất Mũi kéo dài qua nhiều năm (từ năm 2001-2014), chuyển giao qua nhiều sở, nhiều kế toán, nên thất lạc hồ sơ, đến nay chưa thể quyết toán.
Nói về dự án kéo dài, thay đổi chủ đầu tư đối với dự án trên, ông Tiên liệt kê, từ Sở Thương mại - Du lịch qua Sở Ngoại vụ - Du lịch rồi đến Sở VH-TT&DL. Rồi năm 2014, xoá các ban QLDA chuyên ngành tại các sở, các hồ sơ chuyển về Ban QLDA công trình xây dựng. “Qua quá nhiều khâu, cán bộ thay đổi nhiều, người sau không tiếp cận hồ sơ dự án một cách đầy đủ của người trước... dẫn đến hồ sơ không đầy đủ, khó đáp ứng theo yêu cầu quyết toán dù đơn vị đã làm hết cách, hết bài”, ông Tiên giãi bày.
Thông tin từ chủ đầu tư, là Sở NN&PTNT, đối với 8 hạng mục thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) chưa tất toán là do các hạng mục này cùng một nhà thầu - Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Duy Phát thực hiện. Theo ông Nguyễn Trung Hưởng, nguyên Phó giám đốc Ban QLDA PPMU Cà Mau (ban này cũng đã giải thể), ban đã phối hợp báo cáo số xử lý phải thu sau quyết toán, nhưng chưa thể thu hồi được do nhà thầu đã giải thể không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh và không liên lạc được.
Một thực tế khác đang diễn ra đối với các dự án liên quan đến ngành nông nghiệp, hiện nay còn tồn tại nhiều dự án tiếp nhận bàn giao từ các ban QLDA trước đây đã dừng thực hiện (do nhiều nguyên nhân, như không được bố trí vốn để tiếp tục đầu tư hoặc không giải phóng được mặt bằng...) nhưng chưa thể trình phê duyệt quyết toán để tất toán nguồn vốn đã thực hiện, do thành phần hồ sơ của các dự án bàn giao chưa đầy đủ (hồ sơ quản lý chất lượng, sản phẩm của các hợp đồng tư vấn, thanh lý hợp đồng). Từ đó dẫn đến tồn đọng các dự án đã dừng thực hiện, kéo dài qua nhiều năm, nhưng chưa thể quyết toán và tất toán nguồn vốn đã thực hiện; đặc biệt là các dự án tái định cư, có rất nhiều hạng mục nhỏ lẻ và đã được đầu tư hoàn thành một số hạng mục từ rất lâu (hơn 10 năm). Nguồn vốn hạn chế (không được Trung ương bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư) và một số nguyên nhân khác nên đến nay các dự án đa số đình hoãn, trong khi thời gian thực hiện dự án đã kết thúc.
“Khi tiếp nhận các dự án từ các ban, ngành (cũ) bàn giao lại, qua rà soát thành phần hồ sơ còn thiếu rất nhiều, nên không thể lập và giao nộp quyết toán đầy đủ thành phần hồ sơ sản phẩm theo quy định hiện hành”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
Nói về công tác thực hiện quyết toán, tất toán Dự án Khu đô thị cửa ngõ Ðông Bắc TP Cà Mau, ông Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng, hiện đơn vị là chủ đầu tư nhưng không phải trực tiếp thực hiện nên không nắm, không có số liệu và cũng không có nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện công tác quyết toán, tất toán. Một thực tế là dự án này chưa hoàn thành nhưng ban QLDA đã bị giải thể./.
Trần Nguyên
Bài cuối: Cần có chủ trương kịp thời, xử lý dứt điểm